Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang)

Giàng Seo Pùa
Chia sẻ
(VOV5) -  Bà con còn có quan niệm mỗi khu rừng đều có một vị thần cai quản nên phải giữ gìn, và hàng năm, đều làm lễ cúng Thần rừng.

Lễ hội Cúng rừng hay còn gọi là Lễ cúng Thần Rừng từ lâu đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Trong quan niệm của người dân địa phương ở đây,  “Thần rừng”  được coi là một vị thần linh thiêng, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Đến thăm các thôn bản người Nùng ở xã Xín Mần, du khách sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn phủ trên những khu rừng xa tận chân trời. Ngoài rừng trồng, khoanh nuôi bảo vệ tái sinh, còn có những khu rừng nguyên sinh với nhiều gốc cây to với hàng trăm năm tuổi. Mỗi khu rừng ở Xín Mần đều được người dân bảo vệ, chăm sóc, bởi ngoài việc ý thức được trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bà con còn có quan niệm mỗi khu rừng đều có một vị thần cai quản nên phải giữ gìn, và hàng năm, đều làm lễ cúng Thần rừng.
Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang) - ảnh 1Đồ lễ được chuẩn bị tại rừng. Ảnh baotaichinhvietnam.vn

Ông Dì Sào Ngán ở thôn Xín Mần, xã Xín Mần, cho biết: "Dân tộc Nùng thì hàng năm đều tổ chức cúng rừng. Đa số đóng góp tập trung để ăn bữa cơm tại nơi mình cúng rừng. Những người có gia đình thì mang gạo, mang cơm đi ăn cỗ tại chỗ cúng rừng."

Trước khi tổ chức Lễ hội Cúng rừng, người dân địa phương thường họp bàn về cách thức, địa điểm thực hiện lễ cúng, chọn thầy cúng và chuẩn bị chu đáo lễ vật... Thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc mình và là người được các thế hệ thầy cúng đi trước lựa chọn để truyền dạy các bài cúng. Lễ vật được chuẩn bị với 3 mâm, bao gồm: Mâm thứ nhất là mâm cúng “Thần rừng”, mâm thứ 2 là mâm cúng “Thần thổ địa” và mâm thứ 3 là mâm cúng “Thần mưa thuận, gió hòa” cho mùa màng bội thu. Mỗi mâm được bố trí sắp xếp các lễ vật khác nhau theo quy định của lễ cúng.

Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang) - ảnh 2Lễ hội Cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng xã Cốc Rế, Xín Mần, Hà Giang.

Đối với các mâm, lễ vật được chuẩn bị bao gồm: Lợn, gà, rượu, xôi đỏ, hương... Trong đó, mâm cúng “Thần rừng” là mâm quan trọng nhất, được sắp xếp đặt ở vị trí cao nhất. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ đồ lễ, thầy cúng bắt đầu xin phép “Thần rừng” được tổ chức Lễ cúng rừng cho dân làng trong thôn. Sau đó, lấy những tệp giấy bạc do bà con mang đến gấp thành 12 quân tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc có hình dạng như những chiếc thuyền dùng để thay thế cho đồng tiền mà người dân sử dụng thời xưa.

Dân làng có gà, có vịt, có lợn đến cúng rừng. Mong thần rừng phải bảo quản cho bà con bản làng, trẻ con cho tốt, cho đẹp không ốm, không đau mà làm gì cho phát đạt phù hộ cho dân bản làng, làm ăn khá, làm gì được của, được cải.

Sau khi lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng sẽ tiến hành tuần tự các bài cúng. Thầy cúng dùng phần ngọn sừng trâu bổ đôi để khấn mời các thần lên mâm. Nếu sừng trâu có 1 miếng ngửa lên, 1 miếng úp xuống thì coi như là các vị thần đã đến trong mâm đầy đủ. Phần cúng Lễ được chia thành 2, gồm: Phần tế sống và phần cúng đồ chín. Theo ông Dì Sào Ngán, khi thực hiện nghi thức cúng, thầy chủ tế sẽ gọi tên các lễ vật rồi mời thần rừng và sơn thần, thổ địa về dự và nhận các lễ vật: "Ban đầu, thầy cúng đến chỗ rừng cấm, cho con gà, con lợn đi báo cáo thần rừng, thần rừng ăn bữa cỗ, bữa cơm trong năm có cái gì đầy đủ. Cầu cho bà con nhân dân, nông dân được yên ổn, hàng năm không ốm đau, tai họa."

Lễ cúng rừng của người Nùng ở xã Xín Mần được quy định luân phiên, mỗi năm các hộ gia đình phải đóng góp tiền mua gà sống và một con lợn đen tầm 50 kg để mổ làm lễ cúng. Khi cúng mỗi gia đình cử 1-2 người đại diện đến dự lễ và ăn bữa cơm tại điểm làm lễ cúng. Sau lễ cúng, người dân trong làng, xã trong 3 ngày không được vào rừng chặt cây, kiếm củi, không được săn bắn… mà ở nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho mùa vụ mới, ai không làm theo hương ước của làng sẽ bị phạt.

Lễ cúng rừng của người Nùng ở xã Xín Mần là một trong những nét đẹp trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường; đồng thời thể hiện mong muốn được thần rừng phù hộ che chở cho mọi người có một cuộc sống bình yên, mùa màng, gia súc, gia cầm luôn hát triển tốt tươi không bị thiên tai dịch bệnh, sâu bọ phá hoại. Đây cũng là dịp để các hộ gia đình giao lưu trao, từ đó tăng cường và củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Ông Lù Văn Đức, ở thôn Xín Mần, chia sẻ: Theo tục lệ của dân tộc Nùng ở trên này cũng như là quy ước hương ước của thôn lễ cúng rừng đã tập kết được tất cả bà con đến để vừa là phối hợp vừa là tuyên truyền tại nơi mình cúng rừng để cho tất cả bà con thực hiện quy ước, hương ước. Tuyên truyền tất cả các điều tốt đẹp cho bà con như là tuyên truyền về pháp luật này, tuyên truyền về các hoạt động của thôn như là đi làm vụ mùa. Đến mùa mình đi làm nương, làm rẫy, rồi đi cấy, đi cày, rồi là chăn nuôi, trồng trọt.

Với quan niệm thần rừng như là một vị thần linh thiêng che chở cho dân làng trong cuộc sống hằng ngày, những quy ước, hương ước trong lễ cúng rừng của cộng đồng người Nùng ở xã Xín Mần đã trở thành thiết chế văn hóa trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu