Đón Trung thu vào thời điểm dịch, chương trình hỗ trợ máy tính cho học sinh

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có giải pháp để hỗ trợ việc học tập trực tuyến cho các em thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả mong muốn được thông tin về Tết Trung thu của trẻ em Việt Nam vào thời điểm dịch bệnh; chương trình hỗ trợ máy tính cho trẻ em khó khăn để học trực tuyến. Thính giả cũng chia sẻ tình cảm với Đài TNVN.

Nghe âm thanh tại đây: 

Chào quý vị, chào các bạn,

Năm nào, vào thời điểm này, người Việt lại vui đón Tết Trung thu, dạo phố Hàng Mã mua đồ chơi đèn ông sao, đèn lồng …cho trẻ. Các em nhỏ  được trông trăng phá cỗ. Nhưng năm nay, Trung thu  thực sự đặc biệt với mỗi người Việt bởi dịch bệnh nên hầu hết mọi người ở lại trong nhà. Chương trình xin thông tin nội dung này theo yêu cầu của nhiều thính giả:

Do ảnh hưởng dịch bệnh, Tết Trung thu năm nay không rộn ràng tiếng trống ếch, múa lân, múa sư tử…mà mỗi người, mỗi gia đình có cách riêng để đón Tết của trẻ em mà vẫn đủ đầy với không khí ấm áp. Đặc biệt, các ngành, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm huy động nguồn lực trao tặng trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ là con em những người đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Nhiều địa phương hỗ trợ quà, làm lồng đèn Trung thu tặng các em ở trong khu cách ly, đang điều trị bệnh. Các em nhỏ ở khu cách ly còn được thưởng thức đêm văn nghệ về Trung thu, về đất nước, về phòng chống dịch.

Câu hỏi của thính giả người Campuchia Noun Sina: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến.Vậy Việt Nam có giải pháp hỗ trợ học sinh như thế nào vì nhiều gia đình không đủ điều kiện để trang bị thiết bị học tập”. Với câu hỏi  này, chương trình xin được thông tin như sau:

Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có giải pháp để hỗ trợ việc học tập trực tuyến cho các em thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phát động và các bộ ngành phối hợp thực hiện trên cả nước. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngay tại chương trình phát động, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Năm nay, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động. Các địa phương, sở ngành trên khắp đất nước Việt Nam vận động sự ủng hộ, đóng góp số lượng khá lớn máy tính, điện thoại, ipad..hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Quý thính giả thân mến, một số thính giả muốn được tìm hiểu về các đặc sản trái cây của Việt Nam, địa phương nào nổi tiếng phong phú về hoa quả

Bất kỳ vùng miền nào của Việt Nam cũng có đặc sản trái cây như Phú Thọ có bưởi Đoan Hùng, Lạng Sơn có na, mận ở Sapa, Lào Cai… nhưng có lẽ vùng đất tiềm năng về hoa quả phải kể đến là đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có nhiều loại trái cây nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Một số trái cây ở vùng đất này chúng tôi muốn giới thiệu cho các bạn đó là xoài cát Hoài Lộc, ở Cái Bè, Tiền Giang; nhãn xuồng cơm vàng là đặc sản nổi tiếng của Cà Mau; măng cụt Chợ Lách là đặc sản của vùng sông nước Bến Tre. Đến vùng đất Vĩnh Long để thương thức đặc sản bưởi Năm Roi;  Quýt hồng Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp là nét hấp dẫn riêng thu hút du khách tới vùng đất này.

Quý thính giả thân mến,

Tuần qua chương trình tiếp tục nhân được bài dự thi kiều bào hát dân ca trên Đài TNVN từ Câu lạc bộ tình ca xa xứ ở CHLB Đức và của những bạn trẻ yêu thích tiếng Nga từ vùng Viễn đông Nga.

Chương trình cũng nhận khá nhiều thư của thính giả muốn được tham dự bài và thi tìm hiểu về Luật trẻ em. Đó là các thính giả: Đỗ Thị Thơm, Lê Minh Thúy, Lê Anh Tiệp, Nghiêm Thị Thắm, Lê Minh Hiếu, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Khánh Vy, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Đức Giang, Vũ Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Diệp Lan, Lại Tiến Hải, Lê Khánh Huyền A, Nguyễn Bảo Hân, Võ Quốc Hiển, Nguyễn Trường An, Nguyễn Đức Thiện, Bùi Phương Thanh, Lê Khánh Phương, Nguyễn Hoàng Yến, Trần Đức Phát.. Các bạn vào trang web luattreemthudo.vn để tìm hiểu và tham gia.  Cuộc thi diễn ra trong 2 tuần từ ngày 10/9 đến hết ngày 23/9/2021.

Chương trình cũng nhận được thư tìm hiểu về văn hóa vùng miền, văn hóa các dân tộc, ẩm thực. Các phóng viên của Đài TNVN thường trú các khu vực đã kịp thời chuyển tải những hoạt động của người Việt ở các nước. Phóng viên thường trú tại LB Nga thông tin về bộ giáo trình tiếng Việt tại Ucraina. Phóng viên từ CH Séc phản ánh về hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Các CTV, PV từ Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào…. phản ánh về các hoạt động của người Việt ở nước ngoài. Chương trình cũng nhận được thư của thính giả bày tỏ sự thích thú với các chương trình của đài TNVN, của Ban đối ngoại. Các thính giả đều là những người bạn thân thiết của Đài TNVN, mong muốn được nghe tiếng nói Việt Nam ở khắp nơi. Đó là thính giả Mika Makelainen, từ Phần Lan viết:  trong 40 năm qua, tôi luôn cố gắng bắt sóng các đài phát thanh ở xa, đó là sở thích của tôi. Hoặc các thính giả từ Tây Ban Nha, Mehico, Colombia, Trung Quốc đều bày tỏ tình cảm khi được nghe các chương trình của  Đài TNVN. Các thính giả từ các nước cũng theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh của Việt Nam và hy vọng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và cuộc sống của người dân Việt nam trở lai bình thường.

Do thời lượng có hạn, chuyên mục xin được tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu