Thông tin về suối khoáng nóng; sản phẩm OCOP; bảo tàng lịch sử quân sự; món phở cuốn

Chia sẻ
(VOV5) - Tình cảm với đất nước, con người Việt Nam qua các tin, bài phát hằng ngày tạo nên sự thú vị với thính giả ở khắp nơi.

Gửi thư về chương trình, thính giả mong muốn được tìm hiểu về sản phẩm OCOP; suối khoáng nóng tự nhiên ở Việt Nam; Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam hay nguồn gốc của món phở cuốn.

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Tình cảm với đất nước, con người Việt Nam qua các tin, bài phát hằng ngày tạo nên sự thú vị với thính giả ở khắp nơi

Thính giả Johnny Antonio Ramirez López ở Lima, Peru bày tỏ tình yêu của mình với mùa thu Hà Nội qua bình luận: “Xin chúc mừng những nghệ sĩ đã hát về một mùa đẹp như vậy trong năm. Thính giả Laura Quintana, ở Cuba, chia sẻ: “Chương trình của các bạn rất thú vị, đặc biệt là những tin bài liên quan đến văn hóa và du lịch. Thông qua các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã biết được nhiều thứ về đất nước của các bạn. Thính giả Mai Lâm ở Tứ Xuyên gửi email cho biết: ngày 20/10 là ngày Phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng xem trang web của các bạn và thấy các phóng viên, biên tập viên của VOV5 mặc áo dài, chụp ảnh rất ấn tượng. Thính giả Ấn Độ Bidhan Chandra Sanyal hy vọng, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò là động lực cho việc giải phóng và bảo vệ quyền lợi của người lao động trên toàn thế giới.” Thính giả Stefan Druschke, ở Kerpen, Đức, khen chương trình thú vị, nhiều đề tài hay, phong phú, ông thích nhất nghe phần bản tin đầu chương trình.

Thính giả Ueda Tomohar, ở Hokkaido, Nhật Bản, hỏi ở Việt Nam có nhiều suối khoáng nóng tự nhiên không?

Nếu xét trên số lượng nguồn suối khoáng có khả năng chữa bệnh, Việt Nam đang sở hữu một mỏ “vàng trắng”. Việt Nam có khoảng 400 địa điểm có nguồn nước nóng, tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc. Đây có thể nói là một tiềm năng làm du lịch chữa bệnh mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Nhân đây, chúng tôi cũng giới thiệu với các bạn một địa điểm suối khoáng nóng có độ sôi cao nhất, lên đến 105 độ C. Đó là suối khoáng nóng Bang nằm ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa được công nhận “Suối Bang - Suối khoáng nóng có độ sôi cao nhất Việt Nam”. Từ ngàn xưa, người dân bản địa (dân tộc Vân Kiều) vẫn xem suối Bang là “báu vật” của mẹ thiên nhiên ban tặng để chữa bệnh và phục hồi sức khỏe.

Từ Trung Quốc, thính giả Meilin hỏi VOV5 có chuyên mục về sức khỏe tư vấn về các bệnh theo mùa không?

Chương trình Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc có chuyên mục sức khỏe của bạn phát sóng vào thứ 3 hằng tuần. Trong đó, có tư vấn về các bệnh theo mùa. Từng mùa xuân, hạ, thu, đông, sẽ có các bệnh thường gặp,  việc sử dụng thuốc đông y để phòng và điều trị bệnh. Các bạn có thể theo dõi trên trang web chuyên mục này.

Thính giả Lianan Safitri, ở Indonesia, chia sẻ rất thích bài viết về người phụ nữ làm bánh kẹo truyền thống ở Hà Nội. Thính giả muốn biết có những loại bánh kẹo nào?

Đó là bài viết về bà Ngộ Thị Tính, nữ doanh nhân gắn liền với thương hiệu bánh kẹo mang thương hiệu Bảo Minh. Bảo Minh có nhiều sản phẩm nổi tiếng như bánh cốm, bánh pía, các loại mứt truyền thống, bánh nướng, bánh dẻo, bánh đậu xanh…được phân phối tại các đại lý, các siêu thị ở Việt Nam.

Thính giả Sokunthearith, ở Phnom Penh, Campuchia, muốn được nghe giới thiệu về bảo tàng quân sự mới ở Hà Nội.

Từ ngày 01/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí đến hết tháng 12/2024. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. Bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới. Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề. Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Chủ đề 2: Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858; Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945; Chủ đề 4: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâ m lược, năm 1945 - 1954; Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975; Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến ngày nay.

Thính giả Chea Vannara, ở Phnom Penh, Campuchia, hỏi món phở cuốn ở Việt Nam có nguồn gốc từ đâu?

Phở cuốn là món ăn có nguồn gốc từ phở, xuất hiện đầu tiên ở quán phở ngã tư phố Ngũ Xã, đường Nguyễn Khắc Hiếu, Hà Nội. Quán phở này mở về đêm để phục vụ khách đi xem bóng đá. Vào ngày nọ, có vị khách tới quán để thưởng thức phở đêm thì quán hết nước dùng, chỉ còn ít bánh phở. Và thế là chủ quán đã nghĩ ra cách đó là lấy bánh phở tráng mỏng ra, để khô lại sau đó cuộn với thịt, rau thơm và không quên làm thêm bát nước chấm đậm đà hương vị. Người khách sau khi thưởng thức xong, không ngớt lời khen ngợi về sự sáng tạo món ăn đầy thú vị và ấn tượng của chủ quán này. Món phở cuốn đã ra đời. Kể từ đó, món phở cuốn đã ghi dấu ấn trong lòng người dân Hà Nội và trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc không chỉ người địa phương mà khách du lịch cũng rất yêu thích.

Thính giả Palamy gửi thư từ Lào, muốn tìm hiểu về chương trình sản phẩm OCOP tại Việt Nam

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune, One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.. Trọng tâm Chương trình OCOP ở Việt Nam là phát triển sản nhiều công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bao gồm các thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất). Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu