Ngày Thơ Việt Nam – Sân chơi đặc sắc của những người yêu thơ

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) -  Tư tưởng của Ngày thơ Việt Nam là không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(VOV5) -  Tư tưởng của Ngày thơ Việt Nam là không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.


Từ 14 năm nay, đã thành thông lệ, vào ngày rằm tháng Giêng, tức Tết Nguyên tiêu (ngày 15 âm lịch), tại thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước lại diễn ra sự kiện Ngày Thơ Việt Nam. Đây là dịp để các nhà thơ, nhà văn cũng như công chúng yêu thơ Việt Nam gặp mặt, trao đổi và chia sẻ với nhau những đứa con tinh thần của mình trong suốt một năm vừa qua. Đồng thời mỗi sân thơ ở mỗi địa phương cũng chính là một sân chơi văn hóa đặc sắc, nơi phát hiện ra nhiều tài năng thơ ca và góp phần đưa thơ ca đến gần hơn với mọi người.


Ngày Thơ Việt Nam – Sân chơi đặc sắc của những người yêu thơ - ảnh 1
Khi đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV năm 2016 du khách được tìm hiểu tiểu sử và những bài thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng. Ảnh: cand.com.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đến hẹn lại lên, đầu Xuân năm mới, những người yêu thơ lại hội ngộ trong sự kiện Ngày thơ Việt Nam, một không gian tràn ngập thi ca. Rằm tháng Giêng năm nay là Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề “Đất nước - Cánh buồm xuân” được đồng loạt khai mạc trên toàn quốc. Trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ở thủ đô Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam chính thức bắt đầu sau hồi trống khai hội. Một lễ hội thơ tao nhã tôn vinh các giá trị nhân văn sâu sắc được giới yêu thơ trong cả nước mong đợi, cũng là nơi giới thiệu thơ ca đương đại trong nhịp sống mới, góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách của người Việt. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định: “Trong 13 năm qua, Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội văn hóa mới, tao nhã, lịch thiệp với các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng đông đảo của công chúng văn học trong cả nước. Ngày Thơ Việt Nam là một trong những ngày thơ đặc sắc nhất của 26 festival thơ nổi tiếng trên thế giới”. 

Tư tưởng của Ngày thơ Việt Nam là không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, góp phần xây dựng tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Qua 14 năm, chính những người đọc, yêu thơ Việt Nam đã đến mỗi ngày một nhiệt tình hơn và họ đã nhớ trong một năm có một ngày mang tên là Ngày Thơ Việt Nam. Ở đó, có thể có những người làm thơ và không làm thơ nhưng tinh thần thơ ca luôn ở trong đời sống của họ. Ở đó có sự chia sẻ, có sự yêu thương, có cả sự gìn giữ những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Dù đề cập đến vấn đề gì thì ở Ngày Thơ vẫn luôn có ngôn ngữ của thi ca và nó làm cho mỗi người yêu thơ nhiều hơn. Sân thơ Văn Miếu trở thành sân văn hóa đặc sắc, sân chơi văn hóa lớn vừa mang đến cảm xúc cho người nghe vừa mang đến những tư tưởng sâu sắc của một nền minh triết Việt”.

Qua mỗi năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam lại có thêm nhiều nét mới, đặc biệt là việc Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam mời các nhà thơ, nhà văn quốc tế tới giao lưu cùng các nhà thơ, nhà văn và công chúng Việt Nam.

Ngày Thơ năm nay, lần đầu tiên các nhà thơ đến từ phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tham dự sự kiện này với một chuỗi hoạt động nhằm đưa thơ ca đương đại của châu Âu đến gần hơn với người yêu thơ Việt Nam. Đây cũng là dịp để quảng bá thơ đương đại của Việt Nam rộng rãi và rõ nét hơn với bạn bè thế giới, mong muốn đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành một sự kiện có tính quốc tế. Nhà thơ Pháp André Velter, đại diện cho các nhà thơ đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14, chia sẻ: “Khi tham gia vào Ngày thơ Việt Nam, tôi đã được tiếp xúc, sự trao đổi giữa cá nhân tôi với tư cách là nhà thơ với một số nhà thơ của Việt Nam. Đây là những sự trao đổi và đàm đạo giữa những nhà thơ với nhau nên đây là điều mà tôi rất tâm đắc. Tôi thấy đây là hoạt động thu hút rất nhiều người, không chỉ có thơ ca mà còn có tất cả các nghệ thuật liên quan đến sự biểu đạt bằng lời nói. Nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật múa, âm nhạc đều được kết hợp ở đây”. 

Một điểm mới nữa trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 đó là không gian thơ đặc sắc cho các em thiếu nhi. Tại sân thơ thiếu nhi, khán giả được nghe những nhà thơ nhí trình bày các bài thơ hôm nhiên, trong sáng do chính các em sáng tác. Không chri vậy, các diễn giả nhí còn thể hiện lại những tập thơ quen thuộc được làm mới trong cách thể hiện như "Góc sân và khoảng trời" của nhà thơ Trần Đăng Khoa, "Bầu trời trong quả trứng" của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, cho rằng: “Thơ chính là cách tiếp cận dễ dàng và đẹp đẽ nhất để các em tiếp nhận ngôn ngữ cũng như âm điệu. Chính vì vậy sân thơ thiếu nhi rất có ý nghĩa đối với những bạn đọc thơ nói chung và các bạn đọc nhỏ tuổi nói riêng. Chúng tôi hi vọng với việc làm mới các tác phẩm thơ bằng những phong cách mới sẽ giúp các em có một cách tiếp cận thơ mới hơn, phù hợp với thị hiếu của bạn đọc ngày nay”.

Ngày Thơ Việt Nam, sự kiện thường niên đã trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa thường niên, với các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng đông đảo công chúng văn học trong cả nước. Đây là điểm hẹn văn hóa độc đáo mà ở đó mọi người đến với nhau bằng tình yêu thơ, không kể già – trẻ, cùng nhau góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cũng như đưa thi ca Việt Nam ngày càng phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu