Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?”

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) -Với Huyền Thư, làm thơ là cách tốt nhất để cân bằng cuộc sống và giúp chắp cánh ước mơ.

Rời xa vòng tay bố mẹ từ năm 13 tuổi để sang Newzealand  du học, cô bé Huyền Thư quê lúa Đông Hưng, Thái Bình phải sống tự lập và nỗ lực rất nhiều. Không biết tìm ai để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, Huyền Thư đã tìm đến thơ và từ đó cô coi thơ như một người bạn tâm giao không thể thiếu.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 1Cô sinh viên thích làm thơ Huyền Thư quê Đông Hưng, Thái Bình 

Làm thơ giúp cô cân bằng được cuộc sống và giúp chắp cánh ước mơ. Huyền Thư viết chủ yếu về tình yêu đôi lứa và yêu quê hương, đất nước. Mới đây Nhà xuất bản Văn học và Công ty SaiGon Book cho xuất bản tập thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu - tập hợp hơn 70 bài của Huyền Thư. Nhân dịp Huyền Thư về Việt Nam ra mắt tuyển tác phẩm đầu tay, PV Đài TNVN có cuộc phỏng vấn cô sinh viên mới 20 tuổi rất cá tính này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV:  Nhà xuất bản Văn học và SaiGon Book vừa xuất bản tuyển thơ có tên “ “Nhớ rất nhiều nhưng nhớ được bao nhiêu” của bạn, Huyền Thư có thể giới thiệu cho thính giả Đài TNVN đôi nét về tập thơ đầu tay này?.

Huyền Thư: Tập thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu dựa trên một tựa đề một bài thơ cùng tên mà tôi đoạt giải nhì trong cuộc thơ trẻ Trung tâm viết văn của trường Đại học Victoria ở Wellinton, Newzealand tổ chức năm 2016. Bài thơ được viết bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt nói về tình cảm đối với quê hương đất nước, về những gì tôi từng trải qua, những hoài niệm và mong chờ.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 2Tập thơ "Nhớ rất nhiều là nhớ" được bao nhiêu sẽ lên kệ vào ngày 6/1/2018 

Tuyển tập thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu chia làm 5 phần, đưa độc giả đến những cung bậc tình cảmphát triển dần theo năm tháng. Phần 1 viết về những câu chuyện mà tôi trải qua hay được nghe, được thấy  (nói về về cá nhân nhiều hơn). Khi đó tôi là cô bé 15,16 tuổi nên cách viết có phần khá tự do. Phần 2 và 3 nói về tình yêu đôi lứa, sự ngóng chờ, hoài niệm và tự hỏi khi mình sống ở một nơi rất xa xôi và không biết điều gì sẽ xảy đến. Phần tiếp theo là những bài thơ về tình yêu quê hương và phát triển rộng hơn là tình yêu Đất nước.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 3Huyền Thư, cô sinh viên 20 tuổi đang sinh sống và học tập tại Newzealand 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tình cảm trong mỗi con người luôn diễn biến theo thời gian và mình nên có mỗi thứ một chút để hài hòa cuộc sống. Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu có nghĩa là mình rất nhớ nhưng không thể đong đếm được nỗi nhớ đấy. Mình không biết phải làm để diễn tả được hết những nỗi nhớ đó ra. Mà nỗi nhớ thì rất nhiều ở từng kỷ niệm, từng khía cạnh nên chỉ biết là nhớ mà không diễn tả được bằng lời.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 4Tuyển tập hơn 70 bài thơ nói về tình yêu quê hương đất nước 

PV:  Được biết, Thư sinh ra, lớn lên ở một vùng quê của Thái Bình.13 tuổi sang học tập và định cư ở Newzealand nhưng trong tập thơ của em có khá nhiều hình ảnh về Hà Nội. Hẳn là Thư cũng có những kỷ niệm với Hà Nội?

Huyền Thư: Từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ sống ở Hà Nội nhưng do nhiều lần về thăm Việt Nam và ở chơi Hà Nội nhiều ngày. Thường là vào dịp tháng 11 tháng 12, Hà Nội khi đó mới chớm đông nên thời tiết mát mẻ. Hà Nội đẹp vô cùng trong thời điểm giao mùa này. Đặc biệt,  mùa này có rất nhiều cúc họa mi - loại hoa tôi rất thích. Cho nên Hà Nội  để lại ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của tôi. Mỗi lần về Newzealand, ở đó không có hoa cúc họa mi, không có hoa sữa nên tôi lại nhớ về Hà Nội, về con người, cảnh sắc và thời điểm giao mùa rất đặc trưng ở đây. Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng nhưng không hiểu sao Hà Nội luôn mang đến cho tôi cảm giác rất nồng nàn. Vì có kỷ niệm đẹp nên tôi viết khá nhiều bài thơ về Hà Nội. Lúc nào cũng thế, Hà Nội luôn cho tôi những xúc cảm và rung động mỗi khi gặp lại. Chính vì thế, tôi đã chọn thời điểm Hà Nội khi giao mùa như vậy để trở về và giới thiệu tập thơ đầu tay của mình.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 5Quê hương luôn cho Huyền Thư nhiều xúc cảm mỗi lần trở về 

PV: Qua tập thơ này, Huyền Thư muốn gửi đến độc giả và những người yêu thích thơ em thông điệp gì về cuộc sống?

Huyền Thư: Qua những năm tháng mà tôi băt đầu cầm bút làm thơ, tôi có cảm giác là những dòng tôi viết cũng trưởng thành theo thời gian. Ngày trước theo phong cách viết tự do, hồn nhiên thậm chí ngây ngô. Rất bình thường bởi khi đó tôi nhìn cuộc sống giản dị rồi dần dần hiểu rằng cuộc sống nhiều khi rất phức tạp. Song tôi nghĩ rằng, dù cuộc sống thay đổi thế nào thì chúng ta đều có một điểm chung. Đó là ai cũng có tình yêu, có gia đình và quê hương, để từ đó phát triển thành tình yêu rộng lớn hơn đối với Đất nước.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 6Thầy Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và Huyền Thư

Để qua đó giúp mình có một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn với bản thân. Tôi cũng sẽ mang tập thơ giới thiệu với cộng đồng người Việt ở NewZealand bởi vì tất cả những ai xa quê đều luôn nhớ về quê hương. Đó thông điệp mà tôi muốn gửi đến không chỉ cho những độc giả trong nước và người Việt sống ở nước ngoài. Cũng bởi vì, tôi luôn muốn một cuộc sống phóng khoáng nên đời sống trong thơ tôi không gò bó và dám làm những gì phù hợp với mơ ước của mình.

Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rât nhiều là nhớ được bao nhiêu?” - ảnh 7Huyền Thư và thầy Nguyễn Thiện Nam( ngoài cùng bên trái), dịch giả Nguyễn Phạm Xuân ( Áo đỏ) 

Đó cũng là điều mà tôi muốn các bạn trẻ hướng tới. Với tôi, làm thơ là cách tốt nhất để cân bằng cuộc sống. Thơ là một dạng diễn tả cảm xúc đặc biệt, nhất là khi mình không thể  bộc lộ được ra với ai và như thế nào. Tôi rất mừng vì thơ tôi được mọi người yêu thích và vui hơn khi những cảm xúc của mình được chia sẻ và đồng cảm.

PV: Cảm ơn Huyền Thư và chúc em thành công trong cuộc sống.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu