Làng bún Mạch Tràng: Nỗi niềm “giữ lửa” nghề truyền thống

Phạm Hằng - Kim Huệ/CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Mạch Tràng là làng nghề bún nổi tiếng khi xưa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Việt Hùng:

Độc đáo món bún “tiến vua”

Đi dọc theo bờ sông Hoàng cũ (nay đã bị bồi lấp thành một con lạch nhỏ), qua di tích thành Cổ Loa là tới làng Mạch Tràng- nơi có món bún “tiến vua” nức tiếng đất cố đô đã ngàn năm tuổi. Sở dĩ bún Mạch Tràng được gọi là bún “tiến vua” bởi món ăn này gắn liền với sự tích về vua An Dương Vương trong lễ dạm hỏi của công chúa Mị Châu và chàng Trọng Thủy.

Theo lời kể của bà Đặng Thị Vụ, 73 tuổi (người dân làng Mạch Tràng) thì dân vẫn lưu truyền giai thoại: “Vua ngày xưa bắt xay bột để làm bánh đúc, chẳng may có ông xay xong múc bột lên đổ vào rổ thì bột rớt xuống thành sợi dài, từ bấy giờ các cụ gọi đấy là sợi bún. Rồi người ta tìm ra từng công đoạn để học, mua khuôn mua lượt về làm thành bún. Từ ngày ấy, cứ mỗi năm làng lại tiến bún sang Cổ Loa để thờ cúng.”

Làng bún Mạch Tràng: Nỗi niềm “giữ lửa” nghề truyền thống - ảnh 1Màu trắng ngà đặc trưng của bún Mạch Tràng. - Ảnh: Phạm Hằng

Không chỉ gắn với truyền thuyết lịch sử, bún Mạch Tràng còn được biết đến là món ăn dân dã mang hương vị riêng biệt. Vẫn cái mùi chua dìu dịu của gạo ngâm, nhưng sợi bún đất thành cổ lại không trắng sáng bắt mắt như bún Phú Đô hay bún Tháp Miếu mà mang một màu trắng ngà rất đặc trưng.

Là một người có thâm niên trong nghề làm bún Mạch Tràng thủ công, bà Đặng Thị Vụ chia sẻ: “Bún Mạch Tràng có nét riêng là đậm vị, thơm, giòn và ngon, không dai như những loại bún khác. Không như những loại bún có khi để tới 3 ngày không thiu, bún Mạch Tràng chỉ để được trong 1-2 ngày thôi.”

Sản phẩm bún Mạch Tràng không những có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như bún mắm, bún chả hay bún đậu mà còn được dùng để xào với rau cần- một món ăn truyền thống của người dân nơi đây trong những dịp trọng đại như Lễ hội Cổ Loa mùng 6 tháng Giêng hay ngày sêu Bà Chúa. Mạch Tràng là làng bún có truyền thống từ nghìn năm nay, ở làng có những gia đình mấy đời sống bằng nghề làm bún.

Làng bún Mạch Tràng: Nỗi niềm “giữ lửa” nghề truyền thống - ảnh 2Bột làm bún Mạch Tràng được xay từ gạo Khang Dân. - Ảnh: Phạm Hằng

Bún Mạch Tràng đang dần bị mai một

Hiện nay ngoài gia đình bà Đặng Thị Vụ vẫn kiên trì giữ phương pháp làm bún thủ công, thì gia đình anh Nguyễn Đức Hạnh cùng 3 hộ gia đình khác đều đã chuyển sang làm bún bằng máy móc hiện đại. Anh Hạnh chia sẻ: “Gia đình chúng tôi trước đây làm thủ công mỗi ngày chỉ được năm tới sáu mươi cân, ngày đấy sản xuất chủ yếu phục vụ nhân dân ở trong xã, trong huyện nhưng bây giờ nhiều người biết đến hơn. Để đáp ứng được nhu cầu đó thì nhà tôi đã thay thế làm bằng máy móc để sản lượng bún được nhiều hơn nhưng vẫn giữ được hương vị vốn có của bún cổ truyền ngày xưa.”

Làng bún Mạch Tràng: Nỗi niềm “giữ lửa” nghề truyền thống - ảnh 3Cơ sở làm bún của anh Nguyễn Đức Hạnh được trang bị máy móc hiện đại - Ảnh: Phạm Hằng

Trải qua thăng trầm lịch sử, món bún “tiến vua” nức tiếng một thời tuy vẫn giữ được hương vị riêng vốn có, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sức ép kinh tế thị trường. Làm bún, cũng có nghĩa ngày ngày thức khuya dậy sớm, vất vả đủ đường. Vì vậy, không còn nhiều gia đình theo nghề khi có những lựa chọn công việc khác tốt hơn. Vừa tất bật xếp những lá bún nóng hổi lên xe giao hàng, anh Hạnh vừa chia sẻ: “Gia đình tôi làm đến đời tôi là đời thứ 3. Ngày xưa, hầu hết nhân dân trong làng đều sản xuất bún nhưng bây giờ nghề này lợi nhuận không được cao mà lại vất vả cho nên nhiều gia đình họ bỏ đi làm nghề khác, chỉ còn 5 nhà trong khu Mạch Tràng giữ lại nghề này thôi.”

Trăn trở nỗi lo giữ nghề

Nửa đời gắn bó với nghề làm bún, tuy nay đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc, tay chân cũng không còn khỏe khoắn, linh hoạt như xưa nhưng bà Đặng Thị Vụ vẫn thiết tha với nghề truyền thống cha ông để lại. Nhắc đến tương lai giữ nghề, nối nghiệp của gia đình, bà Vụ bảo: “Chính quyền cũng đến động viên nhưng tôi chỉ nói họ thông cảm vì nhà tôi chỉ có một người con trai thì không theo nghề, con gái thì theo chồng hết. Chúng tôi giờ già cả rồi cũng không làm được, chúng tôi ủng hộ nhưng các cháu lại không theo nghề. Vẫn hy vọng, vẫn tiếc, tiếc lắm chứ!”

Làng bún Mạch Tràng: Nỗi niềm “giữ lửa” nghề truyền thống - ảnh 4Làm bún Mạch Tràng bằng phương pháp thủ công - Ảnh: thanhcoloa.vn

Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống quê hương, chính quyền địa phương đã triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất bún đối với những hộ có đủ điều kiện về máy móc, kỹ thuật; hỗ trợ một phần kinh phí và các loại máy móc kỹ thuật hiện đại để thúc đẩy sản xuất.

Ông Bùi Văn Huy, Bí thư Chi bộ thôn Mạch Tràng cho biết: “Tuổi tác họ cao lên, sức khỏe cũng yếu đi. Những người trẻ thì đi làm công tác ở các nơi còn các cháu thì đi học. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, từ lãnh đạo các cấp cho đến chính quyền thôn luôn luôn động viên bà con, tạo điều kiện kể cả về vật chất, hỗ trợ tiền, mua trang thiết bị để bà con trong thôn thêm thu nhập.”

Những người làm nghề bún của làng Mạch Tràng vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi lo “giữ lửa” nghề truyền thống, giữ bản sắc riêng mà cha ông để lại. Liệu những đôi bàn tay tỉ mỉ, và những tấm lòng yêu nghề của mảnh đất thành cổ có gìn giữ được tinh hoa món bún “tiến vua” đã tồn tại bao đời?

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu