Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng thay thế còn gặp thách thức, rất cần các cơ quan Nhà nước hỗ trợ các làng nghề cải tiến máy móc, trang thiết bị, vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề với khoảng 50 nhóm nghề, gồm: vàng bạc, rèn, giấy, sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, dệt, tranh dân gian, mộc, đá… Các làng nghề đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Máy móc làm cốm ở làng cốm Mễ Trì. - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Hiện nay, sản xuất tại làng nghề chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, sử dụng trang thiết bị lạc hậu nên vừa tiêu tốn năng lượng, vừa gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp đầu tiên cho việc tiết kiệm năng lượng là áp dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết: “Các làng nghề tiết kiệm điện bằng biện pháp thay thế những động cơ điện cũ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng phần mềm để tự điều chỉnh tốc độ động cơ, sử dụng hợp lý trong sản xuất, tận dụng ánh sáng tự nhiên trong nhà xưởng... Tiết kiệm năng lượng tại các làng nghề góp phần giảm áp lực cung ứng điện và nhiên liệu, giảm đầu tư nguồn điện của quốc gia. Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế cũng giảm chi phí sản phẩm.”
Bên cạnh đó, các làng nghề Việt Nam thay đổi loại hình sử dụng năng lượng đạt hiệu suất cao hơn, dễ quản lý hơn, như: đổi từ công nghệ nung từ than chuyển sang gas, vừa đạt hiệu suất đốt cao hơn vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) là một trong những làng nghề điển hình “xanh hóa” sản xuất nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế.
Ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, cho biết: “Lò gas được áp dụng thử nghiệm đầu tiên ở gia đình tôi. Lò gas hiệu quả tốt và không phụ thuộc vào điện, mất điện cũng nung được. Sau khi dự án thành công, người nọ mách bảo người kia và trong làng cứ thế nhân ra. Từ năm 2000 đến năm 2007, trong 7 năm Bát Tràng thay đổi 100% lò đốt than sang lò đốt gas. Lò nung gốm bằng gas và lò điện hiệu quả kinh tế bằng nhau nhưng lò điện không bằng lò gas vì không tạo ra môi trường lửa nhiệt độ cao cho những màu men khó tính thị trường yêu cầu. Bát Tràng từ một làng nghề khói bụi trở thành làng nghề xanh, đặc biệt chất lượng hàng hóa nâng cao, độ trắng sản phẩm tăng lên. Đây là bước tiến đáng kể của làng nghề Bát Tràng.”
Máy móc làm bún tiết kiệm năng lượng ở làng nghề bún Phú Đô. - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Tương tự làng Bát Tràng, thay vì dùng than như trước kia, làng bún Phú Đô (Hà Nội) chuyển lò than sang dùng nồi hơi và sử dụng dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún... bằng điện. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghề làm bún ở làng Phú Đô, cho biết: “Chúng tôi áp dụng thành công đưa khoa học vào sản xuất, công nghệ được cơ giới hóa, có máy móc xay bột, đánh gạo, ép bún… lần lượt được áp dụng thay thế hiệu quả cho thấy rõ ràng, môi trường làng nghề cải thiện đáng kể. Trước đây, chưa áp dụng máy móc sử dụng điện mà làm thủ công lò than sản lượng bún thấp từ 1-2 tạ bún/ngày giờ nâng lên từ 1,5 -2 tấn bún/ngày, thậm chí có cơ sở đạt công xuất 3 tấn bún/ngày. Chất lượng sản phẩm cũng nâng lên, bún trắng và dẻo hơn.”
Để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, nhiều làng nghề Việt Nam đang thực hiện kiểm toán năng lượng, sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm giá thành điện năng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhất là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hướng đi mới mang tính đột phá là tìm kiếm nguồn năng lượng mới.
Tiến sĩ Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết: “Ở khu vực làng nghề, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cập nhập thông tin bởi vì năng lượng thời nay khác trước đây. Năng lượng không chỉ là than, củi, cám, trấu… mà là những năng lượng siêu sạch như đá cháy, băng cháy. Đây là nguồn năng lượng của tương lai. Đá cháy, băng cháy có sức nóng, hiệu quả gấp 2 đến 2,5 lần so với năng lượng truyền thống. Chúng ta phải có chiến lược phát triển năng lượng khu vực làng nghề trong thời kỳ cách mạng 4.0.”
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế ở làng nghề không chỉ đáp ứng được những đơn hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm mà còn góp phần đảm bảo tính thẩm mỹ, độ tinh xảo của sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Đây là chìa khóa phát triển bền vững ở các làng nghề Việt Nam.