Tháo gỡ những nút thắt khi làm phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học

Thủy Tiên
Chia sẻ
(VOV5) -  Rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đưa ra những quy định cụ thể, tạo thuận lợi cho sáng tạo tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 với nhiều quy định cởi mở đã tạo hành lang thông thoáng phát triển thị trường điện ảnh như quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu), tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, dù nút thắt về cơ chế đã được cởi nhưng hiện nay, chúng ta thấy có rất ít phim về đề tài lịch sử gây được hiệu ứng, mang lại doanh thu cao.
Tháo gỡ những nút thắt khi làm phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học - ảnh 1

Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt Nam, chúng ta đã có những bộ phim đề tài lịch sử sống mãi với thời gian, như: Bao giờ cho tới Tháng Mười, Sao tháng 8, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mùi Cỏ cháy, Long Thành cầm giả ca… Thời gian gần đây dù số lượng các phim về đề tài lịch sử còn ít nhưng cũng đã có những phim đem lại nhiều cảm xúc cho khán giá như: Đào phở và piano… Tuy nhiên, nhìn tổng thể về các đề tài phim điện ảnh Việt Nam hiện nay, dòng phim tâm lý xã hội, hài..vẫn chiếm đa số, trong khi phim đề tài lịch sử rất thưa vắng.

Thực tế nhiều nhà làm phim vẫn luôn "ôm ấp" các dự án phim chuyển thể, phim về đề tài lịch sử, bởi đây là những đề tài hay, là chất liệu phong phú để khai thác và sáng tạo nghệ thuật, thế nhưng họ vẫn lo lắng trước những tranh cãi về khái niệm phim lịch sử từ dư luận. 

Tháo gỡ những nút thắt khi làm phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học - ảnh 2

                  Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy"

Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Khái niệm về một bộ phim lịch sử làm cho nhà làm phim có những nỗi sợ mơ hồ.  Nó là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là lịch sử, ta phải nhìn nhận ở góc độ đó. Nhưng có rất nhiều người đón nhận một bộ phim lịch sử như một bộ phim tài liệu, đó là khái niệm sẽ bó tay bó chân các nhà làm phim. Nếu như điện ảnh là lịch sử thì rất khô khan, là điều mà ai cũng biết rồi, không có cảm xúc. Ở khía cạnh nhà phim có hai cái sự thật, một sự thật thực tế là ai ở đâu, khi nào và cái gì, đây là sự thật thực tế không thể chối cãi, nó có trong sách vở. Nhưng, một tác phẩm điện ảnh có sự thật về tinh thần, về cảm xúc, hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của một nhân vật. Cái đó không có trong lịch sử. Đó là trách nhiệm, vai trò của nhà làm phim, nhà biên kịch, cài cắm ý nghĩa, kết nối cảm xúc với những khán giả đương đại”.

Cũng theo nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn, việc khai thác và lột tả mạch cảm xúc của nhân vật trong phim lịch sử tạo nên sự tương tác, kết nối, gần gũi với khán giả, mang đến một góc nhìn chân thật hơn, chứ không phải một nhân vật thần thánh trong sách vở.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng đưa ra ý kiến, để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay thì các nhà viết kịch bản, các đạo diễn, các diễn viên phải sáng tạo hết mình và tin vào con đường sáng tạo đó và các nhà quản lý phải có cách nhìn nhận khác biệt. Nhưng các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử, dẫn đến thiếu sự sáng tạo.

Tháo gỡ những nút thắt khi làm phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học - ảnh 3

Bên cạnh những rào cản này, nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho rằng, các nhà sản xuất khi làm phim lịch sử còn gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí. Lịch sử Việt Nam từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, đến chống Pháp, chống Mỹ có rất nhiều đề tài để khai thác tạo ra sản phẩm giá trị, thế nhưng để thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học.

Chia sẻ kinh nghiệm làm phim đề tài lịch sử ở Trung Quốc, ông Tiền Trọng Viễn (Giám đốc Sản xuất As One Production) cho biết: “Khi chúng tôi quay các bộ phim về đề tài lịch sử luôn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ban ngành, các đơn vị..Đặc biệt, trong quá trình quay phim, các nhóm chuyên gia về lịch sử và văn học đến tham gia cùng chúng tôi, tư vấn những chi tiết lịch sử từ nhỏ nhất. Bên cạnh đó, đoàn làm phim nhận được sự hỗ trợ rất nhiều về tài chính từ chính phủ, các địa phương - nơi chúng tôi quay phim. Từ khâu viết kịch bản đến chế tác và làm phim, phát hành, ra rạp, các giai đoạn đều được hỗ trợ tài chính, ủng hộ nhiệt tình. Ví dụ năm ngoái chúng tôi quay bộ phim “Giải Mã” ở Chiết Giang, chúng tôi quay rất nhiều cảnh ở thành phố này và nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ chính quyền địa phương”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc thúc đẩy các bộ phim đề tài lịch sử rất quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói riêng và văn hóa nói chung. Để thực hiện điều này cần có những quy định chi tiết trong Luật điện ảnh: “Chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa chân thực lịch sử với những sáng tạo. Tức, chúng ta hiểu rằng, một tác phẩm điện ảnh về lịch sử, nó vừa là sự thật nhưng vừa là hư cấu, để trên cơ sở đó chúng ta cùng có một cách nhìn rộng lượng hơn, bao quát hơn về vấn đề này, để mọi sự tranh cãi dựa trên một khung tham chiếu, dựa trên một cách nhìn phù hợp.

Vì trong Luật điện ảnh tại Điều 9, những điều cấm, ở khoản D thì chúng ta có những quy định việc cấm làm các bộ phim lịch sử xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, làm sai lệch giá trị lịch sử, xúc phạm danh nhân hay xúc phạm dân tộc khác. Tất cả những cái đó vẫn còn chung chung và cần phải được cụ thể rất chi tiết, để trên cơ sở đó các nhà làm phim cũng hiểu rõ được, các nhà thẩm định cũng có thể hiểu rõ được, công chúng cũng có thể hiểu rõ, để trên cơ sở đó chúng ta bớt đi những tranh cãi”.

Tháo gỡ những nút thắt khi làm phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học - ảnh 4

Cảnh trong phim "Đào, phở và piano"

Để điện ảnh cất cánh và trở thành nền công nghiệp mũi nhọn của đất nước, bên cạnh việc tuyên truyền giúp khán giả nhận thức rõ sự hài hòa giữa chân thực lịch sử với những sáng tạo nghệ thuật; sự dũng cảm, đương đầu với những thử thách của các nhà làm phim khi thực hiện đề tài này, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đưa ra những quy định cụ thể, tạo thuận lợi cho sáng tạo tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và văn bản hướng dẫn các tỉnh thành ủng hộ, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phim khi quay hình tại địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu