Nữ đạo diễn Nora Ephron (sinh 1941 - mất 2012) thường được khán giả gọi bằng cái tên “Người dệt những bức thư tình điện ảnh”. Nora Ephron nổi danh tại Hollywood nhờ tài năng vượt trội trong ngành biên kịch điện ảnh. Là đạo diễn kiêm biên kịch tài năng trong dòng phim phim hài lãng mạn, bà chính là người đã sản sinh ra những siêu phẩm lãng mạn về tình yêu trong vai trò biên kịch như: Silkwood, Khi Harry gặp Sally, Không ngủ ở Seattle, You've Got Mail, Julie và Julia… Trong số những tác phẩm này có tới 4/5 phim bà kiêm luôn vai trò đạo diễn.
Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật có tên tuổi tại Holywood, nên những câu chuyện được Nora Ephron ghi lại vừa chân thực vừa thú vị với giọng điệu hóm hỉnh quen thuộc của bà. Những câu chuyện này đã được nhà văn, dịch giả Nguyễn Trương Quý chuyển ngữ, NXB Trẻ ấn hành.
Dịch giả Nguyễn Trương Quý chia sẻ về những câu chuyện của Nora Ephron.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Vâng thưa dịch giả Nguyễn Trương Quý, chính xác thì tên tiếng Việt những câu chuyện của Nora Ephron là gì vậy?
Dịch giả Nguyễn Trương Quý: Hai cuốn sách tên là Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả, và Phát khổ vì cái cổ và những suy tư về việc là phụ nữ. Cái tên rất dài nhưng rất đáng để thưởng thức. Hai cuốn rất mỏng, không đến 200 trang, nhưng dí dỏm, nhẹ nhàng, sâu lắng.
Nora Ephron trước khi là một đạo diễn thì bà là nhà báo, sau đó viết văn, viết tiểu thuyết và kịch bản phim đầu tay chuyển thể từ chính tiểu thuyết của bà.
Bà có một số tập tản văn và tiểu luận rất đặc sắc đăng trên các báo Mỹ, in thành hai tập sách mà tôi dịch, xuất bản ở NXB Trẻ.
PV: Chúng ta đều biết Nora Ephron là một biên kịch tài hoa. Nhưng theo anh, cái hay nhất của hai cuốn sách này là gì?
Dịch giả Nguyễn Trương Quý: Tôi thấy điều hay là người nghệ sĩ họ phải đối diện với thực tế cuộc sống như thế nào thì mới dành được thời gian hiếm hoi quý báu cho những sáng tạo của họ. Và sáng tạo của họ dựa trên những chất liệu đời sống họ trải nghiệm, nhất là trong điện ảnh. Ở đây không chỉ là góc nhìn của phụ nữ, một cái gì đó không cao siêu, không lên gân lên cốt đấu tranh nữ quyền theo kiểu giành giật bằng được, mà nó là, cái gì nhỉ? đó là câu chuyện về một cuộc ly dị, chia sẻ việc nuôi con, đối diện với tuổi già, với sự lão hóa... “Phát khổ vì cái cổ”, đấy, câu chuyện kiểu như cái cổ bị nhăn thì người ta sẽ làm gì, tại sao chúng ta không phải bơm botox hay là giữ thanh xuân một cách giả dối.
Đạo diễn Nora Ephron |
Nora Ephron tìm thấy những khía cạnh buồn cười trong việc mô tả hoàn cảnh sống, những chung cư đắt đỏ ở New York, hay việc làm phim, có những phim thất bại và ế chỏng chơ chẳng hạn, thì phải gặm nhấm những khúc tấy đó như thế nào.
Chẳng hạn như chuyện những thú vui phụ nữ, đời sống tiêu dùng của một xã hội hiện đại cũng khiến người ta hơi mệt mỏi khi phải duy trì và “vận hành” theo những ham muốn đấy, mà rồi cũng chỉ để thỏa mãn những sở thích nhất thời mà thôi.
Câu chuyện cuộc sống của tác giả được tác giả phơi bày một cách nhẹ nhõm, buồn cười và khinh khoái, không nặng nề, khiến người ta cảm thấy à, cuộc đời này cũng vậy, giống như một người hàng xóm có một cốc café ngon, có một câu chuyện thú vị mời chúng ta vào nhà và chúng ta cùng chia sẻ.
PV: Tôi cho rằng yếu tố sẽ hấp dẫn bạn đọc chính là những câu chuyện hậu trường qua góc nhìn rất thực tế của một người trong cuộc – cái nhìn hóm hỉnh và sâu sắc, nhưng thực tế, đúng không thưa anh?
Dịch giả Nguyễn Trương Quý: Chính xác. Vì chúng ta vẫn nhìn vào thế giới showbiz với con mắt như họ có vẻ không bình thường… Thật ra không phải. Họ vẫn là người bình thường thôi, nhưng họ có tài năng khi họ cần hóa thân, khi họ cần lao động thì họ sẽ chuyển hóa mình rất nhanh. Vì thế chúng ta, nói cho đúng là nên thôi ảo tưởng, thôi biến họ, huyền thoại hóa họ và bắt họ phải cáng những nhiệm vụ nặng nề. Đây là một câu chuyện nhọc nhằn hơn, và tôi nghĩ là khiến chúng ta cảm thông hơn với những sự vất vả của họ.
Đọc câu chuyện của họ tự sự về những phim thất bại, những phim thua lỗ chẳng hạn. Người ta nói ở Mỹ, cứ 10 phim thì xác định 9 phim là lỗ. Tỷ lệ phim ăn khách, thành công chỉ 10%, quá khắc nghiệt. Vậy những người vẫn dấn thân vào làm phim phải đối diện với điều đó như thế nào?
Thực ra những bài học đấy quan trọng hơn những bài học về giới. Nó khiến cho những người đầy thất bại trong cuộc đời như chúng ta đây lúc gặp những khó khăn, nhìn vào đấy để chúng ta biết là, vậy động lực tiếp theo để vượt qua là cái gì. Không phải kiểu những cuốn sách vượt qua nghịch cảnh như thế nào gạch đầu dòng…, mà ở đây là những câu chuyện như chúng ta nhập cuộc vào đấy.
(Những câu chuyện có) sức nặng rất quan trọng của người đã trưởng thành đi qua cuộc đời, có nhiều năm tháng lăn lộn, có sự nghiệp về truyền thông báo chí cũng như là điện ảnh.
Dường như là không có khoảng cách giữa những tản văn của Nora Ephron và những bộ phim rất duyên dáng của bà. Bên cạnh những bộ phim, những câu chuyện có tính chất bom tấn, thì vẫn còn đó một thế giới rất riêng tư, một thế giới gần gũi. Nó có chiều sâu tư duy mà tôi nghĩ phải có một phông văn hóa, một sự trải nghiệm thấu đáo thì mới giản dị được đến mức độ ấy.
Bản thân tôi là một người viết văn, viết tản văn, tôi cũng thấy mình học được ở nữ tác giả này nhiều. Bởi vì với cách đặt vấn đề, cách bàn chuyện, có gì đâu nhỉ? Ừ, công nhận có thế thôi mà người ta có thể viết duyên dáng, hài hước mà vui thế, tạo ra một sinh khí lạc quan cho người đọc.
Xin cảm ơn nhà văn, dịch già Nguyễn Trương Quý.