Nhà văn Vũ Bình Lục: Người dày công giải mã kho báu văn chương Trung đại

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Gần 20 năm qua, nhà văn, nhà thơ Vũ Bình Lục nổi như một hiện tượng trong làng nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học Trung đại của nước ta. 

Kiên trì, bền bỉ và say mê tìm về kho báu văn học dân tộc, mỗi năm qua đi, ông đều có tác phẩm công bố với bạn đọc, công chúng mà cuốn nào cũng dày dặn về số trang, phong phú về tư liệu cho thấy tác giả dày công, sắc sảo về mặt kiến giải.

Có những tác giả mà khi cầm trên tay tác phẩm của họ, mới chỉ nhìn vào số trang, đọc tên và mục lục, độc giả, công chúng đã cảm thấy vô cùng ấn tượng. Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Bình Lục là một trong số các tác giả như thế. Từ ấn tượng ban đầu ấy đến lúc đi vào cụ thể từng nghiên cứu của ông càng thực sự thấy được tài năng, tâm huyết của một tác giả xuất thân là một nhà giáo, một thương binh.

 
Nhà văn Vũ Bình Lục: Người dày công giải mã kho báu văn chương Trung đại - ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm.

Hàng chục năm năm nay, hầu như năm nào nhà văn Vũ Bình Lục cũng công bố những ấn phẩm mới, quy mô, hoành tráng. Ông là tác giả của hơn 30 đầu sách, trong đó có 14 công trình biên khảo, lý luận phê bình văn học, văn hóa và lịch sử, được gọi chung là giải mã văn học Trung đại.

Theo thống kê, nhà văn Vũ Bình Lục đã có hơn 10.000 trang giải mã kho báu văn chương của dân tộc. Chặng đường, tâm huyết, thành quả và phương pháp nghiên cứu giải mã kho báu văn chương dân tộc của nhà văn Vũ Bình Lục mới đây đã được bàn luận trong tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học Trung đại”. Đây là hoạt động do Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tác phẩm Nghiên cứu – phê bình văn học đáng chú ý của nhà văn Vũ Bình Lục có thể kể đến những cuốn “Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi”, “Giải mã thơ Lý - Trần” (5 tập, gồm 2800 trang), “Hồn thiền trong thơ Lý - Trần” (700 trang), “Thánh thơ Cao Bá Quát” (hơn 700 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19” (2 quyển gồm 1600 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (756 trang) và “Vừa đi vừa nghĩ” (1050 trang)…Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hiếm hoi lĩnh vực này.

Kỳ công là thế, tuy vậy, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục lại bộc bạch hết sức giản đơn về tâm niệm khi nghiên cứu văn học Trung đại. Đó là xuất phát từ niềm say mê các tác phẩm văn học cổ cho đến việc tiếp nối quá trình sưu tầm, bổ sung của các thế hệ nghiên cứu đi trước đồng thời đi sâu hệ thống, giải mã giá trị của các tác phẩm này. Ông đã theo đuổi công việc “thú vị” này từ thời tuổi trẻ và đặc biệt tập trung từ sau khi về hưu. Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục hi vọng quá trình giải mã này giúp ích cho các thế hệ trẻ trên con đường tiếp cận kho báu văn chương của dân tộc.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học Trung đại” thống nhất rằng nhà văn Vũ Bình Lục đã kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn nhất của nền văn học dân tộc. Nhà thơ Trần Đăng Thao, người bạn vong niên gắn bó với nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục ngót nghét 40 năm nay. Hiện tại cùng với người bạn của mình, ông đang dịch toàn bộ thơ ca Trung đại gồm khoảng 5000 bài. Nhà thơ Trần Đăng Thao cảm nhận sâu sắc về tâm huyết và đóng góp của nhà văn Vũ Bình Lục với kho báu văn học của dân tộc.

Theo ông, Vũ Bình Lục là “một nhà nghiên cứu rất đặc biệt vào loại hiếm có, có tầm vóc chuyên gia về văn học Trung đại”. Ông có công hệ thống lại toàn bộ dòng văn học Trung đại thành một chỉnh thể đồng thời tìm ra những tư liệu mới, bổ sung vào các nghiên cứu trước đây chưa phát hiện được. Nhà văn Vũ Bình Lục đã phát hiện và khai thác dòng văn học Đông A, thời nhà Trần

Chính tinh thần, năng lượng của nhà văn Vũ Bình Lục thể hiện qua các nghiên cứu văn học Trung đại đã lôi cuốn nhà thơ Trần Đăng Thao vững bước trên con đường giải mã một bộ phận văn học với những trước tác tầm cỡ. Cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với thành quả nghiên cứu văn học Trung đại của nhà văn Vũ Bình Lục, nhà thơ, Tiến sĩ văn học Phạm Đình Ân nhìn nhận ông như một “hiện tượng” tác giả, tác phẩm.

Trong lời tựa cuốn sách lý luận phê bình mới nhất mang tên “Vừa đi vừa nghĩ” của nhà văn Vũ Bình Lục, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nghĩ: “Từ nhiều năm nay, mặc dù tuổi tác đã cao nhưng nhà văn Vũ Bình Lục vẫn say sưa lao động nghệ thuật không ngừng, không nghỉ. Ông sớm khuya cần mẫn, tận tụy làm việc với nghị lực phi thường và ý thức trách nhiệm công dân cao cả. Ở ông vẫn thường trực tinh thần đam mê, nghiêm túc, tràn đầy năng lượng cống hiến và sáng tạo…Với bộ óc thông tuệ, nhãn quan, cảm quan nghệ thuật tinh tế, thành quả lao động của nhà văn Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người”.

Tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học Trung đại”, các học giả, nhà nghiên cứu đã làm rõ hơn những cống hiến của nhà văn Vũ Bình Lục, một tấm gương lao động khoa học và văn học hiếm có trong giải mã văn học Trung đại Việt Nam, đồng thời trao đổi nhiều vấn đề mang tính học thuật liên quan những nội dung nghiên cứu của ông. Nhà văn Phùng Văn Khai với tư cách thế hệ hậu sinh nhìn nhận sự nhiệt tâm, dấn thân của nhà văn Vũ Bình Lục trong nghiên cứu, giải mã văn học Trung đại, đặc biệt là kết hợp với các góc nhìn lịch sử, tường minh các nhân vật lịch sử như thơ Phạm Ngũ Lão, Trần Ích Tắc, Trần Nhân Tông. Theo nhà văn Phùng Văn Khai, sự nghiệp ấy cần được ghi nhận hơn nữa.

Nhà văn Vũ Bình Lục: Người dày công giải mã kho báu văn chương Trung đại - ảnh 2Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục (trái) nhận Giải thưởng Đào Tấn.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Đào Tấn cho nhà văn Vũ Bình Lục nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông. Giải thưởng được khởi xướng lần đầu cách đây 24 năm tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đây là một sự tôn vinh xứng đáng bởi từ lâu nhà văn Vũ Bình Lục đã được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá là một hiện tượng hiếm lạ trong nền nghiên cứu, phê bình văn học, chuyên gia hàng đầu về văn học Trung đại nước ta.

Tập Nghiên cứu – Lý luận, phê bình văn học nhan đề “Vừa đi vừa nghĩ” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Vũ Bình Lục. Tập sách gồm hơn 140 bài viết, dày tới hơn 1000 trang do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều viết lời tựa. Các vấn đề văn học, văn hóa và lịch sử, chủ yếu là ở thời kỳ Trung đại kéo dài hàng ngàn năm với biết bao biến cố, thăng trầm, dâu bể, đặc biệt là thời Hậu Lý và nhà Trần. Trong tác phẩm này, nhà văn Vũ Bình Lục lật lại cốt lõi nhiều sự kiện, xuất thân và biến động cuộc đời các nhân vật lịch sử đồng thời luận bàn, đưa ra những lý giải xác đáng.

Với tâm huyết gìn giữ và khai mở các di sản văn học, thông qua các công trình, tác phẩm, nhà văn Vũ Bình Lục đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc của độc giả, công chúng. Dù đã gặt hái nhiều thành quả, ở tuổi ngoại thất thập, mỗi ngày, ông vẫn lặng lẽ kiếm tìm, bóc tách, giải mã lần lượt kho báu văn chương Trung đại.
Thường ngày nói năng bình đạm nhưng hễ nhắc đến sở trường, đến dự định công bố các nghiên cứu sắp ra mắt với số trang bản thảo lên tới hàng mấy nghìn, giọng nói của nhà văn Vũ Bình Lục bỗng trở nên sôi nổi, hào hứng như được tiếp thêm sức sống, tiếp thêm động lực. Ông đang tiếp tục bổ sung và chuẩn bị xuất bản bộ sách mới về văn học thời Lý – Trần đồng thời đã hoàn thành bộ sách mới mang tên “Thơ bang giao Đại Việt” dự kiến lên tới 2.000 trang…
Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục sinh năm 1948, quê ở Thái Thụy, Thái Binh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. 20 năm trước, nhà văn Vũ Bình Lục từng được trao giải cao nhất trong cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó là giải cao nhất Nghiên cứu – Phê bình văn học của Liên hiệp các Hội văn học và Nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng Văn học năm 2023 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu