Nghe âm thanh bài tại đây:
Ở góc nhìn phim như một di sản văn hóa, người làm phim phải có hiểu biết sâu sắc về văn hóa của đất nước mình dân tộc mình. Thành công gần đây của “Đêm tối rực rỡ", “Thưa mẹ con đi”, “Bên trong vỏ kén vàng”, “Cu li không bao giờ khóc” và nhiều bộ phim khác là những tín hiệu tích cực góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh nước nhà trong bối cảnh văn hóa đương đại.
Thuộc thế hệ đạo diễn thứ hai của điện ảnh nước nhà, NSND Đặng Nhật Minh luôn xác định một tâm thế làm phim để kể những câu chuyện của xứ sở mình, đất nước mình, với ngôn ngữ điện ảnh hàm xúc, giàu chất thơ, chú trọng khai thác yếu tố văn hóa bản địa trong từng khuôn hình, gắn với số phận và tâm lý nhân vật.
Tất Bình (vai Vũ) và nhà báo Tacano (Đặng Nhật Minh đóng) |
Nếu “Thị xã trong tầm tay” gây ấn tượng qua những cảnh quay ngổn ngang, đổ nát của Lạng Sơn ngay sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 thì “Bao giờ cho đến tháng 10” là hình ảnh của làng quê Bắc Bộ vừa thanh bình vừa nén chịu nỗi đau hậu chiến. Đặc biệt trường đoạn phiên chợ âm dương với cuộc đối thoại giữa người đang sống và người đã mất tạo ấn tượng mạnh mẽ, khắc họa tình yêu, khát khao hạnh phúc của người vợ trẻ, đồng thời thể hiện nét riêng biệt độc đáo của văn hóa dân gian đồng bằng Bắc Bộ.
NSND Đặng Nhật Minh cho biết thời điểm đó ông phải thuyết phục hội đồng duyệt phim để giữ lại trường đoạn này: "Khi tôi đi thực tế ở vùng Kinh Bắc, nghe những cụ già trong làng kể chuyện về phiên chợ âm dương với những tình tiết, địa điểm rõ ràng. Thế nên tôi mới đưa cảnh đó lên để chị Duyên – nữ chính trong phim – có cớ để gặp lại người chồng đã hy sinh của mình, để hai người có thể tâm sự với nhau. Khi phim được đưa ra chiếu, cũng có ý kiến này ý kiến khác, cho rằng như vậy là mê tín dị đoan. Nhưng cuối cùng cũng được chấp nhận. Cảnh hai vợ chồng chị Duyên gặp nhau ở phiên chợ âm dương, khi quay thì dài hơn, nhưng khi lên phim thì tôi có cắt bớt đi."
Đâu phải chỉ đơn giản là câu chuyện cây đa, bến nước, sân đình, hồn quê trong phim Việt hiểu rộng hơn, sâu hơn chính là câu chuyện của bản sắc văn hóa Việt Nam con người Việt Nam được thể hiện, được khắc họa qua nghệ thuật thứ 7 như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta mất đi điều gì, nhận về điều gì, có những thay đổi chuyển biến ra sao giữa lằn ranh cũ mới.
Những câu chuyện quá khứ nào ngày hôm nay mới được xới lên, được phân tích nhìn nhận đa chiều? Những vấn đề gì của cá nhân, của gia đình, dòng họ mới nảy sinh? Cuộc sống không bất biến. Văn hóa không bất biến. Nhưng giữa những biến động đó, giá trị nào mãi trường tồn như là căn tính, là bản chất, là lửa thử vàng? Đây vẫn là những câu hỏi mà nghệ thuật nói chung và điện ảnh nước nhà nói riêng đi tìm câu trả lời qua các tác phẩm.
Một trong những bộ phim của điện ảnh Việt gần đây vừa thành công về nghệ thuật và thương mại, vừa thành công về thông điệp văn hóa, đó là phim “Đêm tối rực rỡ” của hai vợ chồng nghệ sỹ Nhã Uyên và Aaron Toronto đã chứng tỏ rằng điện ảnh nước nhà vẫn đang có những tác phẩm vừa sâu sắc vừa hiện đại.
Cảnh trong phim Đêm tối rực rỡ. |
“Đêm tối rực rỡ” phơi bày những bí mật của một gia đình trong một khoảnh khắc đặc biệt, một không gian đặc biệt: đám tang của bậc sinh thành. Trong tang gia bối rối, gia chủ liên tục bị đám đòi nợ thuê đe dọa. Mâu thuẫn giữa các thế hệ bộc lộ căng thẳng, ngột ngạt, đan xen với kí ức của người vợ và những người con bị chính chồng mình cha mình bạo hành, những giả dối bị phong tỏa bao nhiêu năm nay vỡ òa trong bế tắc.
Đạo diễn Aaron từng chia sẻ rằng chính sự ngưỡng mộ của anh với văn hóa Việt Nam là “vũ khí” mạnh nhất của anh ở dự án này. Trước khi thắng lớn ở giải Cánh diều 2021, “Đêm tối rực rỡ” từng đoạt hai giải thưởng quan trọng là Best Story (Câu chuyện xuất sắc nhất) và Best Performance: Female (Nữ diễn viên xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Santa Fe 2022. Một trường hợp khác rất tiêu biểu cho thành công của phim Việt cả ở trong nước và ngoài nước là bộ phim “Thưa mẹ con đi” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Theo chị Hằng Trịnh, Ceo của công ty Sky Media - đơn vị sản xuất và phát hành phim thì “Thưa mẹ con đi” đã đi được một hành trình khá dài: "Khi bên công ty mình kết hợp với một số đối tác thì họ giúp đẩy bộ phim đi rất xa, được vào rất nhiều Liên hoan phim. “Thưa mẹ con đi” được một trường học ở Mỹ đưa vào một tuần lễ chiếu phim của họ, có một buổi để đạo diễn có thể nói chuyện trực tiếp. Phim cũng được lưu trong hệ thống thư viện trường để các bạn học sinh có thể sử dụng như một case study để học làm phim."
“Thưa mẹ con đi” vừa có yếu tố của văn hóa bản địa vừa phù hợp với góc nhìn văn hóa đại chúng thời hội nhập, với nhân vật chính là một chàng trai đồng tính đang học tập và làm việc ở Mỹ, trở về nước để cùng gia đình làm lễ sang cát cho cha. Những câu chuyện của gia đình, của dòng họ được dịp bộc lộ trong bối cảnh rất đặc trưng của vùng Nam Bộ, với những phong tục liên quan đến ma chay, giỗ chạp.
Và điểm đến cuối cùng vẫn là tình mẫu tử thiêng liêng, sự gắn kết của gia đình dòng họ mà dù có đi bốn phương trời người Việt không bao giờ được phép lãng quên. Đặt câu chuyện vào một không gian vừa truyền thống vừa hiện đại, ekip làm phim đã cấp hộ chiếu cho tác phẩm đến được nhiều nơi trên thế giới.