Huy động hơn 4,8 tỷ USD để phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam.

Sáng nay (01/11), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Huy động hơn 4,8 tỷ USD để phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: Quốc hội

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn và một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng (hơn 4,8 tỷ USD). Giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là 134.000 tỷ đồng (gần 5,3 tỷ USD).

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng việc triển khai Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Trong các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cần tạo đột phá trong phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Một số ý kiến đại biểu cho rằng tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Về đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung này, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với nguồn lực hiện có.

Trước đó, cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu