Nghe âm thanh bài tại đây:
Từ một đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối máy tính, Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng phát triển theo hướng sản xuất lắp ráp với mong muốn tạo ra sản phẩm máy tính “Make in Việt Nam”.
Gần 20 năm kể từ khi ra đời đến nay, thương hiệu máy tính “Thánh Gióng” bền bỉ đưa trí tuệ, sáng tạo của người Việt từ sơ khai, non trẻ trong lĩnh vực này vươn lên với “sức mạnh Phù Đổng”.
Cup và bằng chứng nhận Giải thưởng “Nhà cung cấp sản phẩm MÁY TÍNH THÁNH GIÓNG - SSTC MAKE IN VIETNAM được yêu thích”. Ảnh: Máy tính Thánh Gióng |
Sau gần 20 năm gây dựng, đến nay, Thánh Gióng đã trở thành một trong năm thương hiệu máy tính Việt Nam uy tín, cung cấp nhiều giải pháp công nghệ mới, với 66% linh kiện sản xuất trong nước. Công ty sở hữu 4 dòng sản phẩm chính, là: máy tính cá nhân, máy tính văn phòng, máy tính doanh nghiệp và máy tính dự án.
Máy tính thương hiệu Thánh Gióng đã lọt top 3 mặt hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích nhất năm 2022. Tháng 5 năm nay, Máy tính Thánh Gióng được giải thưởng Sao Sáng với danh hiệu "Nhà cung cấp sản phẩm MÁY TÍNH THÁNH GIÓNG - SSTC MAKE IN VIETNAM được yêu thích". Ngoài ra, còn rất nhiều giải thưởng công nghệ khác trong thời gian qua.
Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng, chia sẻ: "Thời điểm mà chúng tôi xuất hiện trên thị trường thì đất nước mình tuy là mở cửa rồi, nhưng nguồn thông tin vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, nguồn cung để sản xuất cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp của các hãng ở Việt Nam. Họ hoàn toàn điều tiết thị trường, bán đắt hay bán rẻ thì hoàn toàn là mình phải chịu. T
hứ hai nữa là khó khăn vốn, để kinh doanh thì bắt buộc phải có vốn, để mua nhà máy, mua dây chuyền sản xuất, mua công nghệ… Hồi đó, thì nói đến chuyện làm một cái máy tính cũng xa vời lắm. Nhưng tôi thấy, Việt Nam mình hoàn toàn có thể làm được những chiếc máy tính rẻ hơn, có đủ tính năng hơn. Và cuối cùng, quan trọng nhất là sau khi được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã lên một kế hoạch rõ ràng để ra đời sản phẩm."
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, như: khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời điểm 2008, đại dịch COVID-19 2020-2021, hay suy thoái thị trường sau đại dịch… Công ty máy tính Thánh Gióng đã chứng minh sức bền và khả năng chống chịu của mình trong hành trình hiện thực hóa khát vọng Make in Vietnam.
Ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: Máy tính Thánh Gióng |
Giám đốc Lại Hoàng Dương cho biết công ty đã có những bí quyết riêng để thành công, tạo ra sản phẩm đảm bảo được tính bảo mật cao thông qua cải tiến công nghệ, nghiên cứu tích hợp phần mềm bảo mật chống đánh cắp dữ liệu và nguy cơ về mã độc hiệu quả: "Trong tất cả các sản phẩm đều có những điểm mà chúng ta gọi là điểm yếu, chỉ cần bạn đưa được ra sản phẩm khắc phục được điểm yếu đấy thì rõ ràng là bạn sẽ bán được hàng. Vậy, điểm yếu của sản phẩm công nghệ thông tin chính là việc khách hàng khi sử dụng thiết bị công nghệ thông tin có thể mất dữ liệu. Chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm khắc phục những điểm yếu đó, bảo vệ dữ liệu người dùng. Tôi cho rằng trong bất kỳ thương trường nào thì chúng ta chỉ cần tìm được đúng mong muốn của khách hàng thì sẽ thành công."
Bên cạnh việc đầu tư nhà máy dây chuyền sản xuất theo quy mô công nghiệp, Công ty còn bắt tay với Tập đoàn C.P.R (Nhật Bản) để hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất máy tính tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Ngoài ra, Thánh Gióng cũng liên kết với một tập đoàn máy tính của Singapore để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất máy tính xách tay. Doanh nghiệp đã tạo ra dòng máy tính đồng bộ và độ ổn định cao, được đón nhận trên thị trường. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch hiệp hội máy văn phòng Việt Nam, nhận định: "Việt Nam có ít các sản phẩm mang tính chất công nghệ và Thánh Gióng là một trong những công ty tiên phong, đi đầu về công nghệ. Phải nói rằng tạo ra được sản phẩm công nghệ là một việc vô cùng khó khăn trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn hạn chế về hạ tầng cơ sở. Để phát triển và đứng vững được trên thị trường và khẳng định được thương hiệu Việt như hiện nay thì đó là thành công lớn."
Đến nay, Thánh Gióng đã cung cấp các giải pháp về công nghệ như hỗ trợ phần mềm, thiết kế sáng tạo các sản phẩm giá thành hợp lý, nhưng vẫn đáp ứng đủ công năng. Các dòng sản phẩm của Thánh Gióng được khách hàng trong nước tin tưởng sử dụng, có tính ứng dụng cao trong thực tế, đặc biệt là nhận được sự quan tâm ở thị trường nước ngoài.
Ông Lại Hoàng Dương khẳng định: "Chúng tôi đang làm những mẫu tiêu chuẩn tại Nhật Bản và tôi hi vọng là sau một khoảng thời gian nữa, chúng tôi sẽ có giấy chứng nhận có thể lưu hành tại thị trường Nhật Bản. Vừa rồi, chúng tôi đã ký được thỏa thuận hợp tác (MOU) đầu tiên với SriLanka và Malaysia, Myanmar cũng đã đồng ý cho phép gửi mẫu sang. Khi mà họ chấp nhận mẫu thì tôi hi vọng là máy tính Thánh Gióng sẽ xuất hiện ở các thị trường này trong thời gian sớm nhất."
Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn để phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin. Dự báo, nhu cầu về các thiết bị điện tử công nghệ cao sẽ rất lớn trong thời gian tới với mức tăng trưởng thuộc top đầu thế giới, đặc biệt là ngành công nghiệp phần cứng sẽ có mức tăng trưởng mạnh, thiên về xu hướng các thiết bị di động như máy tính xách tay. Để tận dụng cơ hội đó, Thánh Gióng đã đề ra chiến lược phát triển, trong đó tập trung vào sản phẩm có hàm lượng giá trị cao, chuyên biệt hóa, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu máy tính ra thị trường nước ngoài. Đây là mục tiêu mà Thánh Gióng hướng tới trên con đường trở thành doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam