Nhà thơ Bùi Kim Anh: 'Bán buồn là để làm quà cho vui'

Theo Hồng Thanh Quang/Đại đoàn kết
Chia sẻ
(VOV5) - Có những bạn thích thơ tôi, hay chia sẻ thơ tôi. Có người kêu thơ buồn thế. Có người chê thơ lối cũ, thơ không hot. Tôi thường nghĩ thơ như một món ăn trên mâm bát, thơ là một loài giữa bao loài hoa…làm sao vừa lòng tất cả. Mà được lòng tất cả có khi lại dễ quên- Nhà thơ Bùi Kim Anh
Nhà thơ Bùi Kim Anh: 'Bán buồn là để làm quà cho vui' - ảnh 1

Hồng Thanh Quang: Nhà thơ Latvia, Imant Ziedonis, từng thốt lên: “Hãy mặc áo trắng vào và viết khi còn trẻ, ít ai được cảm và yêu tới tận buổi cuối cùng”. Thực sự thì từ lâu cũng đã có người nói rằng, ngày trẻ thì ai cũng có thể có là thi sĩ, nhưng khi  luống tuổi rồi thì hiếm ai có thể giữ lại được chất thơ nguyên vẹn trong mình. Chị nghĩ sao ạ?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Tôi không nghĩ hoàn toàn như ý anh. Ngày trẻ ai cũng có thể thành thi sĩ ư? Không phải vậy.  Cha mẹ sinh con giời sinh tính -  ngay cả lúc chào đời tiếng khóc của đứa trẻ đã khác nhau. Điều này chỉ có người đàn bà nhận thấy. 

Bây giờ người làm thơ nhiều nhất lại là người lớn tuổi. Khi còn trẻ bận công việc gia đình chẳng có thì giờ đâu mà thơ thẩn. Làm thơ và chất thơ là một và cũng tách bạch như vấn đề anh đặt ra. Tôi không giỏi lý luận nên xin chỉ nói về mình. Tuổi thơ của tôi đầy đủ về vật chất nhưng thiếu hụt về tình cảm. Và tối ngày cắm cúi đọc sách. Tuổi thơ của tôi dành nhiều thời gian cho sách. Cảm giác trống vắng nên vùi đầu vào đọc truyện. Tôi đã làm thơ, viết nhật ký từ ngày bé. Hoàn cảnh sống đã dẫn đến sở thích và tạo ra năng khiếu, đúng không anh? Theo với tuổi tác sự hồn nhiên có thể mất đi, cảm xúc sẽ có những cung bậc khác. Mỗi trải nghiệm trong đời đem đến cho con người một cung bậc cảm xúc. Vẫn còn yêu thương, còn buồn đau, còn va đập với đời vẫn “ dư nước mắt” thì vẫn còn thơ và chất thơ vẫn nguyên vẹn.

Phải chăng vì thế nên mới đây, chị lại cho xuất bản tập thơ mới, tập thơ thứ mười, với tựa đề đầy bâng khuâng tiếc nuối “Hình như mùa đã lỡ”? Tự bản thân chị, chị thấy tập thơ mới của mình như thế nào? Còn tâm sự gì ấp ủ ở ngoài trang sách?

- Tập đầu tiên của tôi có nhan đề “Viết cho mình”. Đến tập này, tập thơ thứ 10 cũng vậy thôi anh - tôi vẫn viết cho mình. Có thể đấy là phần yếu kém của tôi, nhưng thơ cũng như tạng người thật khó đổi thay – “ thơ như phận người vậy/ quẩn quanh chuyện nhân tình”. Anh đã hỏi một câu để tôi “tự sướng” ư? Đơn giản thôi anh. Tôi viết những điều bình thường đến với tôi mỗi ngày trong cảm xúc thực và cả mơ hồ. Cảm xúc thực là những nỗi đau đời và nhất là những cơn đau của chính con gái tôi. Cả một phần tập thơ này tôi dành cho con gái bé bỏng mang bệnh ác. Mơ hồ. Ngay trong cái thực ấy cũng có cái mơ hồ. Và vì vậy mà cứ “ hình như ”. Và vì vậy mới viết được lời thơ.

