Nghe âm thanh bài tại đây:
Theo các bậc cao niên trong làng Huệ Lai, chạm bạc không phải nghề gốc của làng nghề Huệ Lai. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, một số người dân ở làng Huệ Lai sang học nghề chế tác vàng bạc tại làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và mang nghề về làng. Từ đó, người dân Huệ Lai biết đến cái nghề cần sự tỉ mỉ, cần cù và đôi bàn tay khéo léo này.
Làng chạm bạc Huệ Lai (tỉnh Hưng Yên) là một trong những làng nghề chạm bạc nổi tiếng Việt Nam, với những sản phẩm độc đáo và tinh xảo. Ảnh: VOV Du lịch |
Ông Đỗ Xuân Chuyền, Giám đốc Hợp tác xã vàng bạc Phù Ủng, cho biết: "Trước đây tôi đi học nghề ở làng Châu Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, lúc đó làng cũng chỉ có mấy người làm nghề thôi. Sau đó, về quê thấy nghề này phát huy được nên chúng tôi thành lập Hợp tác xã vàng bạc Phù Ủng và xin ý kiến tỉnh cho thành lập làng nghề vàng bạc Huệ Lai. Từ làng này, bà con đã đi lập nghiệp mở các cửa hàng vàng bạc trên khắp đất nước để tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Đến nay, làng nghề Huệ Lai càng ngày càng phát triển. Năm 1998 được xã và huyện cho phép thành lập Hợp tác xã vàng bạc Phù Ủng, sau đó 6 năm vào năm 2004 thì Huệ Lai được công nhận là làng nghề."
Đối với nghề chạm bạc, để tạo ra một sản phẩm trang sức tinh xảo, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tạo mẫu cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất. Tại đây những ý tưởng sơ khai nhất về một mẫu trang sức mới sẽ được hình thành.
Bước tiếp theo: giai đoạn tạo mẫu sáp ví như làm nhẫn thì mẫu nhẫn sẽ được xuất ra và được khắc trên sáp cứng. Sáp có màu xanh ngọc hoặc xanh lá cây sậm màu. Các mẫu sáp có thể làm thủ công bằng tay hoặc máy. Nếu làm thủ công bằng tay thì các công cụ cần thiết là dao với nhiều kích cỡ, lưỡi cưa, mũi kim, giũa, khoan nhỏ, máy tiện nhỏ…
Tiếp đến là các công đoạn cắm cây thông – bơm sáp, đổ thạch cao, đun chảy kim loại, đổ khuôn, cắt thân cây thông ra khỏi sản phẩm thô, hoàn thiện sản phẩm thô, gắn đá, đánh bóng sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thử, thợ làm nghề ở làng Huệ Lai, cho biết: "Công đoạn nào cũng đòi hỏi phải làm tỉ mỉ. Phải làm thật cẩn thận thì dây chuyền bạc, hoặc đồ trang sức mới đẹp được."
Sản phẩm của làng nghề phong phú các mặt hàng trang sức vàng bạc trên thị trường như: dây chuyền, xuyến, nhẫn... Do việc sản xuất thuận lợi, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó. Một trong những ưu thế đưa đến uy tín sản phẩm của làng nghề đó là chất lượng sản phẩm với 100% nguyên chất. Bên cạnh đó, những mẫu mã của làng nghề, các sản phẩm luôn có sự sáng tạo, nhiều kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Thu Huyền, một khách hàng ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đánh giá: "Tôi thấy chất lượng vàng bạc Huệ Lai rất tốt, bảo đảm chuẩn. Kiểu dáng, mẫu mã cải tiến, bắt kịp thời trang hiện nay. Khi đeo trang sức vào rất sáng, không bị xỉn màu. Phụ nữ chúng tôi thích kiểu điệu đà, cầu kỳ. Tôi thấy sản phẩm vàng bạc Huệ Lai đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng."
Có những thời kỳ, nghề chạm bạc ở làng Huệ Lai làm ăn khó khăn, sa sút, nhiều hộ bỏ nghề. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, xã Phù Ủng đã triển khai đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần bảo tồn và phát huy nghề.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Ủng Trần Công Thiện. Ảnh: VOV Du lịch |
Anh Trần Công Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Ủng, cho biết: "Hằng năm, vào dịp nghỉ hè, xã tổ chức lớp tập huấn cho các cháu, tạo công ăn việc làm cho các cháu, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Có người ở làng sang Thủ đô Vientiane, Lào làm ăn, một số người trong làng mở cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, một số gia đình thì làm nghề ở quê."
Hiện nay, làng Huệ Lai có trên 200 hộ gia đình với hơn 1000 lao động tham gia làm nghề. Huyện hỗ trợ bà con vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Hoàng Thiên, Phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Ân Thi, cho biết: "Chúng tôi tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin đại chúng. Chúng tôi huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng hóa, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Huyện khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đổi mới thiết bị và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng của sản phẩm."
Sản phẩm chạm bạc của hợp tác xã vàng bạc Phù Ủng đã được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) bình chọn là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực phía Bắc năm 2014. Nhờ uy tín và chất lượng mà sản phẩm của làng chạm bạc Huệ Lai đã có mặt ở nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang một số nước, như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.