Châu Âu và chặng đường khó khăn phía trước

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Xung đột Nga-Ukraine leo thang kéo theo hàng loạt tác động bất lợi đã và đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng với hầu hết các khu vực và nền kinh tế trên thế giới.

Trong đó, châu Âu được đánh giá là khu vực chịu tác động nặng nề nhất với hàng loạt biến động lớn cả trên chính trường lẫn trong xã hội của nhiều quốc gia thành viên.

Ngày 24/10, đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã xác định cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (42 tuổi) sẽ là lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, đồng thời trở thành Thủ tướng kế nhiệm bà Liz Truss (vừa từ chức ngày 20/10 chỉ sau một tháng rưỡi tại vị).

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Vương quốc Anh có tới 3 Thủ tướng (ông Boris Johnson, bà Liz Truss và ông Rishi Sunak), phản ánh sự biến động mạnh mẽ trên chính trường quốc gia cựu thành viên Liên minh châu Âu (EU) và là nền kinh tế lớn thứ hai châu lục (sau CHLB Đức). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là tình thế khó khăn khó khăn nghiêm trọng về kinh tế-xã hội (giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, lạm phát lên mức kỷ lục…), do tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là không chỉ có chính trường Anh, mà nhiều quốc gia châu Âu chủ chốt khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nghiêm trọng tương tự, vì cùng nguyên nhân.

Thách thức và khó khăn chồng chất với nhiều nước châu Âu

Nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế có chung nhận định rằng, lãnh đạo Chính phủ Anh trong bối cảnh hiện nay, ông Rishi Sunak sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức, nổi bật là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đang trên đà rơi vào suy thoái khi giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt...

Trước thời điểm bà Liz Truss tuyên bố từ chức hôm 20/10, lạm phát của Anh đã lên tới 10,1%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Đảng đối lập chính tại Anh là Công đảng đổ lỗi cho đảng Bảo thủ về tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, đồng thời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử sớm trước thời hạn.

Tại một nền kinh tế lớn khác ở châu Âu là Italy (thành viên EU), hàng loạt khó khăn và thách thức nghiêm trọng cũng đang chờ đón Chính phủ của tân Thủ tướng Giorgia Meloni (nhậm chức ngày 22/10). Theo đó, Thủ tướng Meloni và nội các mới phải gánh vác sứ mệnh nặng nề là ngăn chặn nguy cơ suy thoái cận kề đối với nền kinh tế đất nước; kiểm soát giá năng lượng và tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên; xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine…

Còn tại Pháp, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí còn đau đầu hơn khi phải căng sức đối phó làn sóng biểu tình phản đối tình trạng giá nhiên liệu, lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trên toàn quốc. Trong đó, một số cuộc biểu tình hồi tuần trước đã biến thành bạo loạn, làm dấy lên lo ngại về làn sóng biểu tình bạo động hồi cuối năm 2018.

Ít ồn ào hơn song tình hình tại nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, cũng đang đối mặt khó khăn nghiêm trọng khi tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên cùng nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề. Theo Viện Kinh tế Đức (IFO), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể giảm 0,3% vào năm 2023 do lạm phát tăng cao và tình trạng thiếu khí đốt. Thậm chí, Đức có thể rơi vào suy thoái ngay từ mùa Đông này với tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 được dự báo là 8,1% và sẽ tiếp tục tăng lên 9,3% trong năm 2023.

Giải pháp và triển vọng

Nhiều nhà phân tích độc lập quốc tế có chung nhận định rằng, dù có sự khác biệt về diễn biến và mức độ, song những khó khăn và thách thức mà hàng loạt Chính phủ và quốc gia tại châu Âu đang phải đối mặt đều có chung một nguyên nhân quan trọng là tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Bởi vậy, cần ưu tiên nguồn lực tập trung xử lý cuộc khủng hoảng.

Đây cũng là quan điểm được ngày càng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ. Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu sẽ kéo dài đến năm 2023 và 2024, hoặc có thể lâu hơn nữa. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hungary nêu rõ cuộc khủng hoảng này đang được thúc đẩy bởi “các lý do địa chính trị cơ bản, gắn liền với an ninh”, và đòi hỏi “các giải pháp lâu dài”.

Đặc biệt, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary nhắc lại quan điểm của các nhà lãnh đạo nước này đưa ra trước đó rằng: tình trạng khủng hoảng năng lượng tại châu Âu là hệ quả của việc châu lục này áp đặt trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Do đó, châu Âu cần tập trung tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, thay vì gia tăng biện pháp trừng phạt.  

Với cùng quan điểm, thời gian qua, Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Tayyip Erdogan cũng liên tiếp có các động thái thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhà lãnh đạo Thổ Nhỹ Kỳ nêu rõ, cánh cửa hòa bình phải luôn được mở rộng. Bởi lẽ, xung đột được hóa giải sẽ giúp giải quyết hàng loạt vấn đề mà châu Âu phải đối mặt, cả trên bình diện kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và chính trị-ngoại giao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu