Trả lời thính giả về các hoạt động cứu trợ vùng bị thiên tai cùng một số nội dung liên quan tới đời sống, xã hội

Chia sẻ
(VOV5) - Thính giả ở khắp nơi gửi thư về hỏi thăm, chia sẻ cùng sự ủng hộ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả ở khắp nơi thăm hỏi, chia sẻ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng. Thính giả cũng muốn tìm hiểu về các hoạt động cứu trợ, ổn định cuộc sống ở những vùng bão lũ. Các thính giả cũng mong muốn nắm được thông tin về đời sống, xã hội ở Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Cơn bão số 3 Yagi đã đi qua nhưng hậu quả mà nó để lại cho người dân Việt Nam vô cùng lớn. Đó cũng là lý do mà thính giả ở khắp nơi gửi thư về hỏi thăm, chia sẻ cùng sự ủng hộ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Từ Algérie, thính giả Naghmouchi Nouari viết: “Tôi vô cùng xót xa trước hậu quả nghiêm trọng do cơn bão Yagi gây ra. Thính giả Maguy Roy, thành viên Câu lạc bộ nghe đài Auvergne (Pháp), viết: “Tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước nỗi mất mát của các bạn… Hãy giữ vững tinh thần trong giai đoạn khó khăn này. Tôi luôn bên cạnh các bạn với tất cả sự đồng cảm và sẻ chia chân thành”. Thính giả Sokunthearith, ở Phnom Penh, Campuchia tin tưởng: với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân cả ở trong và ngoài nước, cũng như sự chung tay giúp sức của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẽ sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho nhân dân và phục hồi sản xuất kinh doanh”. Các thính giả từ Pakistan, Indonesia, Tây Ban Nha, Peru, Mexico…cũng chia sẻ những mất mát mà Việt Nam đang gánh chịu, đánh giá cao  những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như sự chung tay để khắc phục hậu quả thiên tai. Các thính giả đánh giá cao vai trò của truyền thông, trong đó có Đài TNVN trong việc kịp thời truyền tải, cập nhật tin tức cho mọi người. Những ngày này, các phóng viên, biên tập viên của chương trình luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt ở các nước trong các hoạt động kêu gọi ủng hộ người dân trong nước. Các phóng viên, biên tập viên đã kết nối với người Việt ở các nước, thông tin về tình hình thiên tai và kêu gọi sự chung tay của bà con hướng về trong nước, ủng hộ và trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu trợ cho người dân ở các địa phương.

Các thính giả cũng tiếp tục gửi lời chúc nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đài TNVN. Thính giả ở câu lạc bộ bạn nghe đài Tây Bengal, Ấn độ, Pakistan, Ba Lan…cũng gửi báo cáo bắt sóng chương trình của Đài TNVN, mong muốn được nhận chứng nhận nghe đài cùng một vài món quà lưu niệm cho các thành viên của Câu lạc bộ.

Quý thính giả thân mến, thính giả Phommalay, ở Lào, muốn tìm hiểu về các hoạt động ủng hộ đồng bào lũ lụt tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin chính cho các bạn:

 Những ngày qua, các hoạt động quyên góp, cứu trợ vùng lũ lụt đã được toàn xã hội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà con ở khắp nơi trên thế giới, bạn bè ở nước ngoài thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sứ quán, lãnh sự quán, Hội chữ thập đỏ địa phương, mặt trận tổ quốc địa phương…và nhiều cá nhân, đơn vị gửi tiền ủng hộ cùng với các nhu yếu phẩm, hàng hóa hỗ trợ bà con.  Các đoàn cứu trợ của các cá nhân, đơn vị cũng đã trực tiếp tới các khu vực bị ảnh hưởng tiếp tế lương thực, hàng hóa và tìm kiếm người mất tích. Hiện nay, các hoạt động khôi phục sau bão vẫn đang được tiếp tục.

Thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đã quyên góp,  ủng hộ  và trao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức quyên góp quà, thực phẩm, thuốc tây, quần áo... ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai. Đến nay, Mặt trân Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 1600 tỷ đồng và chuyển về cho các địa phương.

Về câu hỏi của nhiều thính giả muốn biết cuộc sống hiện nay của người dân ở những vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, chương trình xin thông tin như sau:

Hiện nay, chính quyền các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng do bão Yagi tiếp tục các hoạt động giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng lại nhà cửa, khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Các hoạt động cứu trợ vẫn đang được triển khai ở các địa phương giúp người dân ổn định cuộc sống. Đối với những hộ dân ở vùng nguy hiểm và nguy cơ sạt lở, chính quyền thường xuyên kiểm tra, động viên, di chuyển người dân đến nơi an toàn và bố trí cho người dân nơi ở tạm. Chính quyền địa phương huy động các phương tiện, các lực lượng khắc phục sửa chữa nhà cửa,  bố trí quỹ đất trong quy hoạch để có thể tạo điều kiện, hướng dẫn cho người dân có nơi ở mới, ổn định sản xuất. Đến thời điểm này, cuộc sống của người dân vùng bị ngập lụt bước đầu trở lại bình thường.

Từ tỉnh Chiba, Nhật Bản, thính gỉa Takeuchi Hironori hỏi: Ở Việt Nam, người mang nhóm máu nào chiếm đa số?

Với hệ thống nhóm máu ABO, khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O. Nhóm máu A khoảng 20%, nhóm máu B khoảng 30% và 5% dân số Việt Nam có nhóm máu AB. Như vậy thì ở Việt Nam, căn cứ theo quy ước của Hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số

Một số thính giả hỏi các trường học ở Việt Nam có đưa môn bơi vào dạy học không?

Hiện nay, nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học,  nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo. Do điều kiện về kinh phí, diện tích nên việc xây dựng bể bơi trong nhà trường gặp khó khăn; việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế…Tuy vậy, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm sáng tạo đưa môn bơi vào trường học trong giờ chính khóa và rèn luyện kỹ năng ngoại khóa. Một số trường học có bể bơi tổ chức dạy bơi cho học sinh theo dạy học tự chọn. Một số trường do không bố trí được tiết học bơi trong giờ chính khóa nên tổ chức dạy bơi cho học sinh ngoài giờ học theo hình thức không thu tiền hoặc trong giờ ngoại khóa. Các địa phương, nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp cha mẹ học sinh đăng ký cho con em học bơi tại các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường và cử giáo viên thường xuyên theo dõi nắm tình hình về kết quả học bơi của học sinh.

Thính giả Somphet, người Lào, muốn tìm hiểu về kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào trong những tháng đầu năm 2024.

Theo thông tin từ báo chí Lào, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào trong 7 tháng năm nay đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt hơn 355 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Thính giả Lutz Winkler, ở Schmitten, Đức, hỏi ở Việt Nam có kì nghỉ lễ nào cho trẻ em ngoài kỳ nghỉ hè không?

Ngoài kỳ nghỉ hè, học sinh Việt nam còn kỳ nghỉ khá dài là nghỉ Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết cổ truyền của dân tộc.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu