Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp

CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tích cực ứng dụng chuyển đổi số và những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ nông sản.

Chuyển đổi số đang từng bước đưa nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển từ phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp - ảnh 1Một nhà nông ở TP. Bà Rịa dùng máy bay không người lái phun thuốc sinh học chăm sóc vườn rau. Ảnh: Nguyễn Long/VTCNews

Trong lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai thí điểm cài đặt ứng dụng Sổ tay theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt đối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, cung cấp thông tin sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu hỗ trợ tạo tài khoản số và gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Nhận thấy hiệu quả của thương mại điện tử, ngày càng nhiều hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp - ảnh 2Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, TP. Bà Rịa, kiểm tra tôm nuôi trong nhà màng. Nhờ nuôi tôm công nghệ cao, hợp tác xã đã giảm thiểu được rủi ro trong quá trình nuôi. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, Phường Long Hương, Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên kinh doanh thủy sản, cho biết: "Trong thời đại 4.0, công nghiệp 4.0, mình phải theo thời đại để đảm bảo được yêu cầu, đồng thời cũng giảm bớt những phần mà mình phải quản lý trước đây. Trong vấn đề tiêu thụ, Hợp tác xã cũng đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đó cũng làm một bước tiến trong sản xuất, chuyển đổi lên cao để nông nghiệp hòa nhập được trong thời đại 4.0 này."

Ngoài việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Theo ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), đối với những thị trường có yêu cầu khắt khe, như: Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc với hàng nông sản nhập khẩu vào các nước này.

Từ năm 2023, Hợp tác xã Nhân Tâm đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản. Hợp tác xã cũng đang áp dụng việc số hóa ghi nhật ký sản xuất từ bón phân, tưới nước, ngày thu hoạch… trên ứng dụng (App) phần mềm của Nhật Bản cho mỗi lô hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của đối tác Nhật Bản, Hợp tác xã đã áp dụng phần mềm Sorimachi vào ghi nhật ký sản xuất cho vườn trồng nhãn. Chi cục Bảo vệ Thực vật đã hỗ trợ các lớp tập huấn cho các xã viên của Hợp tác xã nhập số liệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng ngày, số lượng trái thu hoạch vào App điện thoại.

Ông Phan Thế Hoành cho biết: "Xây dựng mã số vùng trồng mang lại những quyền lợi và giá trị kinh tế rất cao, nhằm quản lý canh tác; đồng thời để cho các đối tác tin tưởng về việc đáp ứng những yêu cầu mà họ đặt ra."

Khoảng 2 năm trở lại đây, chị Vũ Thị Thùy, xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa, bắt đầu tự quay các video clip giới thiệu về vườn rau do gia đình tự canh tác và các sản phẩm rau xanh tươi, sạch, sau đó giới thiệu và bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Chị Thùy cho rằng ngành nghề nào cũng cần được quảng bá hình ảnh trên không gian mạng nhằm gia tăng doanh số bán hàng và với người làm nông như chị cũng không ngoại lệ. Từ đó, chị Thùy tìm đến các lớp tập huấn về thương mại điện tử để học cách tự làm các video clip quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn: "Từ ngày áp dụng công nghệ, tôi thấy hiệu quả bán hàng rất tốt. Tôi đã bán được nhiều sản phẩm và đặc biệt là cây hành của chúng tôi được đưa tới người dân. Nhiều người nhắn tin, gọi điện tới đặt hàng. Vì vậy, tôi cảm thấy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc bán hàng rất hiệu quả."

Để chuyển đổi số nông nghiệp đạt hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp cho cán bộ, hội viên nông dân. Cùng với đó, đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuyển đổi số, xây dựng các dự án, chương trình, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Trên địa bàn tỉnh đang dần xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số, nông nghiệp thông minh, tập trung vào một số khâu, như: thu thập dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu, lưu trữ và điều khiển, theo dõi và điều khiển khâu sản xuất. Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp các hợp tác xã, nhà vườn, doanh nghiệp quản lý được quy trình kỹ thuật, trồng trọt, dịch bệnh trong sản xuất, truy xuất được nguồn gốc mà còn hỗ trợ trong việc giao dịch, bán hàng, giới thiệu sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử, nền tảng xã hội, qua đó, đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng và giúp tăng doanh thu.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: "Hội nông dân các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, các chính sách để hỗ trợ nông dân, khơi dậy nguồn lực và tác động đến người nông dân, để người nông dân tích cực tham gia ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế; qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giúp nông dân vươn lên làm giàu."

Việc thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang phát triển mạnh, tạo hướng đi mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời giảm chi phí và những tác động xấu đến môi trường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu