Vẻ đẹp trầm mặc, cao quý của đồ gỗ sơn thếp qua bộ sưu tập “Nét vàng son“

Mỹ Trà Theo Vovworld -
Chia sẻ
(VOV5) - Chiêm ngưỡng các hiện vật độc đáo, quý hiếm là đồ gỗ sơn son thếp vàng được trưng bày tại bảo tàng lịch sử quốc gia trong bộ sưu tập có tên “Nét vàng son”.

Triển lãm với gần 100 hiện vật có niên đại từ thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XX) – giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề làm đồ sơn và sơn son thếp vàng. Ảnh: Hộp đựng ấn thế kỷ 19-20.

Với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng cùng những dề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành, cao quý, đồ gỗ sơn thếp được gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những vật quý giá, linh thiêng.

Phù điêu Thập Điện Diêm Vương. Gỗ sơn thếp, thế kỷ 17-18. Thập Điện Diêm Vương theo Phật giáo Á Đông trong đó có Việt Nam, là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống.

Đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của cha ông mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… Ảnh: Đèn lồng, gỗ sơn thếp thế kỷ 19-20

Các hiện vật trưng bày theo dạng tổ hợp – nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng.

Các hiện vật thờ gồm: tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh…

Một chiếc lư hương tuyệt đẹp có niên đại khoảng thế kỷ 17-18,

GS Trần Lâm Biền bày tỏ sự thích thú với hiện vật lư hương.

Phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân đã mất ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, tết… Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên; Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà.

Hộp đựng bài vị thế kỷ 19-20

Tượng nghê thế kỷ 19

Kiệu bát công (Kiệu 8 người khiêng) là loại kiệu dùng để rước tượng thánh hoặc thần vị trong các hội làng nên còn được gọi là kiệu thần. Đây là loại kiệu phổ biến ở hầu hết các làng quê Việt Nam. Mỗi năm làng mở hội, thường gọi là “làng vào đám”, thì nhất thiết có đủ 3 nghi thức thứ tự tiến hành gồm: lễ đại tế, lễ rước, mở hội với các trò diễn dân gian.

Long đình làm bằng gỗ sơn thếp thế kỷ 18. Một loại kiệu có mui dùng trong các đám rước thần.

Lễ rước thường được tổ chức công phu, tốn kém và hoành tráng nhất trong dịp làng vào đám, đồng thời mang một ý nghĩa thiêng liêng với quan niệm lễ rước các vị thần, thánh trên kiệu là khi các ngài “xuất cung” đi duyệt thị và thăm thú làng quê là khu vực được các ngài bảo hộ, dân làng được “chiêm ngưỡng tôn nhan” bởi rất ít khi ngay cả người trong làng có dịp được vào trong thần điện.

Tượng Phỗng, gỗ sơn thếp thế kỷ 18-19. Phỗng là tượng người, làm bằng những chất liệu như gỗ, đất, đá, đặt ở đền, chùa, đình, miếu được coi là người đứng đầu nơi thờ tự. Tượng Phỗng thường trong tư thế đứng hoặc quỳ, hai tay đưa lên phía trước để dâng đèn hoặc nến.

Công cụ, nguyên vật liệu, sản phẩm chế tác vàng quỳ của gia đình Nghệ nhân Lê Bá Chung, Kiêu Kỵ, Gia Lân, Hà Nội. Ảnh gồm búa dùng để chế tác vàng quỳ, đá dùng để lướt quỳ, bay dùng để gắp quỳ.

Cân tiểu ly dùng để đo nguyên liệu là vàng, bạc.

Quỳ vàng, quỳ bạc là vàng, bạc đã được dùng búa dát mỏng chung với giấy dó, giấy quỳ.

Qui trình nghề làm đồ sơn son thếp vàng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu