(VOV5)- Kết thúc một năm 2020 đầy biến động với đại dịch covid 19 tàn phá hầu khắp trên các mặt kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động văn hóa nghệ thuật, thì những tác phẩm văn học Việt vẫn ra mắt và có những cuốn đã gây được chú ý, ở một mức độ nào đó.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Đoàn Hùng:
Như một lẽ "đương nhiên", tản văn vẫn là món ăn được ưa thích của những người còn niềm vui đọc sách Việt, trong chục năm trở lại đây.
Nhưng “Hà Nội bảo thế là thường” của Nguyễn Trương Quý còn được đón đợi nồng nhiệt hơn trong số những đầu sách tản văn ra mắt năm 2020. Tiếp tục khai thác đề tài không vơi cạn của văn hóa Hà Nội, không chỉ là những câu chuyện “bé nhỏ” từ những nếp trang phục, mâm cơm gia đình nề nếp tóc tai…, cuốn sách thể hiện được những sở trường trong tản văn của Nguyễn Trương Quý: quan sát tinh tế, ngôn ngữ văn chương pha đôi chút hóm hỉnh của một tư duy phân tích, biện giải thông minh.
Tiến sĩ ngữ văn Trần Ngọc Hiếu lý giải tại sao người đọc lại tìm đến với tác phẩm này của Nguyễn Trương Quý: "Điều mà tôi thích nhất ở cuốn sách này của anh Nguyễn Trương Quý là cách tiếp cận của anh đối với vấn đề về Hà Nội. Tôi luôn luôn cho rằng Nguyễn Trương Quý là người biết kết hợp các yếu tố về học thuật lẫn sự phóng khoáng của thể loại tản văn. Đối với tôi cuốn sách này của Nguyễn Trương Quý là cách tiếp cận ở góc độ vi lịch sử, tức là Hà Nội không chỉ được nhìn từ các sự kiện, các dấu mốc, các cảnh quan mà nói một cách hình ảnh thì cuốn này anh Quý đọc Hà Nội từ cơ thể, từ những cái thuộc về cảm giác, như là những chuyện về ăn uống hay trang phục..vv.. Tôi nghĩ khía cạnh phong phú nhất và phức tạp nhất của lịch sử lại liên quan đến những thứ như thế, mà những thứ đó lại không tìm được ở trong bất cứ ghi chép lịch sử nào cả.
Cái mà tôi thấy thú vị và tâm đắc nữa là cách tiếp cận của tác giả Nguyễn Trương Quý, đó là tác giả không tiếp cận bản sắc Hà Nội như là một cái gì tĩnh mà người ta chỉ còn có thể nhớ về nó như là những hoài niệm, mà ngược lại tác giả đã theo dõi được sự chuyển động, sự biến dịch của bản sắc, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu và trong bối cảnh mà các thành phố ở Việt Nam mình đều muốn có cái tự sự về nó."
Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 năm 2020 có tới một nửa là các tác phẩm về đề tài lịch sử như Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Chim bằng và Nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Ngô vương của Phùng Văn Khai, Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng...
Nhưng cuốn Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn được chú ý bởi, dù chỉ là giải ba, và cách kể chuyện cũng như văn chương còn khiến người đọc phải nhiều lần “giá như”, song với những câu chuyện trong bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, tác giả đã gợi cho người đọc những suy tư mới.
Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Xuân Thạch: "Nếu chúng ta nhìn rộng ra, như tiểu thuyết của Thiên Sơn chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy anh miêu tả, tái hiện lại giai đoạn Cách mạng tháng 8, tái hiện lại một loạt những nhân vật lịch sử không chỉ Hồ Chí Minh, mà cả Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Bảo Đại, Trần Trọng Kim. Cái giỏi của anh ấy, một mặt không sa vào cái nhìn đơn giản phủ định, hạ thấp những nhân vật ở phía bên kia, nhưng mặt khác, lại nhìn ra được tính phức tạp của các nhân vật, kể cả những nhân vật người Pháp như Sainteny. Tôi nghĩ rằng cái đó cho thấy thực ra đấy không chỉ là câu chuyện, là kinh nghiệm viết mà là tầm tư tưởng của nhà văn đã được nâng cao. Và đấy là một dấu hiệu đáng mừng ở tiểu thuyết lịch sử."
Trong số các tiểu thuyết được những người yêu sách trông đợi bởi cái tên của tác giả, những cuốn được đông đảo bạn đọc chú ý ngay khi vừa ra mắt, có tác giả Bình Ca (của Quân khu Nam Đồng gây sốt trước đây) đã xuất hiện trở lại với Đi trốn, hay Đoàn Minh Phượng với Đốt cỏ ngày đồng, và nhất là nhà văn tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư với tiểu thuyết Biên sử nước.
Biên tập viên Nguyễn Thị Thu của NXB Phụ nữ, người biên tập Biên sử nước chia sẻ: "“Cuốn Biên sử nước lần đầu tác giả thử nghiệm ở một thể loại mới, câu từ ngắn gọn và gần như là rất tiết kiệm trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, cảm giác như mang lại cho người đọc sự kìm nén, bức bối của cuộc sống. Có thể đây là một trong những thủ pháp mà tác giả muốn sử dụng, nói chung và mới lạ với tác giả. Sở trường của Nguyễn Ngọc Tư là hình ảnh của con người, sông nước miền Tây Nam Bộ dạt dào cảm xúc. Và mọi người có lẽ bị định hình bởi những cái đó ở Nguyễn Ngọc Tư chứ không phải là ở một thể nghiệm mới mẻ. Ở mảng truyện ngắn có lẽ bạn đọc quen với điều đó hơn.”
Ảnh: Báo Thanh niên |
Có thể nói ngoại trừ Đốt cỏ ngày đồng của Đoàn Minh Phượng, tác phẩm được viết theo dòng ý thức nhưng vẫn giữ chất văn quen thuộc của tác giả, thì những tìm kiếm đề tài mới (của Bình Ca) hay cách viết, cách kể chuyện mới (của Nguyễn Ngọc Tư) đều không thực sự thành công như mong đợi, dù một số báo chí nồng nhiệt nói đến những tầng nghĩa phía sau câu chữ.
Vâng, một cuốn sách được chú ý ban đầu, nhưng liệu có thực sự đọng lại hay không, thì không chỉ là câu chuyện của văn học một năm đã qua, mà luôn là vấn đề của người cầm bút mọi thời.