Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn cho tới ngày nay. Hà Nội là nơi hội tụ, giao lưu, lan tỏa nghề truyền thống Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong số khoảng 5400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Riêng làng nghề gốm sứ Bát Tràng có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước với 75 nghệ nhân. Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề gồm: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết “Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Hà Nội cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Hà Nội là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế có thể nói là lớn nhất bởi vì Hà Nội từ khi xưa là Thăng Long cho đến ngày nay vẫn là Thủ đô của cả nước. Hà Nội có tiềm năng lớn về nghề thủ công của các làng nghề truyền thống.”
Sản phẩm nón làng Chuông |
Tên tuổi các làng nghề như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, Làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động… đã nổi tiếng khắp cả nước. Làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội có lịch sử lâu đời, mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam. Sản phẩm của thủ công của các làng nghề Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng hay làng cốm Mễ Trì… đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết: “Giá trị sản xuất làng nghề Hà Nội hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề, có đề án bảo tồn làng nghề. Thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề, có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống thành điểm nhấn có tên tuổi, thành những nơi đáng đến.”
Sản phẩm lụa Vạn Phúc. |
Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn.
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng từ lâu đời |
Hiệp hội làng nghề Việt Nam chọn Hà Nội thí điểm xây dựng dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cho biết: “Trung tâm giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu nhất của Hà Nội đang xây dựng được gần 1 năm và dự kiến cuối năm 2019 đưa vào khai thác. Chúng tôi thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu nhất của Hà Nội, sản phẩm của các nghệ nhân đại diện cho các làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Chúng tôi dự kiến mở ở đây từ 15 đến 20 làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Đây là mô hình điểm khi thành công chúng tôi sẽ nhân rộng sang các làng nghề khác ở Hà Nội.”
Không chỉ có thế mạnh về sản phẩm thủ công, các làng nghề Hà Nội còn mang trong mình bề dày lịch sử, văn hóa. Ở các làng nghề Hà Nội còn hội tụ các lễ hội đặc sắc, cảnh quan sinh thái tươi đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Hà Nội là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.