Hoạt động gần 2 năm nay, mô hình du lịch cộng đồng homestay của anh Đinh Văn Như dân tộc Cơ Tu ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân, gắn với bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khuôn viên homestay của anh Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang rộng gần 1.000 mét vuông, khe suối và mênh mông đồi núi bao bọc. Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng, tầng 1 là sảnh đón khách, khu ăn uống và sinh hoạt chung; tầng 2 là phòng nghỉ có sức chứa chừng 30 khách. Cách trang trí cũng đơn giản với tre gỗ, đá và các đồ dùng truyền thống của người Cơ Tu.
Khi mô hình du lịch homestay ra đời, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, ở xã Hoà Bắc thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng với 45 thành viên, do ông Đinh Văn Như làm tổ trưởng. Trong tổ có các nhóm ngành nghề chính, là nhóm dệt thổ cẩm, đan lát, trecking, ẩm thực, cồng chiêng.
Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng. Ảnh: VOV |
Bà Bùi Thị Lươi, tổ Dệt thổ cẩm ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cho biết: trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Từ khi có mô hình du lịch homestay, bà con dệt thêm thổ cẩm, may các sản phẩm như ví, áo, túi sách... bán cho du khách, vừa gìn giữ văn hóa của mình, vừa cải thiện cuộc sống:
"Ví dụ ngày lễ có khách lên bên homestay có nhu cầu mình đi dệt họ hỗ trợ 50 ngàn đến 200 ngàn cũng đỡ có đồng ra, đồng vào. Homestay có khách vào mấy chị em đi dệt, đi múa để trang trải trong gia đình. Nhờ homestay nên đã khôi phục lại truyền thống mô hình ngày xưa." Bà Lươi nó,
Năm 2009, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đã chọn 2 thôn Tà Lang- Giàn Bí, xã Hòa Bắc, thí điểm làm du lịch cộng đồng. Ông Đinh Văn Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng, cho biết ban đầu được địa phương hỗ trợ vay vốn 400 triệu đồng, ông vay mượn thêm để thành lập mô hình du lịch này.
Du khách được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ Tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng sông Cu Đê, bắt cá suối. Ảnh: VOV |
Du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ Tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng sông Cu Đê, đan gùi, bắt cá suối, rồi chứng kiến phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm, đan lát… Ở lại đêm khách tham gia đốt lửa trại, múa cồng chiêng, hát lý, hát giao duyên. Đến nay, mô hình du lịch homestay đã thu hút hơn 1.000 lượt khách đến tham quan.
Ông Đinh Văn Như cho biết từ khi có mô hình làm dịch vụ đã góp phần tạo sinh kế cho những thành viên của tổ du lịch: "Hiệu quả mình thấy là có thu nhập. Đội văn nghệ buổi tối múa phục vụ khách 100 ngàn/người, riêng ẩm thực mỗi lần có khách 200 ngàn/người nấu nướng, phục vụ. Do dịch Covid-19 nên khách lên cũng hạn chế. Từ khi có chủ trương hỗ trợ cấp trên, hiện nay Hòa Bắc đã có nền móng du lịch rồi. Mình tiếp tục làm giai đoạn 2, tạo công ăn việc làm cho thành viên trong tổ mình."
Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các Tổ hợp tác du lịch cộng đồng của người dân miền núi Hòa Vang. Cụ thể là tập huấn công tác phục vụ khách, mở lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát, đưa bà con tham quan, học hỏi các mô hình ở địa phương khác.
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết: "Trong thời gian đến, Sở Du lịch, UBND huyện Hòa Vang đẩy mạnh đầu tư hình thành các dịch vụ du lịch để phục vụ du khách và tăng cường xúc tiến quảng bá. Tổ chức các đơn vị lữ hành khảo sát hình thành tour, tuyến để thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Mô hình hoạt động du lịch cộng động này do người dân đầu tư quản lý nên tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến điểm du lịch này họ khám phá thiên nhiên, tham gia tour du lịch tại nơi đây."
Mô hình du lịch cộng đồng homestay là một trong những sản phẩm mới, đã và góp phần làm đa dạng ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Mô hình này không chỉ thuần túy là làm kinh tế mà còn gắn phát triển du lịch với nét văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại địa phương .