Hội nghị Đối thoại toàn cầu Berlin được tổ chức lần đầu tiên trong hai ngày 28-29/9 tại thủ đô Berlin (Đức). Đây là diễn đàn mới giúp các chính phủ, các tập đoàn kinh tế cũng như các tổ chức dân sự trao đổi và tạo dựng tầm nhìn chung về một tương lai đang biến đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đối thoại toàn cầu Berlin. Ảnh: TTXVN |
Đối thoại Toàn cầu Berlin (Berlin Global Dialogue) ra đời từ ý tưởng của Giáo sư kinh tế Lars-Hendrik Roller, thuộc Trường Quản trị và Công nghệ châu Âu Berlin (ESMT Berlin), và từng là Cố vấn kinh tế trưởng của cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel. Đối thoại toàn cầu Berlin là một diễn đàn quốc tế mới, bổ sung cho các cơ chế đối thoại đa phương hiện nay trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề mang tính toàn cầu.
Thời điểm chuyển đổi lịch sử
Trong thông điệp gửi đi trước thềm hội nghị đầu tiên của Đối thoại toàn cầu Berlin, Giáo sư Lars Hendrik Roller nhấn mạnh thế giới đang trong thời điểm chuyển đổi lịch sử, khi toàn bộ cấu trúc kinh tế toàn cầu trước đây đều đang có dấu hiệu rạn nứt. Do đó, Đối thoại toàn cầu Berlin hướng các nỗ lực của mình đến 3 ưu tiên chính.
Đầu tiên, Đối thoại toàn cầu Berlin sẽ tạo nền tảng trao đổi giữa các quốc gia phương Bắc, tức các nước phát triển, với thế giới phương Nam, là tập hợp các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Diễn đàn này cũng sẽ là cầu nối giữa phương Tây với phương Đông. Theo tiêu chí của Đối thoại toàn cầu Berlin, mọi trao đổi đều diễn ra trên tinh thần cởi mở, tin cậy và trực diện. Ưu tiên thứ hai của Đối thoại toàn cầu Berlin là thúc đẩy các đối thoại mang tính hợp tác giữa các lãnh đạo chính trị với các lãnh đạo doanh nghiệp, qua đó điều chỉnh các chính sách kinh tế một cách hài hoà hơn. Cuối cùng, Đối thoại toàn cầu Berlin ưu tiên thúc đẩy các quan hệ đối tác mới để đạt được các tiến bộ cụ thể và thực chất.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, diễn giả chính tại Hội nghị năm nay, nhận định thế giới đa cực ngày nay cần những tầm nhìn mới và những giải pháp đa phương mới. Ông Scholz cũng cho rằng thủ đô Berlin, một biểu tượng của hoà giải và đoàn kết, là địa điểm thích hợp để cung cấp các ý tưởng thực chất, thúc đẩy các bên hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Trước đó, trong bài phát biểu tại Tuần lễ cấp cao (19-26/9) Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 78 (UNGA-78) vừa diễn ra tại New York (Mỹ), ông Olaf Scholz đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hợp tác này, nhất là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu:
Băng tiếng Đức: CTTP/V6 TSQT AM 29/9 SCHOLZ
“Thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên các quốc gia công nghiệp truyền thống có trách nhiệm đặc biệt trong cuộc chiến với khủng hoảng khí hậu, nhưng nhiều quốc gia khác cũng nằm trong số những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất hiện nay. Do đó, thay vì chờ đợi người khác, tất cả chúng ta cần phải hành động cùng nhau”.
Hướng đến một trật tự kinh tế thế giới mới
Tại Hội nghị đầu tiên năm nay, Đối thoại toàn cầu Berlin sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề “chuyển đổi”. Đầu tiên, là chuyển đổi sang một trật tự kinh tế thế giới mới. Tại các phiên thảo luận về chủ đề này, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế sẽ trao đổi và tìm hiểu cách thức chuyển đổi sang một trật tự kinh tế giới mới mà không gây ra sự đối đầu giữa các hệ thống kinh tế và giữa các khu vực địa lý. Giáo sư Lars Hendrik Roller cho rằng, để làm được điều đó, lãnh đạo các chính phủ và các doanh nghiệp cần tìm ra được một cách tiếp cận thống nhất về chính sách kinh tế cũng như chính sách đối ngoại, an ninh.
Trọng tâm thứ hai, là chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp. Các nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm cơ chế để vừa chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế carbon thấp, vừa duy trì được tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Đối với chủ đề này, hai câu hỏi gai góc nhất sẽ được tranh luận là vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong các nền kinh tế và việc chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các chính phủ và các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trọng tâm thứ ba của Đối thoại toàn cầu Berlin là việc chuyển đổi sang một xã hội công bằng. Các diễn giả tham dự Hội nghị sẽ thảo luận cách thức thu hẹp sự bất bình đẳng đang gia tăng trên thế giới, đồng thời cân bằng nhu cầu kinh tế với nhu cầu xã hội và nhu cầu sinh thái. Ngoài ra, vai trò của tiến bộ công nghệ cũng sẽ được đề cập, bởi các nhà sáng lập Đối thoại toàn cầu Berlin nhận định các tiến bộ công nghệ đang biến đổi các xã hội nhanh hơn bao giờ hết so với các giai đoạn lịch sử trước đây.
Đối thoại toàn cầu Berlin năm nay thu hút nhiều nhân vật có uy tín. Ngoài Thủ tướng nước Đức chủ nhà, Olaf Scholz, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới cũng tham dự và có tham luận tại Hội nghị, như: Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel; Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev; Tổng thống Sri-Lanka, Ranil Wickremesinghe; Thủ tướng Albania, Edi Rama và nhiều Bộ trưởng các nước. Về phía giới doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn về công nghệ, tài chính hay công nghiệp, như: Google, BlackRock, Mercedes-Benz, Arcelor Mittal, Booking cũng góp mặt tại Hội nghị.
Theo giới quan sát, Đối thoại toàn cầu Berlin là nỗ lực tiếp theo của giới tinh hoa chính trị-kinh tế Đức trong việc tạo dựng ảnh hưởng lớn hơn cho nước Đức trong nền quản trị toàn cầu, thông qua các các diễn đàn đối thoại đa phương và đa chiều. Trong nhiều năm qua, nước Đức cũng là nơi tổ chức các diễn đàn quốc tế thường niên có uy tín cao, như Hội nghị an ninh Munich (MSC) chuyên thảo luận các vấn đề an ninh toàn cầu hay Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin (BETD) chuyên về các vấn đề năng lượng.