Nghe âm thanh bài tại đây:
Nghề thêu ren ở đây xuất hiện vào năm 1893, đến nay đã tồn tại và phát triển được gần 130 năm.
Theo tư liệu địa phương, cụ Nguyễn Đình Thản, sinh năm 1886, người thôn An Hòa, xã Thanh Hà, là người đã đi học hỏi và đưa nghề thêu về truyền dạy cho con cháu, từ đó nghề thêu ren phát triển ở cả xã Thanh Hà. Người dân địa phương suy tôn cụ là cụ Nguyễn Đình Thản là tổ nghề thêu làng An Hòa.
Nghề thêu ren ở xã Thanh Hà (tỉnh Hà Nam) xuất hiện từ năm 1893 và phát triển thịnh vượng vào những năm 1980. Ảnh: VOVTV |
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên ở xã Thanh Hà, cho biết: "Nghề thêu có từ thời xa xưa các cụ để lại, nghề phát triển thịnh vượng vào những năm 1980. Dân làng chúng tôi dựa vào nghề truyền thống của các cụ để phát triển kinh tế gia đình. Kinh tế, chi tiêu cuộc sống bà con chủ yếu kiếm nhờ vào nghề thêu. Làng nghề chúng tôi chủ yếu là thêu tay. Những thợ chính làm công việc chính còn việc phụ dành cho các cháu nhỏ, chị em. Hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới."
Quy trình để làm ra một sản phẩm thêu ren Thanh Hà khá công phu. Đầu tiên là tạo mẫu rồi đến pha và in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói và cuối cùng là tiêu thụ. Bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống, như: Độn, lướt vặn, bỏ bạt, đâm xô, nối đầu… thì nghề thêu hiện nay còn phát triển thêu kỹ thuật khó, như: thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng.
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên đang hoàn thiện một sản phẩm thêu tay. Ảnh: VOVTV |
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thêu ren xuất khẩu xã Thanh Hà, cho biết: "Chúng tôi thêu bó, thêu chải, thêu lướt, rua rút sợi quấn bằng tay. Gồm có dua sên, dua cột và các loại dua. Họa tiết thêu đa dạng, phong phú, có thể là con giống, hoa lá, cây cỏ, người. Sản phẩm thêu của xã Thanh Hà chúng tôi gồm có khăn bàn, ga, gối, các loại khay, các loại túi…"
Từ năm 1975 đến năm 1999 là thời gian thịnh vượng, phát triển của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước trên thế giới. Từ năm 2000 đến nay là thời kỳ chuyển đổi cơ chế, làng thêu ren Thanh Hà luôn nỗ lực tìm đầu ra để tồn tại và phát triển, trong điều kiện thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài đòi hỏi khắt khe về chất lượng và thời gian. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ đầu tư về phương tiện sản xuất, khoa học kỹ thuật và các thủ tục thành lập hiệp hội thêu ren Thanh Hà liên kết các hộ sản xuất với nhau. Đến nay, một số sản phẩm thêu ren của làng nghề đã được công nhận sản phẩm thuộc chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thêu ren xuất khẩu xã Thanh Hà. Ảnh: VOVTV |
Chị Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Hà, cho biết: "Địa phương rất chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nghề. Từ khi có chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), địa phương đã có những sản phẩm mang nét đặc trưng. Địa phương đã xây dựng chương trình để đăng ký sản phẩm OCOP trong chương trình phát triển chung của tỉnh Hà Nam. Địa phương đã mở điểm du lịch sản phẩm làng nghề để giới thiệu sản phẩm truyền thống."
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bản thân các hộ làm nghề đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã phong phú, đa dạng, đáp ứng chất lượng và yêu cầu của thị trường. Sản phẩm thêu tay đã trở thành thương hiệu của nghề thêu tay ở xã Thanh Hà.
Anh Phạm Sỹ Minh, Công ty thêu xuất khẩu Hoàng Anh, xã Thanh Hà, cho biết: "Chất lượng sản phẩm thêu tay, nguyên liệu ngoại nhập, chỉ thêu nhập của Pháp còn vải nhập của Italia. Để thêu tay phải có những người thợ tay nghề giỏi mới làm được, mới đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Đồng thời có chứng chỉ công nhận chất lượng ISO quốc tế. Quy trình sản xuất cũng nghiêm ngặt hơn, kiểm tra sản phẩm phải hoàn hảo và phải chịu trách nhiệm sản phẩm đến cuối cùng tức là khi đến tay mà người tiêu dùng khách hàng khiếu nại sản phẩm thì mình phải chịu trách nhiệm, bồi thường hoặc hoàn lại sản phẩm. Khi đầu tư chất xám, kỹ thuật thì giá thành sản phẩm cao, lãi cao hơn."
Những năm gần đây, bên cạnh thêu tay các hộ làm nghề còn thêu máy, nâng cao năng suất lao động, đem lại giá trị kinh tế cao. Chị Hà Thị Hiệp, Công ty Thêu xuất khẩu An Phương, xã Thanh Hà, cho biết: "Chúng tôi làm thêu máy mười mấy năm nay rồi. Bởi nay nhu cầu khách hàng cần nhanh nên thêu máy, giá cả hợp lý, chất lượng cũng ổn. Cho nên là chúng tôi chuyển sang thêu máy để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sản phẩm cho khách hàng. Công ty có 10 máy thêu, thu nhập công nhân khoảng 5 triệu đồng/tháng/người."
Ngày 27/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận Nghề thêu ren Thanh Hà được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, thị trường xuất khẩu thêu ren xã Thanh Hà ở nhiều nước, trong đó tập trung ở các thị trường lớn, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Thụy Sĩ.