Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Không ít nghệ sĩ dũng cảm lựa chọn và tạo nên những cá tính cho riêng mình, góp phần tạo nên cho khán giả rung cảm nghệ thuật.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1988, nhưng đến khoảng năm 1990 - 2000, Việt Nam mới có một số tác phẩm đầu tiên tạo tiếng vang cũng như khiến khán giả thích thú với bộ môn múa đương đại. Dù từ đó đến nay, múa đương đại đã có những khởi sắc nhưng vẫn là một loại hình kén khán giả. Không ít nghệ sĩ dũng cảm lựa chọn và tạo nên những cá tính cho riêng mình, góp phần tạo nên cho khán giả rung cảm nghệ thuật. Mời quý vị và các bạn đến với phóng sự của Tú Anh nhan đề “Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại”.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại - ảnh 1Từ trái qua phải: Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành, NSƯT Trần Ly Ly, Nghệ sĩ Hoan Đoan, nhà báo Trương Uyên Ly 

Trên nền nhạc của nhạc sĩ Ngọc Đại tác phẩm Cái Nô là một trích đoạn trong 7 module mà nghệ sĩ múa Đoàn Minh Hoàn, với nghệ danh Hoan Đoan thực hiện. Xuất phát điểm Hoan Đoan theo học mỹ thuật, điêu khắc và thiết kế nội thất nhưng chị nhận ra rằng đó vẫn chưa phải cá tính hay con người mình. Chị theo múa và vận dụng những kiến thức về mỹ thuật và tạo hình của mình vào múa. Chị lập ra một ngôn ngữ múa của riêng mình, gọi là múa siêu thực, với ngôn ngữ cơ thể chậm rãi, cách tạo hình kỳ bí, liêu trai và dồn nén về năng lượng kết hợp với sắp đặt sân khấu, đạo cụ, phục trang do chị tự thiết kế.

Nghệ sĩ Hoan Đoan bộc bạch: “Năm năm trong khoa nội thất mình học về khối. Đôi lúc trong những tiết học chán quá, mình hay nghịch chân nghịch tay dưới gầm bàn. Mình nhận ra cơ thể mình là một khối tĩnh còn chân tay là những khối chuyển động, tạo ra sự tương phản rất thú vị. Khi vẽ tới một ngưỡng nào đó, mình nhận thấy các cánh cửa của các loại hình nghệ thuật đều thông với nhau. Ví dụ như múa thì dùng cơ thể của mình thay cho bút, thay cho toan. Ăn nhau nhất cuối cùng vẫn là ý tưởng. Còn cơ thể hay bút vẽ hay nhạc cụ,…thì chỉ là những công cụ thôi.”

Nhưng con đường để nghệ sĩ Hoan Đoan đến với múa cũng không hề dễ dàng. Những ngày đầu mới theo múa, Hoan Đoan chịu ảnh hưởng của một số người đi trước. Trong khoảng 4 năm theo múa, chị cảm thấy không đi đến đâu bởi  “múa mãi không ra tiền” nên chị quyết định dừng lại và theo con đường kinh doanh. Sau 5 năm, khi đã vững về kinh tế, chị vẫn cảm thấy dường như mình vẫn không đang sống, và chỉ có múa mới là nơi chị được hạnh phúc trọn vẹn nhất.

Chị bày tỏ: “Mình chuyển động trong không gian âm nhạc đó, và hồn vía từ bên trong mình ra. Mình sẽ ghi lại những tư liệu đó và ngồi với nhau để chọn, có cái này mình thích và cái kia mình chưa thích, rồi mình tập với nhau một thời gian nhạc và người tự kết hợp với nhau. Múa đối với mình là bản năng nhiều hơn, vô thức nhưng có kiểm soát. Mình cho ra rồi dùng những kiến thức về màu, tạo hình, khối rồi nhặt những gì mà mình muốn”.

Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại - ảnh 2 NSƯT Trần Ly Ly. - Ảnh: tienphong.vn

Khác với Hoan Đoan, NSƯT Trần Ly Ly ngay từ đầu lựa chọn múa là con đường của mình. Là thế hệ tiên phong đưa múa đương đại vào Việt Nam, Năm 2005, Trần Ly Ly đoạt giải thưởng về biên đạo với tác phẩm Đê. Năm 2006, chị thành công lớn với vở múa Một ngày. Những tác phẩm như Sống trong hộp trình, Zen, 7X , Thiền, Yes yes no no, Lạc giới… đều là những thử nghiệm mới mẻ đánh dấu tên tuổi của chị.

Và con đường phát triển nghệ thuật múa đương đại của Trần Ly Ly cần nhiều bản lĩnh hơn nữa khi chị  nhận nhiệm vụ là quyền Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam. Như nhiều môn nghệ thuật kén người xem khác, nguồn ngân sách cấp cho múa vô cùng hạn hẹp. Việc tổ chức một chương trình biểu diễn với các nghệ sĩ múa là điều khó khăn và có thời gian dường như là không tưởng – bởi giá vé có hạ xuống thấp cũng không có người mua. NSƯT Trần Ly Ly đã nỗ lực hết sức trong việc đưa các tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát có tiếng nói chung với thế giới mà trước hết là đến gần hơn với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật.

Chị tâm sự: “Mình biết rằng số phận của mình không phải nghệ sĩ độc lập. Nếu là một nghệ sĩ độc lập mình đã theo rất lâu rồi. Mình đã từng là nghệ sĩ độc lập nhiều năm nhưng rồi mình nghĩ, mình phải làm gì đó cho cộng đồng, vì mọi việc cứ đến với mình rất nhiều. Mình phải giúp group này hay group khác. Việc đến tự nhiên trao cho mình, và mình nhận nhiệm vụ đó”

Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại - ảnh 3NSƯT Trần Ly Ly và nghệ sĩ trẻ Nguyễn Duy Thành 

Chính NSƯT Trần Ly Ly cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi con đường múa đương đại. Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành là một điển hình. Khởi nguồn từ niềm đam mê với Hip Hop, đến nay Nguyễn Duy Thành đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa và giành được nhiều giải thưởng về hip hop ở châu Á, châu Âu. Anh là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam kết hợp Hip Hop với ngôn ngữ đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Trong quá trình thực hành nghệ thuật, khó khăn chính là ở chỗ bị bủa vây bởi rất nhiều ý tưởng, và người nghệ sĩ cần phải liều lĩnh để tìm thấy một con đường cho riêng mình.

Con đường và bản lĩnh cùng múa đương đại - ảnh 4Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành 

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành chia sẻ: “Có những lúc mình phải lựa chọn giữa quá nhiều ý tưởng, không biết chọn cái nào và mình phải thử hết, đến cuối cùng mình mới biết cái gì là điều mình cần. Đôi khi sự lạc lối ấy là sự may mắn cho mình”.

Mỗi nghệ sĩ với một xuất phát điểm khác nhau, và con đường họ chọn sống cùng múa đương đại không hề trải hoa hồng. Như nghệ sĩ Trần Ly Ly ví von “nghệ sĩ không phải nghề thường, có thể là thần tiên, là ác quỷ, là chiến thần Atula vì nếu là một người thường sẽ không thể làm được, vì không đủ đam mê, say đắm để làm gì đó khác biệt”. Những người nghệ sĩ đã lựa chọn múa đương đại một cách say mê, tạo nên sự thành công của cá nhân qua đó giúp công chúng ngày càng hiểu và yêu loại hình nghệ thuật này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu