Hưng Yên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Hưng Yên là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước về đích xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh có 102 xã, số xã đạt nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 

Phát triển nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên ngày càng văn minh, hiện đại.

Bám sát Nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hình thành chuỗi sản xuất với giá trị tăng cao.

Hưng Yên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 199 sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao - Ảnh: Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp (OCOP) đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp các địa phương sớm về đích xây dựng nông thôn mới. Với ngân sách hỗ trợ của tỉnh 5,5 tỷ đồng (khoảng 217 nghìn USD) trong 5 năm qua, thông qua đầu tư hạ tầng máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm đạt chuẩn, hỗ trợ bao bì, tem nhãn mác, xúc tiến thương mại…, đến nay, tỉnh Hưng Yên có 199 sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao.

Chị Lý Thị Hà, Giám đốc HTX sản xuất rau củ quả an toàn Văn Giang, cho biết kể khi được chứng nhận OCOP, lượng khách hàng tìm đến với sản phẩm của HTX tăng cao đột biến, đơn cử như trái ổi lê, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường ổn định khoảng 3 tấn: "Chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới được chứng nhận OCOP. Và từ khi được chứng nhận OCOP thì đơn vị được nhiều khách hàng biết đến hơn. Các sản phẩm của chúng tôi ra thị trường được đánh giá rất tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phấn đấu nâng hạng sao để tiếp cận những thị trường mới, thị trường khó tính hơn, và xuất khẩu."

Cũng nhờ tham gia chương trình OCOP, nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất có bước tiến lớn về cải thiện mẫu mã, bao bì. Nhờ đó, sản phẩm được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP Hưng Yên trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng cục nông nghiệp phát triển nông thôn Hưng Yên, cho biết: "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực quản lý để phát triển các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, kết nối tiêu thụ, kết nối cung cầu. Dự kiến, hằng năm, tỉnh sẽ phát triển được thêm từ 25-35 sản phẩm OCOP."

Hưng Yên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - ảnh 2Chị Lý Thị Hà, Giám đốc HTX rau, củ quả an toàn Văn Giang, xã Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: Báo Hưng Yên

Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, tỉnh Hưng Yên cũng chú trọng đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc... Gắn kết thực hiện việc chuyển đổi số với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Điều này góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Thế, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cho biết: "Chúng tôi sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ cao. Nhờ đó, giá thành sản phẩm bán ra thị trường cao và đặc biệt là người tiêu dùng người ta rất là tin tưởng."

Để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững. Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới, khẳng định: "Ban chỉ đạo tỉnh thường xuyên tiến hành, lắng nghe, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc rà soát các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, để có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, nâng cao chất lượng đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn, nhất là giai đoạn 2021- 2025."

Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đã có 102/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Đạt 73,4%, có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Đạt 26%, thành phố Hưng Yên huyện Văn Giang và thị xã Mỹ Hào đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Hưng Yên phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát triển nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần để tỉnh Hưng Yên đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu