Các sản phẩm thuộc Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thời gian qua đang trở thành sứ giả kết nối người Việt dùng hàng Việt, đồng thời trở thành động lực kinh tế của các địa phương. Sau hơn 6 năm thực hiện, chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường (giữa) tham gia livestream khi đi tham quan gian hàng tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024. Ảnh: Trường Giang/VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024, một hoạt động diễn ra thường niên, nhộn nhịp với hơn 250 gian hàng, bày bán các sản phẩm OCOP và nông sản, hải sản của tỉnh Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mải mê dạo quanh các gian hàng và chọn lựa những sản phẩm OCOP phù hợp với nhu cầu của gia đình, chị Mai Chi, một khách tham quan mua sắm, cho biết: "Tôi thường xuyên đi hội chợ OCOP của Quảng Ninh. Mỗi một lần hội chợ mở ra thì chất lượng, mẫu mã ngày càng tiến bộ, các mặt hàng ngày càng phong phú, nhiều gian hàng chất lượng đảm bảo hơn."
Cùng chung quan điểm với chị Mai Chi, anh Lê Thế Trung ở Hà Nội cho biết hiện tại, trong các hệ thống siêu thị luôn có chương trình, gian hàng, kệ bán sản phẩm OCOP, từ hàng rau, củ, trái cây sạch, hàng thực phẩm đến hàng thiết yếu đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được quét mã QR..., nên người tiêu dùng rất yên tâm lựa chọn: "Trước đây, từ thực phẩm thiết yếu đến những thực phẩm công nghệ, nhà tôi thường mua hàng ngoại nhập. Nay trên thị trường có sản phẩm OCOP hàng sản xuất trong nước bởi giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng được cải tiến và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tôi chọn mua. Nhất là những sản phẩm thiết yếu rất yên tâm mua để phục vụ nhu cầu đời sống gia đình."
Từ khi phát động cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kêu gọi ủng hộ hàng Việt, đến nay, sản phẩm OCOP trong nước đã thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng OCOP đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao chất lượng, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý mà còn giúp cho mỗi người dân, hộ kinh doanh có thêm kiến thức, trách nhiệm đối với mỗi loại sản phẩm cung cấp ra thị trường. Từ đó chuyển đổi tư duy nông nghiệp sang tư duy hàng hóa, hòa nhập với thế giới.
Người dân bán sản phẩm OCOP tại chợ phiên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Anh Lê Nhật Tiến, Phó giám đốc hợp tác xã Măng Đen Forest, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum là một ví dụ điển hình về việc nâng tầm sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu hợp tác xã Măng Đen Forest sản phẩm đặc trưng địa phương. Hằng năm, đơn vị của anh sản xuất hơn 100 tấn cà phê arabica. 5 dòng sản phẩm cà phê chế biến khác đạt chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao cũng đang bán rất tốt tại thị trường trong nước: "Quy trình OCOP rất hay ở chỗ là giúp Hợp tác xã biết định hướng đưa sản phẩm từ ban đầu cho đến ra thị trường để làm sao sản phẩm chỉn chu, chất lượng nhất. Ngoài 25 ha Hợp tác xã đang trồng mới và chăm sóc, thì chúng tôi đang mở rộng vùng nguyên liệu, trước mắt là ký hợp đồng với từng hộ cam kết đầu ra cho họ."
Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế dần từng bước khẳng định vị thế, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững ở các địa phương. Tham gia chương trình OCOP, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cũng nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thông qua các chính sách về đất đai, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu theo liên kết chuỗi, đầu tư thiết kế bộ nhãn mác phù hợp để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường. Bà Lê Thùy Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Pyloherb, đơn vị sở hữu 15 thương hiệu OCOP của tỉnh Kon Tum lĩnh vực dược liệu, cho biết: "OCOP là chứng chỉ của sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền rất là cao. Mình cứ bám sát vào chứng chỉ OCOP thì mình sẽ thấy sản phẩm của mình có nét đặc trưng riêng rồi. Riêng tem OCOP mà được cấp tại tỉnh đã mang dấu ấn sản phẩm đặc trưng rồi."
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý Tây Nguyên, khi có chứng nhận OCOP nghĩa là đã xây dựng thương hiệu và người tiêu dùng đã biết đến. Vì vậy, các doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi tư duy sản xuất và bán hàng trong thời đại công nghệ mới: "Việc gắn sao cho sản phẩm OCOP chỉ là tờ giấy thông hành chứ không phải thương hiệu, mà thương hiệu phải là niềm tin của khách hàng. Khi có giấy thông hành thì phải song hành quảng bá chất lượng để khẳng định thương hiệu của mình thì lúc đó sản phẩm mới nâng tầm lên. Ngoài ra, tận dụng tốt cơ hội nền tảng công nghệ để làm tốt trong giai đoạn hiện nay."
Hiệu quả mang lại từ chương trình OCOP đã giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm của địa phương, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và du lịch nông thôn. Sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP Việt cho thấy các sản phẩm Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.