Đây là tình yêu:

tình yêu không là một màu hồng
tình yêu mang sắc thái của con biến hình
theo thời gian mưa nắng

Đây là cơn đau:

cơn đau nhiều màu lắm con ơi
màu tái xanh của làn da vật vã
màu bạc phếch của mớ tóc thời gian
màu đăm đắm mắt trẻ thơ lo lắng
màu đợi chờ dành cho hết cơn đau

Có những bạn thích thơ tôi, hay chia sẻ thơ tôi. Có người kêu thơ buồn thế. Có người chê thơ lối cũ, thơ không hot. Tôi thường nghĩ thơ như một món ăn trên mâm bát, thơ là một loài giữa bao loài hoa… làm sao vừa lòng tất cả. Mà được lòng tất cả có khi lại dễ quên. Thôi thì mình cứ là mình:

nhiều vui buồn ta tưởng mình có đầy cảm xúc
viết những câu thơ vui chẳng thấy lòng mình hơn hớn
ta lại viết những câu thơ chất ngôn từ to lớn
chỉ thấy lời như hịch cáo dội lên
người chê thơ ta buồn cũng mặc người thôi
buồn làm thơ được phép thêm lần 
buồn làm thơ chìm trong suy tưởng khi ta vẫn khó và quanh ta còn nhiều nước mắt
lẽ nào chỉ lời yêu và mất mát chốn tình yêu
lời ngọt ngào hoang phí biết bao nhiêu
còn lời đói và lời kêu oan trái
và còn những câu thơ ta giữ mãi trong lòng

Vâng, tâm thế ấy rất đúng là của nhà thơ: “Thôi thì mình cứ là mình”. Nghe thì đơn giản nhưng giữ được mình cứ là mình trong cuộc sống hôm nay hoàn toàn không phải là việc giản đơn và dễ dàng. Xã hội hiện đại luôn có xu hướng muốn đồng hóa các cá thể. Nhà thơ ngoài những câu chuyện khác còn có sứ mệnh phải duy  trì được cá tính trong bất luận trường hợp nào. Tiếp tục dòng suy nghĩ này, tôi muốn hỏi chị, liệu chị có tin vào cái mà người ta gọi là “thế hệ nhà thơ” không? 

- Có “ thế hệ thơ” nhưng khái niệm này dùng để chỉ thơ theo thời cuộc thôi, còn trong thơ đích thực thì không có.  

Chị có nghĩ rằng có thể chia thơ thành “thơ nam” và “thơ nữ” không? 

- Không có “thơ nam“ hay “thơ nữ”. Chỉ có tác giả thơ là nam hay nữ thôi.

Chị có đọc thơ của những nhà thơ nữ trẻ tuổi hơn mình không? 

- Có chứ. Tôi đọc tập thơ các bạn trẻ tặng. Tôi đọc trên facebook. Tôi học rất nhiều ở họ. Các bạn ấy giúp tôi làm mới mình, trẻ lại ở góc độ nào đó cảm xúc, lối diễn đạt, ngôn từ.

Trái tim thi sĩ không bao giờ thiếu vắng tình yêu. Có điều, ở mỗi giai đoạn thì tình yêu trong thơ của người làm thơ có một sắc thái khác. Từ độ cao của tuổi tác và kinh nghiệm hôm nay, chị thấy cảm xúc tình yêu trong thơ mình bây giờ có gì giống và khác trước?

- Anh là người làm rất nhiều thơ tình, anh thấy sao? Thơ tình của các anh giống như các anh vậy, nó luôn ngọt ngào, say đắm dù ở tuổi tác nào. Người đàn bà luống tuổi làm thơ tình khác lúc trẻ lắm chứ - viết thơ tình /tình đã già /nghe câu đưa đẩy /thế là ngượng tay. Rồi bây giờ khi đã ở ngưỡng 70 khi xưng anh – em trong thơ cũng ngại. Cái cô gái với: 

hoa bằng lăng sao tím lỡ làng
nở hết cả góc trời nhức nhối
cái thủơ ban đầu bối rối
dại dột vin màu hoa thuỷ chung 

có thể bây giờ vẫn bâng khuâng khi bằng lăng về tím ngát con phố cũ nhưng thơ tình đã khác:

chuyện đã cũ nhớ lại làm gì
cây sấu già nói vậy
một tình yêu không còn nữa
anh xa trong miền nhớ
yêu thương ơi không trở lại bao giờ

Tình yêu trong thơ người đàn bà nhiều tuổi là như vậy. Nó chỉ còn là hoài niệm. Nhưng nó không mất đi. Nó làm nên cái “hình như” trong thơ tôi anh à…

Không chỉ với những nhà thơ nữ đứng tuổi, thơ mới là hoài niệm. Nói thật, ngay từ khi còn trẻ, đối với tôi, tình yêu trong thơ cũng đã sẵn là hoài niệm rồi (Cười)…

- (Cũng cười):…

Tôi biết và nhiều người biết chị là vợ của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, một con người từng phải trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc sống và công việc nhưng luôn luôn giữ được định hướng đúng cho những sáng tạo của mình. Xin được tò mò một chút, anh chị thời trẻ đã gặp nhau như thế nào?

- Hai kẻ văn chương gặp nhau không là mối tình đầu. Một người bạn làm mối. Một duyên phận. Đến tuổi phải ổn định, phải có một gia đình riêng. Thế thôi anh. Như thế cũng như bao cặp vợ chồng. Chẳng ai nghĩ lấy một người nổi tiếng. Chẳng ai nghĩ lấy một người nhiều tai nạn đến khủng khiếp để “nếu ta bỏ nhau lúc trẻ để nạn kiếp xé đôi”. 

Duyên cầm sắt đôi khi bắt đầu hết sức giản đơn. Mà tôi cũng đã nhận thấy rằng, những cuộc hôn nhân bắt đầu một cách giản dị thì thường bền lâu hơn những “cuộc tình như trái phá, con tim mù lòa…”

- Có lẽ đúng là như thế thật…

Hồi đó, trong cảm nhận của chị, anh Trần Mai Hạnh là một người đàn ông như thế  nào?

- Bạn lôi đến, đúng là lôi đến từ nơi anh ấy đang ở để viết hay dưỡng bệnh khi mới ở chiến trường ra - gày gò trong bộ đồ nâu được phát. Cũng bệnh của người mê văn chương, hay làm thơ thôi – qua lại, đưa đón… rồi lấy nhau. 

Chị có hay đọc những bài báo mà anh ấy viết không?

- Đọc chứ anh. Đọc khi còn trên trang viết. Đấy chính là điều chúng tôi gần nhau, giữ lại nhau dù có khi xô, lệch. Chia sẻ, trân trọng những trang viết của nhau. Nếu chỗ nào chưa ổn còn góp ý với nhau. Đón đọc những trang báo có bài viết. Một phần rất lớn trong cuộc sống gia đình tôi, anh à. 

Nhà thơ Bùi Kim Anh: 'Bán buồn là để làm quà cho vui' - ảnh 2

Những năm chiến tranh, nhà báo Trần Mai Hạnh tác nghiệp ở chiến trường, còn chị dạy học ở hậu phương. Những kỷ niệm nào còn lại trong ký ức của chị về giai đoạn đó, chị có thể chia sẻ được không ạ? Những khó khăn mà anh chị đã phải trải qua?

- Tôi gặp anh ấy khi từ chiến trường ra. Chúng tôi chỉ xa nhau giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Nhà báo đi theo các chiến dịch, kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy tôi mới có con gái Trần Mai Anh nên khó khăn đâu có nhiều. Chỉ lo lắng theo từng bước đi của chồng theo tin tức trên đài. Chỉ mua báo để tìm xem có bài của anh ấy viết. 

Khó khăn của gia đình tôi lại là trong thời bình anh ơi. Liên tiếp khó khăn vì hoạn nạn mà tột cùng là vụ án Năm Cam và đồng bọn. Nó đè nặng trong cuộc sống tôi, trong thơ tôi không thể thoát ra. Còn thiếu thốn vật chất thì như tất cả mọi người của một thời bao cấp. Tôi cũng nuôi lợn, nuôi gà, cũng máy gia công, cũng bóc lạc, quấn thuốc lá… để kiếm đồng tiền mọn nuôi con. Mãi sau này dạy thêm nhiều cuộc sống mới tốt dần lên. Đấy là khó khăn và cố gắng vượt qua của một thời giống nhau phải không anh. Tôi thấy bình thường. Cái khủng khiếp là kiếp nạn phải gánh chịu…

Tôi hiểu. Và rất chia sẻ nỗi niềm của anh chị. Và thực tình là bây giờ dường như anh chị cũng đã lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Mới đây được hân hạnh ngồi trò chuyện với anh Trần Mai Hạnh, tôi lại thấy ở trong anh rất nhiều thứ từ phong độ, thuở anh đang ở trên đỉnh cao sáng tạo. Thưa chị, người ta vẫn bảo, những tài năng thường hào hoa và đào hoa. Anh Trần Mai Hạnh chắc chắn là một tài năng lớn trong chuyên môn của mình. Thời trẻ, anh Trần Mai Hạnh có bao giờ khiến chị phải viết ra những câu thơ tình đắng đót không? Và đó là những câu thơ gì, xin chị tiết lộ!

- Nhiều thơ lắm anh. Viết nhật ký mà. Một ví dụ thôi anh nhé. Một không lựa chọn

tình yêu vò xé ta
hạnh phúc trở mặt với ta
như người đàn ông vò xé người đàn bà
như con thú vò miếng mồi tan nát

ta không thể cho mình điều ham muốn
không giật lấy tình yêu
ta chỉ cho mình những bài thơ dang dở
với những chát chua 
với những bực tức
cả những giọt nước mắt
và tâm tình lặng lúc đêm đen

Khi phải tủi phận trong tình yêu thì thơ lại xuất hiện, âu đó cũng là sự đền bù của giời cho những thi sĩ. Thế còn khi nhà báo Trần Mai Hạnh gặp tai nạn lớn, chị đã nghĩ gì và viết gì?

- Sự việc bắt đầu từ cuối tháng 4/2002, khi đó chồng tôi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm đang tiếp xúc cử tri trong cuộc vận động tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa mới ở Bạc Liêu, thì một tờ báo dựng đứng chuyện chồng tôi là đào ngũ, là B quay…

Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thủ trưởng trực tiếp của chồng tôi khi đó đã trả lời trên Báo Đời sống&Pháp luật bác bỏ hoàn toàn thông tin vu khống đó. Tại hồ sơ mang mã số 18170 của chồng tôi đang được lưu giữ với mức độ “bảo quản vĩnh viễn” tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính-Hà Nội) có Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng số 938 TTC ngày 6/12/1969 và Giấy giới thiệu công tác ngày 7/12/1969 của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Quảng Nam-Đà Nẵng kính gửi Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã do ông Hồ Hữu Phước (tức Hồ Nghinh), Bí thư Đặc khu ủy  ký.

Tôi xin gửi hai văn bản có dấu chứng thực của Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III để Báo Đại Đoàn Kết có căn cứ xem xét khi đăng nội dung trả lời này của tôi. Mở đầu “tai họa” của chồng tôi là chuyện vu khống trắng trợn như vậy, và tiếp theo là bao chuyện khác mà tôi không muốn nhắc lại. Bởi lẽ, cần phải “tiêu hóa” được tất cả để mà sống, mà tồn tại và tiến lên phía trước. Đây là sự việc hệ trọng không chỉ đối với cuộc đời làm báo đầy sóng gió thăng trầm của chồng tôi, mà hệ lụy của nó còn tác động sâu sắc tới đời sống của toàn thể gia đình chúng tôi. 

Anh hỏi tôi nghĩ gì ư? Viết gì ư?

Có hai người đàn bà trong tôi rõ rệt. Người đàn bà gia đình và người đàn bà làm thơ. 

Một người vợ cần phải hiểu biết, cần phải có nghị lực và lòng can đảm để cùng chồng vượt qua nạn kiếp. Tôi phải cùng chồng tôi tỉnh táo, giữ lấy mái ấm gia đình và giữ vững tinh thần và niềm tin vào cuộc sống cho các con tôi.

Tôi sống trong những trang nhật ký bằng thơ của mình. Khi xảy ra biến cố, tôi viết  hàng ngày. Thế thôi. Sau này nghĩ lại thấy nếu lúc đó không viết là mình có lỗi. Những dòng thơ kinh hãi, uất nghẹn trong tôi:

căn nhà tắt ánh mặt trời
tắt ánh đèn
tắt nụ cười
và dòng nước mắt 
sự thật bị mất bóng hình và tiếng nói 
lạnh tanh
 

Những dòng thơ động viên chồng con còn mình thì tuyệt vọng:

hãy để mình em mất niềm tin
anh vẫn vững vàng trong cuộc sống không cân sức
các con vẫn tin cuộc đời là cuộc chơi trung thực

Viết nhiều lắm anh. Viết để tồn tại, để chỉ tuyệt vọng trong thơ, chết trong thơ và vẫn phải sống cùng chồng con vượt qua khổ ải.

Chỉ có một niềm tin thôi anh – Tin ở chính mình – Tin ở sự thật – Tin thời gian dứt khoát sẽ trả sự thật về với sự thật. Tôi đã nói với các con – hãy ngửng đầu đi. Mất niềm tin này không có đến ngày nay.

Làm sao để không quỵ ngã trước cú đánh nặng nề đó của số phận?

- Bây giờ ngồi để trả lời anh tôi cũng đang cật vấn mình. Chúng tôi đã vượt qua cú đánh tàn khốc của số phận – sao vậy nhỉ. Đó là vì niềm tin như tôi đã nói ở trên. Vững tin ở sự thật, ở công lý và luật pháp, khi ra trước tòa, chúng tôi đã cùng luật sư tìm ra các chứng cứ và lập luận bác bỏ mọi cáo buộc. Gia đình chúng tôi quây tròn trong lô cốt của mình để có thể trụ vững. Và tôi hiểu trước tiên tôi không được  gục ngã, không được sợ phát ốm, kể cả không được khóc. Những gì xấu đến với tôi sẽ khiến chồng con khó vững vàng. Mẹ con tôi vì bố mà phải vững vàng.

Mẹ dựa các con đi nốt đoạn đường này
Cha dựa mẹ con mình vượt qua cửa ải
Chúng ta vì cha mỉm cười ngăn dòng lệ lại

Và như thế chúng tôi đã “vượt lên ô nhục bằng niềm tin sự sống”. Không thể kể hết với anh tôi đã nghĩ gì, không thể đưa hết những gì tôi đã viết, chẳng vì lý do gì nữa, nỗi sợ hãi gì nữa. Đã quá đủ rồi – luật pháp, tòa án, tù đày và nhân tình thế thái với một người đàn bà cả đời chỉ biết dạy học và làm thơ. Những gì tôi đã viết được xếp trong tập NHỐT THỜI GIAN. Có vài bài đã đưa in trong tập “Bán không cho gió”, còn vẫn để chờ đấy vậy.

Theo chị, liệu có điểm mạnh nào trong tính cách của nhà báo Trần Mai Hạnh tới một tình huống nhất định đã trở thành “gót chân Achille” của anh ấy khiến anh ấy sa vào tai nạn lớn của đời mình không?

- Vợ chồng mà nhận xét về nhau trên mặt báo là không nên, ca ngợi tán tụng nhau lại càng không nên, nhiều khi trở thành lố bịch. Tôi nhớ, sau hơn mười năm tai họa xảy ra, lần đầu tiên trả lời phỏng vấn một cơ quan báo chí về những điều dư luận quan tâm, anh Hạnh có nói: “Trong cuộc sống có những lúc con người ta không chỉ cần im lặng mà còn phải biết cách im lặng như thế nào, và có những điều thì phải im lặng đến suốt đời”. Hơn 40 năm sống bên nhau trong một mái nhà, tôi hiểu những suy nghĩ và cách hành xử của chồng tôi. Những điều gì cần nói, lúc nào nói và nói như thế nào? Tôi tôn trọng quyết định đó của chồng tôi. 

Tôi hiểu. Im lặng, đôi khi cũng là một cách nói. 

- (Cười):…

Trong những năm gần đây, anh Trần Mai Hạnh đã dồn sức để hoàn thành cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử gần 600 trang: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Cuốn sách có tiếng vang lớn, giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học các nước Đông Nam Á (ASEAN) 2015, và mới đây được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc các nước. Chị có nghĩ là chính chị đã đóng góp một phần không nhỏ giúp nhà văn Trần Mai Hạnh tìm lại được đủ tâm lực để hoàn thành công việc rất lớn lao này không?

- Tôi không vững vàng, can đảm sát cánh cùng chồng vượt qua tai họa, giữ cho được mái ấm gia đình thì làm sao chồng tôi có đủ tâm lực mà hoàn thành tác phẩm lớn trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của anh ấy được! Hàng nghìn trang tài liệu quý giá anh ấy kỳ công thu thập, ghi chép khi may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập đã được tôi bảo quản, giành giật từ tai họa cháy nhà, từ những ngày chồng tôi không may vướng vòng lao lý, từ 5 lần chuyển nhà... an toàn và nguyên vẹn để chồng tôi xây dựng tác phẩm này. Rồi in tác phẩm ở Nhà xuất bản nào, làm sao dịch sang Anh ngữ để xuất bản và phát thành đi các nước, tôi đều cùng chồng tôi bàn bạc, tính toán và tiến hành với sự cảm thông và hỗ trợ của không ít người... 

Cuộc sống gia đình của nữ sĩ Bùi Kim Anh bây giờ thế nào?

- Như bao gia đình, như bao người đàn bà lớn tuổi thôi anh – làm việc nhà, chăm chồng con và cháu khi khỏe. Cũng có những bệnh khi về già như xương khớp chẳng hạn. Tôi không khỏe nhưng vẫn bình thường trong mọi việc và tự biết chăm sóc. Tệ là chỉ thích ngồi trong góc của mình với máy tính khi cả nhà đã đi làm đi học. Cháu tôi nhận xét là – may bà mình làm thơ mà không sống ảo. Gia đình tôi sống quây quần vì con gái tôi, anh biết đấy – đi làm nuôi 3 đứa con và chăm lo cho chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”. Tháng 6 này bác sĩ sang lại lo mổ cho các cháu không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Công việc của con, giờ cũng là của bố mẹ. Làm sao sống ảo với thi ca được anh. Gia đình tôi quá nhiều sóng gió. Có thể anh đã biết. Bao hoạn nạn nhất là tai họa năm 2002 đã đẩy gia đình tôi đến bờ vực khốn cùng. Vẫn làm thơ cho mình để lấy thăng bằng cho chính mình và gia đình. Gia đình tôi đã đứng vững và bây giờ bình ổn như bao gia đình viên chức thôi anh. Sống đơn giản. 

Chị có nghĩ tới việc mình sẽ còn tiếp tục làm thơ không?

- Tôi có nghe một nhà sư thuyết pháp nói tới “trạng thái tâm đang là để đạt được trạng thái tâm an tịnh”, tôi thích điều đó. 

Tôi đang viết mỗi ngày.  “Nếu không làm thơ chị còn gì” – một câu trong một bài thơ của tôi đây. Tôi vẫn viết, vẫn làm thơ chỉ  ít, đúng hơn gần như không gửi thơ đến các báo. Thơ bây giờ nhiều quá mà báo có in thơ không nhiều.  Không chờ được. Không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Cảm xúc đến trước sự việc, đến mỗi ngày và tôi muốn viết. Lâu nay mở trang trên facebook, có nhiều bạn yêu thơ, viết xong tôi đưa lên ngay. Khi là những câu thơ đầy trăn trở. Khi chỉ là những câu viết vần cho nhanh, cho vui. 

Vâng, đó là hiện tại. Thế còn trong tương lai?

- Tương lai ư? Để có thể in tập tiếp theo tôi đang nhặt lại, sắp xếp lại những gì đã viết khi còn trẻ,  những mẩu vụn ghi vội trên mảnh giấy, trên cuốn vở học trò. Muốn in tập thơ tình yêu, đã chọn nhan đề: “Người đàn bà yêu chỉ biết có đợi chờ”…

Chị làm tôi nhớ tới câu thơ của Simonov mà thời trẻ tôi đã từng mạo muội dịch từ nguyên bản tiếng Nga ra tiếng Việt:

“ Không đợi, làm sao biết
Giữa bão đạn mưa bom
Bằng mong ngóng chờ trông
Em cứu anh khỏi chết.
Anh nhờ đâu sống sót ,
Mỗi  hai mình hiểu thôi,-
Chỉ vì em biết đợi
Khác ai ai trên đời...”

Chính sự chờ đợi, chung thủy của phụ nữ đã là bùa hộ mệnh cho những người đàn ông  của họ sống sót, thoát khỏi mọi hiểm nguy…

- (Thở dài): Tôi sang năm 70 tuổi rồi. Thực ra từ mấy năm nay tôi toàn nói mình 70 tuổi. Dưới 65 thì nói trên 60. Trên 65 thì nói 70 cho nhanh. Tôi muốn, chồng con tôi cũng muốn ra một tuyển tập thơ Bùi Kim Anh. Đại khái vậy. Muốn nhiều lắm anh ạ.

Muốn in 1 tập tạp văn. Tôi hay viết những bài ngắn – chắc chỉ nên gọi là tạp văn hơn là tản văn. Viết vì thích viết. Cảm xúc gần với thơ mà. Viết để chống lão hóa. Viết để nuôi thơ. Tôi hay nói vui mà thật đấy với bạn bè. Tôi không muốn thơ phạm vào ngân sách gia đình. Chỉ có lương hưu cô giáo thôi thì thơ phú sao được. Tôi cũng muốn in một tập cảm thụ văn học. Tôi còn viết bình thơ, giới thiệu tập thơ bạn tặng, viết chân dung tác giả. Cứ viết thôi. Viết theo tùy hứng, theo sở thích. Tôi là cô giáo văn mà.

Như vậy liệt kê ra với anh tôi có biết bao dự định. Nhưng sẽ sao thì không biết. Tự in rồi để tặng. Tiền đâu mà in lắm vậy. Kể anh nghe tập mới xuất bản năm nay nhé. Đã tặng anh rồi đấy. Đẹp đúng không. 

Dạ, đẹp. Và hay nữa ạ.

- Tập thơ cũng có đề giá đầy đủ:

chỉ là giá của bao bì
còn thơ biết đặt giá chi bây giờ
thơ thì chỉ biết mộng mơ 
giữa đời thực cứ ngu ngơ đến già

Có bạn nhắn mua thơ và tôi bán thơ trên fb cho các bạn yêu thơ. Có bạn từ xa kêu lấy 10 tập. Tôi gửi bưu điện quên ghi số nhà, họ trả về. Gửi lần 2. Thế là thành mua 10 tặng 2. Một ví dụ thôi nhé. Bán thơ vui và cũng buồn, buồn đến đau luôn

Còn làm thơ còn in không rơi vãi mất.  Nhưng bán thì…

bán mua đến cả tấm tình
rẻ thôi hai chữ nhân sinh ấy mà
thơ mình lại bán cho ta
bán buồn là để làm quà cho vui…

Dạ, thấm thía lắm ạ! Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu