Nghe âm thanh bài tại đây:
Mới đây Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Gallery 39 đã tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Di cảo và trưng bày một số trang thủ bút của nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cuốn sách gồm các tập thơ như “Rra”, “Songe A”, Sử thi “Phù Đổng ca” cùng một số các trang thủ bút các tập thơ của nhà thơ, nhạc sĩ.
Lời bạt do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết. Phần phụ lục gồm Thư của Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng, chân dung Đặng Đình Hưng qua ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường, các bài viết của các tác giả như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Đan.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng sinh năm 1924 tại làng Thụy Hương (Hà Tây cũ – nay thuộc Hà Nội), tốt nghiệp Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông vào học trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng tháng 8 bùng nổ, ông nhập ngay vào hoạt động đoàn thể ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến, Đặng Đình Hưng theo Việt Minh lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền.
Sau đó, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương rồi được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Cùng với một số nhà thơ có khát vọng cách tân thơ, Đặng Đình Hưng đã tự dấn thân trong những thể nghiệm. Một số tập thơ, bài thơ đã được xuất bản từ những năm 1958 cho thấy sự cách tân cực kỳ bản lĩnh của ông như tập “Lirik”, “Comik”, “Khóc Mỵ Châu”, “Bến lạ”, “Ô Mai”.
Từ bên phải qua: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn (con trai nhà thơ Đặng Đình Hưng), họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Nhà thơ Đặng Đình Hưng chính thức sáng tác từ cuối những năm 50 cho đến khi qua đời vào năm 90 của thế kỷ trước. 40 năm cầm bút, ông luôn có một lối đi riêng, những cách tân riêng, thi pháp thơ độc đáo. Tuy “chín” muộn hơn các nhà thơ đồng trang lứa như Trần Dần, Lê Đạt hay Hoàng Cầm nhưng Đặng Đình Hưng không đánh đổi bản sắc riêng trong ngòi bút để có được sự công nhận của số đông.
Cách lập tứ trong thơ Đặng Đình Hưng mang cảm xúc nguyên sơ, không màu mè, cách điệu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng nghệ thuật sáng tạo thơ ca của Đặng Đình Hưng có những cách tân độc đáo, khác biệt. Sinh thời, ông đã tạo ra được một dấu ấn đặc biệt, một mình làm ra một con đường, một phong cách, quan điểm về thơ.
Cho đến bây giờ công chúng vẫn chưa hiểu được đến tận cùng và kín kẽ các tác phẩm của Đặng Đình Hưng nhưng ở đó chiếu rọi đời sống hiện thực qua những biểu tượng riêng biệt, những hình ảnh đặc trưng đầy mới mẻ. Thời tuổi trẻ, khi đọc những thi phẩm của nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chưa nhận ra những vẻ đẹp về hình thức. Chỉ đến gần đây và bây giờ ông mới thấu cảm hơn. Thơ Đặng Đình Hưng trước và nay vẫn không dành cho số đông là vì thế.
Sự tự do trong sử dụng tiếng Việt để “phổ” đúng cảm xúc thơ của Đặng Đình Hưng còn thể hiện trong nhiều thi phẩm. Sinh thời tất cả các thi phẩm của ông đều chưa được công bố rộng rãi trong công chúng, ngoài sự lưu truyền giữa một số bạn văn nghệ hợp “gu”.
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền nhìn ra ngọn nguồn cảm xúc và tâm thế sáng tạo của Đặng Đình Hưng, một thi sĩ tài năng lỗi nhịp. Theo ông “Đó là một thế giới thơ vô cùng đặc biệt của một con người vô cùng cô đơn, hết sức cô độc. Khi không biết chia sẻ với ai vì thế thơ như tiếng nấc, như tiếng gào, như tiếng rú, như tiếng lẩm bẩm của một người đi đường nhưng không biết đi về đâu”.
Tính đến khi nhà thơ Đặng Đình Hưng mất, họa sĩ Lê Thiết Cương đã có khoảng 6 năm được làm học trò của ông.Thời gian đó, Lê Thiết Cương được thầy truyền dạy về nghệ thuật nói chung, trong đó có hội họa. Cách đây 3 năm, ông cùng với những người thân trong gia đình thầy tổ chức bản thảo và giới thiệu tuyển tập gồm 6 tác phẩm thơ, 21 bức tranh và nhiều bài viết về thơ và người Đặng Đình Hưng. Sau khi tập “Một bến lạ” ra mắt, một số người bạn đã tin tưởng trao cho họa sĩ Lê Thiết Cương bản thủ bút những tác phẩm chưa từng công bố Đặng Đình Hưng. Từ đó đã hình thành nên nội dung của cuốn sách “Di cảo Đặng Đình Hưng”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói rõ hơn về phần phụ lục của tác phẩm cũng như dấu ấn của nhà thơ Đặng Đình Hưng trong thơ ca đương thời. Giai đoạn hậu nhân văn giai phẩm có “tứ đại gia” – Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm và Đặng Đình Hưng là những người bạn ngoài đời.
Trong tập Di cảo mới công bố của nhà thơ Đặng Đình Hưng vì thế có một bài viết của nhà thơ Hoàng Cầm viết về Đặng Đình Hưng, một bài viết và bức thư của nhà thơ Trần Dần gửi nhà thơ “Ô Mai” khi ông lâm trọng bệnh vào năm 1980, một bài thơ của nhà thơ Lê Đạt, bài của nhà thơ Phan Đan viết về những kỷ niệm về Đặng Đình Hưng. Người viết lời bạt cho cuốn Di cảo Đặng Đình Hưng là nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Sinh thời, nhà thơ Đặng Đình Hưng được biết đến là một người sống khép mình, ít giao tiếp với mọi người. Ông thường đóng cửa một mình đọc sách, làm thơ, đắm mình trong suy tư. Về quê hương tham dự lễ ra mắt cuốn sách “Di cảo Đặng Đình Hưng”, NSND – Danh cầm Đặng Thái Sơn đã hồi tưởng lại những hình ảnh, kỷ niệm về người cha của mình.
Ông không có nhiều thời gian gần gũi cha do phải đi sơ tán rồi đi học tập ở nước ngoài. Những năm gần người cha thi sĩ ở Hà Nội, Đặng Thái Sơn chứng kiến cuộc sống rất độc lập của ông. Những lời dạy của nhà thơ Đặng Đình Hưng đã theo suốt cuộc đời và nhận thức nghệ thuật của danh cầm Đặng Thái Sơn.
Thơ Đặng Đình Hưng mang nội dung, cảm xúc thuộc về chiều sâu cần thời gian để thấu tỏ. Có lẽ nhiều người sẽ đồng cảm với nhìn nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về giá trị di sản Đặng Đình Hưng với tư cách một nhà thơ, một nghệ sĩ trong quán chiếu về hành trình sáng tạo và tiếp nhận của công chúng. Đó là một giá trị văn chương có thực, một sự sáng tạo cá biệt và kiệt cùng tạo ra một phong cách riêng, cần được đọc nhiều hơn trong hiện tại và tương lai.