Nghe âm thanh tại đây:
Kể từ khi trở lại sau đại dịch, chưa khi nào hoạt động sân khấu trong nước sôi động như năm 2024 khi có đến 5 liên hoan sân khấu lớn được tổ chức...
....5 liên hoan sân khấu lớn lần lượt diễn ra từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 11, gồm: Liên hoan nghệ thuật Sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng 2024 tại Hải Phòng (diễn ra 13 - 20/5), Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 tại Thái Nguyên (diễn ra từ 11 - 26/6), Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 tại Cần Thơ (diễn ra từ 25/10-15/11), Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 (diễn ra từ 1 - 9/11) và LH SK TPHCM 2024 (12 - 29/11). Trong đó, Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng 2024 và Liên hoan sân khấu TPHCM lần đầu được tổ chức.
Vở diễn "Giáng Hương" của sân khấu Kịch Thiên Đăng tham gia Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ 1 - Ảnh: Thiên Đăng/ Vũ Hường |
Đặc biệt, Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất đã thực sự tạo tiếng vang lớn. Dù chỉ dành riêng cho lĩnh vực kịch nói nhưng Liên hoan đã kéo dài suốt nửa tháng, có tới 19 đơn vị dự thi với 24 vở diễn phong phú nội dung, đề tài.
Tại Liên hoan, NSƯT Thành Lộc chia sẻ, ông từng không thích các liên hoan nói chung bởi có những vở đoạt huy chương, có thành tích cao nhưng sau khi khép lại hội diễn lại không thể sống được. Trong khi đó, những vở “thực” với đời sống của công chúng lại không có thành tích tốt. Nhưng với liên hoan lần này, ông mong mọi chuyện sẽ khác. Sân khấu Thiên Đăng mà ông tham gia năm nay đến liên hoan với vở "Giáng Hương".
NSƯT Thành Lộc nói: "Một tác phẩm đạt giải phải có đời sống thực ở cuộc sống, khán giả phải thích, xem được, cùng sống và đồng hành với nó được nhiều năm thì giải thưởng mới thực sự có giá trị. Nó cũng là cách để những người quản lý nghệ thuật cả nước đánh giá về sân khấu xã hội hoá đúng nghĩa và tích cực nhất.”
...
Vở kịch nói "Macbeth", một trong những tác phẩm Sân khấu truyền hình thu hút sự quan tâm của công chúng Hải Phòng trong nửa đầu năm 2024. - Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Tại một số tỉnh thành lớn, năm qua, cũng có những hoạt động tạo hiệu ứng phát triển nghệ thuật sân khấu hiệu quả. Theo NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, việc duy trì và phát triển chương trình Sân khấu truyền hình của thành phố Hải Phòng không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn quảng bá hình ảnh, văn hoá Việt Nam ra thế giới: "Hải Phòng thông qua chương trình sân khấu truyền hình, đang đánh thức được tình yêu của công chúng đối với sân khấu. Năm vừa rồi các đơn vị như: Múa rối, Chèo đã được 6 nước châu Âu mời sang biểu diễn là thông qua Sân khấu truyền hình của Hải Phòng, người ta biết được khả năng năng lực của văn nghệ sỹ của Hải Phòng. Chúng ta không phải là chỉ phục vụ người dân Hải Phòng mà phục vụ cho người dân của cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khán giả du khách."
Tại TP Hồ Chí Minh, sàn diễn cải lương tuy không sôi động bằng kịch nói nhưng trong năm vẫn để lại những dấu ấn đẹp. Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang vẫn có lượng khán giả riêng ủng hộ nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Các suất diễn cải lương lịch sử hay đề tài cách mạng, như: Khúc tráng ca thành Gia Định (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Người ven đô (Sân khấu Đại Việt), Người mang 9 án tử (Sân khấu Hoàng Hải), Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (Sân khấu Sen Việt), Sấm vang dòng Như Nguyệt (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) đều nhận được sự ủng hộ của khán giả. Ngay cả sân khấu mới ra mắt như Thiên Long cũng mạnh dạn thử sức với cải lương lịch sử là Hào kiệt Lam Sơn...