Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới các làng nghề truyền thống Việt Nam. Trước tình hình đó, các làng nghề truyền thống Hà Nội thay đổi cách thức sản xuất và từng bước khôi phục kinh doanh khi dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện đã cơ bản được kiểm soát.
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa. Trong số khoảng 5400 làng nghề ở Việt Nam, thành phố Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1350 làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề Hà Nội phong phú, đa dạng, tinh xảo, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Một phân xưởng sản xuất gốm sứ Bát Tràng |
Thị trường xuất khẩu gốm của làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội gần như đóng băng. Tới thời điểm này hơn 80% đơn hàng xuất khẩu của xưởng gốm Tân Thịnh ở làng Bát Tràng bị hủy bỏ. Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân, chủ xưởng gốm Tân Thịnh, bộc bạch: “Rất khó khăn vì nhiều đơn hàng, mẫu mã đã duyệt rồi chỉ chờ ngày chuyển tiền. Thị trường trong nước các sản phẩm quà tặng trong các sự kiện các doanh nghiệp làm quà tặng cũng ít giảm phần nào nên bị ảnh hưởng”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở xưởng gốm ông Nguyễn Văn Nghĩa, xưởng gốm của ông mới khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: “Với các doanh nghiệp lớn thì họ có đủ nhân lực, vật lực, tài lực để thực hiện sản xuất. Trong khi những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi khó khăn hơn.”
Đến nay, Chính phủ đã cho phép nới lỏng dần các hoạt động, song, các làng nghề vẫn chưa thể quay lại hoạt động 100% như thời điểm trước dịch. Khó khăn nhất thuộc về nhóm làng nghề sản xuất mỹ nghệ. Qua khảo sát, các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)... đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch. Các cơ sở sản xuất ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh trước đây phải hoạt động hết công suất mới kịp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu thì hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề bị đình trệ, cầm chừng. Thay vì các mặt hàng trang trí, lưu niệm được các thị trường châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng, hiện các cơ sở, doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đó là các sản phẩm gia dụng như: giỏ, khay đựng đồ, rổ rá, túi đi chợ…
Xưởng dệt lụa Vạn Phúc - Ảnh: Đức Anh. |
Ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn phải tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng, cho biết: “Làng nghề chúng tôi đang tuyên truyền sâu rộng đến người dân và các chủ kiot kinh doanh ở chợ gốm Bát Tràng là phải giữ chữ tín, đúng xuất xứ sản phẩm Bát Tràng. Tự giác, trách nhiệm của người dân Bát Tràng với thương hiệu của mình. Chúng tôi kiểm soát, phát hiện không để những hàng hóa không xuất từ từ Bát Tràng trà trộn vào.”
Tại làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội, các cơ sở sản xuất đã khởi động lại sản xuất, tuy nhiên chưa thể khôi phục hoàn toàn, lượng sản phẩm sản xuất ra giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước kia làng Phú Yên chỉ tập trung làm giày công sở, bây giờ phải đa dạng hóa sản phẩm làm thêm các mặt hàng: giày thể thao, giày dép thời trang, giày dép trẻ em… Trong khi đó, các cơ sở sản xuất ở làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) tổ chức lại phương thức quản lý, đào tạo lại đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh tiêu thụ trên kênh trực tuyến để thích ứng với tình hình mới.
Đối mặt với tình hình khó khăn chung, các làng nghề truyền thống Hà Nội không trượt dốc mà đang miệt mài sáng tạo, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đầu ra.
Chính sức ép của bối cảnh mới có thể sẽ là đòn bẩy cho sự chuyển biến tích cực của các làng nghề, đặc biệt là chủ động thay đổi để thích nghi với tình hình mới, sẵn sàng đón bắt cơ hội khi thị trường hồi phục. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, chính sách đặc thù giúp các làng nghề sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.