Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Những quán tính của ký ức khiến những vẻ đẹp một thời trong thơ phú, văn học, âm nhạc níu kéo trở lại rất lâu trong trí nhớ đại chúng, dù hiện thực Hà Nội đã đổi thay. 

Cho đến nay, đối với văn học nghệ thuật, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động, nó hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và cả trong văn chương, với sự tiếp nối các diễn ngôn về Hà Nội. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” đã nhấn mạnh sự hiện diện của Hà Nội trong dòng chảy của văn chương đương đại.

Nghe âm thanh tại đây:
Góp phần kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học nghệ thuật của các tác giả Hà Nội đương đại và giúp khán giả, độc giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, tác giả tiêu biểu ở những thế hệ có tính tiếp nối và tiếp biến của văn chương về Hà Nội, các diễn giả tại tọa đàm cho rằng, sự tiếp nối và trình bày những diễn ngôn về Hà Nội có sự thay đổi qua các thế hệ người viết.
Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại - ảnh 1Từ trái qua: PGS TS Nguyễn Xuân Thạch, nhà văn Đỗ Phấn, MC, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Nguyễn Trương Quý tại tọa đàm Của phố và người - Bóng hình Hà nội trong dòng chảy văn chương đương đại - Ảnh: FBNV

PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho biết: Hà Nội là một thành phố trong số ít thành phố ở Việt Nam có được những tác giả kiên định với nó. Chính vì là một đô thị lâu đời và bền vững, Hà Nội thu hút được sự quan tâm lớn của văn chương và dần dần hình thành nên một yếu tố tích lũy về mặt văn hóa. Và ở mỗi thời đại, văn chương về Hà Nội sẽ kể về những câu chuyện khác nhau. Hà Nội đã luôn là chủ đề lớn trong văn chương Việt Nam. PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho rằng, cột mốc để đánh dấu văn chương đương đại về Hà Nội là nhà văn Thạch Lam, bởi văn chương của ông cho thấy được ý thức về một đô thị:

"Bởi vì trước đấy, Hà Nội được miêu tả như những không gian, bối cảnh trong kịch từ những năm 20 (của thế kỷ 20), hoặc trong những truyện ngắn của những năm 19,20 ấy của Phạm Duy Tốn,... khi viết về không gian đô thị là nói về Hà Nội. Nhưng cảm xúc của lớp nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Tản Đà... về Hà Nội, là một không gian ta buộc phải sống, nhìn thấy nó và thấy rất nhiều những câu chuyện tang thương. Còn đến Thạch Lam mới bắt đầu ý thức đấy là một đô thị mà có những giá trị chúng ta sẽ phải tìm lại, ấn định lại những giá trị đó.

Chúng ta sẽ thấy một quá trình từ Hà Nội thuộc địa ở trong Thạch Lam, một Hà Nội từ 1954 - 1975 mang tính anh hùng ca, nhưng thực ra đó là một Hà Nội kết tinh các giá trị trí tuệ, bởi vì Hà Nội lúc đấy là Thủ đô, là đại diện cho người Việt Nam, đối lập với cái ngoại lai. Vì thế chúng ta thấy một hiện tượng rất thú vị khi tùy bút "Phố Phái" của Nguyễn Tuân viết về Bùi Xuân Phái, lại được in trong một tập sách là "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi", được in rất đẹp năm 1972-73 với phụ bản màu của họa sĩ Bùi Xuân Phái . Và rồi Hà Nội ngày đấy qua những tùy bút, những nghiên cứu của Giang Quân, Nguyễn Văn Uẩn, Hoàng Đạo Thúy, Tô Hoài...Rồi đến Hà Nội kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Và sau đó, là một Hà Nội đi tìm kiếm các giá trị văn hóa..."

Theo nhà văn Đỗ Phấn: Văn chương đương đại về Hà Nội chia thành hai giai đoạn quan trọng: ở thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó phản ánh hiện thực ở xu thế đi lên, bức tranh vui tươi, phấn khởi, tiến bộ; ở giai đoạn sau thời kỳ đổi mới, với nhiều phương pháp sáng tác mới, nó có ưu điểm là đề cao sự tự do trong sáng tác, tuy nhiên, người sáng tác luôn bị đặt trong một trạng thái hoang mang vì có quá nhiều phương pháp, nên dùng thủ pháp nào, nên dùng câu chuyện nào để kể.

Dựa trên nghiên cứu nhiều trước tác về Hà Nội, nhà văn, kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý nhận định, những thay đổi về mặt vật chất, cảnh quan, hình thái kiến trúc, bối cảnh tác động đến lối sống, ứng xử của con người… là điều mà nhiều tác giả quan tâm khi viết về Hà Nội. Mỗi người có góc nhìn riêng, cách tái hiện không gian Hà Nội đáng chú ý. Song họ gặp nhau ở điểm chung là cảm hứng sáng tạo vô hạn về thành phố.

“Như Hà Nội thời mở cửa nhếch nhác, lộn xộn, rất khó bảo nó đẹp, nhưng qua lăng kính của văn chương nghệ thuật, sự bề bộn trăm bề tứ phương đó lại là điểm hấp dẫn, kể cả với nhà văn, nhà nhiếp ảnh trong, ngoài nước. Đến giờ, so với nhiều thành phố khác trên thế giới dường như đã đóng băng trạng thái phát triển thì Hà Nội vẫn sống động, cuồn cuộn năng lượng và động lực vươn lên”.

Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại - ảnh 2Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm - Ảnh: FBNV

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: "Hầu hết chúng ta thấy các thành phố khác, nơi chốn khác thường được viết về những cuộc thảm sát, hay những chấn động rất kinh khủng trong lịch sử. Hà Nội chắc chắn cũng là chiến địa, cũng đã từng xảy ra những cuộc nhồi da nấu thịt, nhưng văn chương viết khá lành, cảm giác đem lại một không khí thuần hậu, có gì đó đáng mến. Khi tôi đọc những tác phẩm về nơi này, cảm thấy ở đây có một độ dễ chịu. Chúng ta có thể bị dồ nén vào không khí chật hẹp của đô thị, của sự bức bách về nhân mãn, nhưng mà ở đây đó nó vẫn có cái dễ chiều người.

Quay trở lại với những không gian thay đổi, tôi có khảo sát một số câu chuyện về văn nhân giải trí đại chúng, thông qua tân nhạc. Âm nhạc Việt Nam là một phương tiện nghệ thuật đang lên thời những năm 30-40. Và tôi xem những người ở Hà Nội, đến Hà Nội giai đoạn này đã sử dụng những sản phẩm này trong đời sống giải trí của họ ra sao, bởi vì âm nhạc vốn thịnh hành, dễ được sử dụng. Khi những người "Tây học" sử dụng ca khúc làm phương tiện diễn đạt rất "tây" nhưng rồi lại trở thành những cây cầu kết nối với thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn...trong không gian của một Hà Nội cũ, âm nhạc đi cùng mỹ thuật, văn học tạo thành thế chân kiềng rất quan trọng của tạo hình Hà Nội. Nó khiến người ta nhớ nhiều tới những dữ liệu về vẻ đẹp đã qua. Những quán tính của ký ức khiến những vẻ đẹp một thời trong thơ phú, văn học, âm nhạc níu kéo trở lại rất lâu trong trí nhớ đại chúng, dù hiện thực Hà Nội đã đổi thay. Tôi thấy sức mạnh của những chế tạo khuôn mẫu từ những sản phẩm văn học nghệ thuật rất lớn." - Nguyễn Trương Quý khẳng định

Nói như PGS TS Nguyễn Xuân Thạch và nhà văn Đỗ Phấn, thì đại diện cho hồn cốt một thành phố cũ vẫn là phần trung tâm, phần hạt nhân của nó. Và dù Hà Nội có thể thay đổi rất nhiều nhưng có những thứ đến tận hôm nay không thay đổi là nền nếp, tác phong, cách ứng xử của con người. Văn chương về Hà Nội một cách tự nhiên đã xoáy vào vùng tinh tế đó. Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ, dù ông viết cả trăm quyển sách vẫn là về Hà Nội: “ Kể cả bạn nói rằng Hà Nội bây giờ ít người Hà Nội gốc, sống trong lõi phố là người tứ xứ đến đây, thì theo tôi, tinh thần dân phố ấy vẫn tồn tại. Nền nếp, lối sinh hoạt, cách ứng xử rất riêng ấy, có lần tôi ví nó như giọt mực nhỏ vào Hồ Tây nhưng vẫn cứ ở đó và lan tỏa. Tôi tin Hà Nội chẳng mất đi đâu cả”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý dẫn chứng câu chuyện về nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người An Giang, có thời gian tập kết ra Bắc và lấy vợ người Hà Nội. Sau này, khi được hỏi về bài hát ưng ý nhất cuộc đời sáng tác, Hoàng Hiệp chọn bài "Nhớ về Hà Nội", vì những rung động cảm xúc và duyên nợ với phố phường nơi đây. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý: Trong mắt văn nghệ sĩ, Hà Nội không chỉ địa danh mà còn là tính từ, hàm ý một giá trị. Dòng chảy văn chương về Hà Nội nhờ vậy, vẫn được bồi đắp, bởi những con người sinh ra hay không sinh ra ở mảnh đất này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu