Các số liệu kinh tế được Nhật Bản công bố hôm 15/02 cho thấy quy mô nền kinh tế nước này suy giảm và bị Đức chiếm mất vị trí nền kinh tế số 3 thế giới. Theo các chuyên gia, sự kiện này chủ yếu phản ánh sự yếu kém của kinh tế Nhật Bản hơn là sự khởi sắc của kinh tế Đức, vốn cũng đang trì trệ thời gian gần đây.
Dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Porsche ở Stuttgart, miền Nam Đức. Ảnh: TTXVN |
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDP) của nước này trong năm ngoái là 591 ngàn tỷ Yen, quy đổi theo tỷ giá USD tương đương 4.200 tỷ USD. Trong khi đó, GDP danh nghĩa của Đức trong năm vừa qua đạt khoảng 4.500 tỷ USD. Với số liệu này, Nhật Bản để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức, sau 14 năm giữ vị trí này.
Đồng Yen suy yếu
Trong báo cáo của mình, chính phủ Nhật Bản cho biết GDP của Nhật Bản trong quý IV năm ngoái giảm 0,1%. Đây là quý thứ 2 liên tiếp Nhật Bản tăng trưởng âm và trên lý thuyết nước này đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Một loạt các chỉ số khác cũng không khả quan, bao gồm: tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp hơn 1/2 GDP của Nhật Bản, giảm 0,2% so với quý trước đó; chi tiêu vốn cũng giảm 0,1%. Các yếu tố này khiến tăng trưởng GDP của Nhật Bản sụt giảm, từ đó đánh mất vị trí nền kinh tế số 3 thế giới. Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế trưởng Hideo Kumano tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), nhận định vấn đề lớn nhất khiến nền kinh tế Nhật Bản đánh mất vị thế là tỷ giá của đồng Yen so với USD đã sụt giảm gần 20% trong 2 năm qua: “Tôi nghĩ việc Nhật Bản tụt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ. Nguyên nhân cho sự tuột dốc này là tỷ giá ngoại tệ. Trong năm ngoái, tỷ giá quy đổi trung bình là 140,5 Yen đổi được 1 USD. Đây là tỷ giá đồng Yen thấp nhất trong lịch sử, làm giá trị đồng Yen sụt giảm và là nguyên nhân chính khiến Đức vượt qua Nhật Bản”.
Theo Hideo Kumano, với thực trạng yếu kém hiện nay của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ buộc phải thay đổi chính sách tiền tệ, từ bỏ việc duy trì lãi suất âm, vốn được cho là gốc rễ của việc khiến đồng Yen suy yếu. Chia sẻ quan điểm này, Nghị sĩ Shigeru Ishiba của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đánh giá chính sách lãi suất âm của BoJ cần thay đổi càng nhanh càng tốt:“Chính sách lãi suất âm là một chính sách cực đoan mà lẽ ra ngay từ đầu không nên được thực thi. Chính sách này duy trì lãi suất thấp nhưng liệu có thể kéo dài bao lâu nữa? Không ai nói là ngay lập tức phải tăng lãi suất nhưng tôi nghĩ cần phải nghiên cứu làm việc đó trong dài hạn. Tôi nghĩ Nhật Bản cần thiết phải xem lại chính sách tài chính”.
Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath. Ảnh: Reuters |
Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath, cũng ủng hộ BoJ nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo quan chức IMF, nếu BoJ thực hiện việc nâng lãi suất chậm và có lộ trình rõ ràng, sẽ không có rủi ro nào lớn về chính sách đối với Nhật Bản, cũng như với kinh tế thế giới: “Tôi nghĩ rằng nếu BoJ điều chỉnh một cách từ từ, điều mà họ cũng đã gửi thông điệp là sẽ thực hiện, đồng thời tiến hành truyền thông một cách đúng đắn trong suốt quá trình đó, thì việc thay đổi chính sách này sẽ không có tác động nào quá lớn đến phần còn lại của thế giới”.
Cuộc cạnh tranh của 2 “người ốm”
Đối với Đức, quốc gia vừa vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thành tích vừa đạt được cũng không quá đáng tự hào. Theo nhiều chuyên gia, việc Nhật Bản-Đức đổi vị trí chủ yếu phản ánh sự yếu kém nội tại của kinh tế Nhật Bản hơn là sự khởi sắc của kinh tế Đức. Trong vài năm gần đây, tăng trưởng của Đức chậm lại đáng kể khi các mũi nhọn truyền thống của kinh tế nước này là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn.
Ngay trong ngày 15/02, thời điểm công bố thông tin nền kinh tế Đức vượt Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố các khảo sát cho thấy đa số trong 27.000 công ty tại Đức nhận định kinh tế Đức sẽ tăng trưởng âm 0,5% trong năm nay; 57% đánh giá chính sách kinh tế tại Đức nhiều rủi ro; 33% số công ty cho biết có kế hoạch cắt giảm đầu tư. Cũng trong ngày 15/02, Ủy ban châu Âu (EC) công bố báo cáo nhận định kinh tế Đức suy giảm 0,3% trong năm ngoái và có thể chỉ tăng 0,3% trong năm nay. Dự báo của chính Bộ Kinh tế Đức, đưa ra hôm 14/02, thậm chí còn bi quan hơn khi đánh giá tăng trưởng GDP của Đức trong năm nay chỉ ở mức 0,2%, tức thấp hơn 6 lần mức dự báo đưa ra vào mùa Thu năm ngoái (1,3%). Do đó, theo chuyên gia Robert Halver, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường của Ngân hàng đầu tư Baader (Đức), việc Đức vượt qua Nhật Bản không phải là điều quá vui mừng: “Nhật Bản tụt hạng vì nền kinh tế nước này yếu kém và đồng Yen thực sự rất yếu. Ngoài ra, có thể nhìn nhận thế này: nếu 2 người ốm cạnh tranh với nhau và 1 người thắng, điều đó cũng tốt thôi, nhưng thực tế là cả 2 vẫn ốm yếu. Nói cách khác, Đức không có các chính sách kinh tế và tài chính mạnh mẽ để đưa nền kinh tế vươn cao hơn, xét đến giá trị tuyệt đối”.
Theo Robert Halver, vấn đề của nền kinh tế Đức hiện nay không phải là thiếu tiền bởi nước Đức có nền tảng tài chính vững mạnh, kỷ luật ngân sách chặt chẽ, nợ công ở mức thấp so với các nền kinh tế lớn khác và thặng dư thương mại hàng năm vẫn ở mức cao. Chuyên gia này cho rằng thách thức lớn nhất với kinh tế Đức hiện nay là việc giảm bớt sức ì, loại bỏ tình trạng quan liêu và triển khai các chính sách táo bạo để đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định môi trường đầu tư trong dài hạn.