Đưa nông sản Việt lên sàn giao dịch điện tử

Chia sẻ
(VOV5) - Các doanh nghiệp nông sản Việt cũng đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hợp lý cho xây dựng cửa hàng trực tuyến.

Công nghệ đang là một giải pháp hữu ích để kết nối cung-cầu trên thị trường. Ứng dụng thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Là quốc gia có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD, đặc biệt là hàng nông sản thế mạnh và thị trường trên 90 triệu dân thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua con đường này.  

Nỗ lực vun trồng, chăm sóc cho ra sản phẩm đã khó, tiêu thụ sản phẩm cũng là câu chuyện không đơn giản. Ở chiều ngược lại, nhiều người tiêu dùng hay nhiều nhà phân phối cũng muốn tìm những sản phẩm an toàn để tiêu dùng, bán lẻ. Hiểu được câu chuyện đó, công nghệ đang là một giải pháp hữu hiệu để kết nối cung-cầu.

Đưa nông sản Việt lên sàn giao dịch điện tử - ảnh 1Giao diện của Sàn giao dịch điện tử nông sản Việt mang tên  azuamua.com. Ảnh: VOV5 

Sàn giao dịch điện tử nông sản Việt mang tên AZUAMUA.COM là một ví dụ. Anh Nguyễn Thế Tiệp, người sáng lập cho biết thị trường nông sản thực phẩm an toàn là thị trường luôn ổn định, rất tiềm năng và có xu hướng phát triển bền vững, gia tăng hàng năm cao, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh và xu thế chuyển đổi số hiện nay: “Nhu cầu về chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày nay không phải là ăn no mặc ấm nữa mà là phải ăn ngon mặc đẹp, ăn những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn. Do đó, AZUAMUA.COM lựa chọn lĩnh vực nông sản, thực phẩm để tham gia vào thị trường này. Với xu thế chung, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cũng như người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm của mình. Trước kia nếu như chúng ta vào siêu thị, một mặt đi mua sắm, một mặt tham quan… thì nay, trong thời điểm bệnh dịch, mọi người hạn chế ra các nơi đông người. Vì vậy, việc ra đời các sản phẩm công nghệ để phù hợp với điều kiện thực tiễn là cần thiết, phù hợp với xu thế xã hội hiện nay.”

Sàn thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc cầu nối liên kết từ nhà sản xuất với nguồn khách hàng đa dạng. Với ưu điểm giảm chi phí sản xuất, chi phí tìm kiếm khách hàng, chi phí bán hàng, chi phí tiếp thị…, sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và nhà sản xuất giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch. Đồng thời, tạo điều kiện tìm kiếm các bạn hàng mới, cơ hội kinh doanh mới. 

Chuyên gia Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Phó Trưởng khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương Mại, nhận định trong bối cảnh Covid-19, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng. Các nhà sản xuất lớn, các công ty công nghệ cũng chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng để thay đổi chuỗi cung ứng của mình: “Tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn khá lớn và Việt Nam vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở mức 2 con số là điều rất khả thi. Giai đoạn này là giai đoạn tuyệt vời cho phát triển thương mại điện tử bởi vì đây là giai đoạn mà hành vi của người tiêu dùng thay đổi nhanh. Các doanh nghiệp nếu chớp được thời cơ này để bắt theo xu hướng của hành vi mới người tiêu dùng có thể sẽ rất thuận lợi.”

Thời gian qua, người tiêu dùng đã liên tục thay đổi cách họ muốn mua sắm, đặc biệt về hành vi mua sắm trên các kênh, website Thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của công nghệ ngày càng phát triển, người tiêu dùng càng dễ dàng trong việc tìm kiếm, so sánh và mua hàng từ các trang web trực tuyến, chợ thương mại điện tử, ứng dụng di động, cửa hàng thực tế và các trang xã hội, thay vì đi theo các mô hình thương mại truyền thống. Xu thế này buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi với xu hướng này. Các doanh nghiệp nông sản Việt cũng đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hợp lý cho xây dựng cửa hàng trực tuyến, cải thiện chất lượng hình ảnh, thông tin trên các cửa hàng, đẩy mạnh tiếp thị thông qua kênh truyền thông xã hội. 

Anh Nguyễn Thế Tiệp, đại diện sàn giao dịch AZUAMUA.COM khẳng định công ty đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân, đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo: “Chúng tôi có những modul phần mềm hỗ trợ quản lý sản xuất tại farm (nông trại), qua đó giúp nâng cao năng suất chất lượng và truy xuất nguồn gốc tại farm. Sau đó, ở khâu chế biến, chúng tôi có phần mềm quản lý chế biến và tại khâu phân phối chúng tôi có phần mềm quản lý bán hàng. Có thể nói, những modul này là những công cụ để giúp cho quản lý chuỗi cung ứng thông suốt.”

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử và từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là những gì đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ ở Việt Nam như AZUAMUA.COM đang nỗ lực thực hiện. Hiện, đã có nhiều sàn thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm tươi đang hoạt động hiệu quả như Lazada, Tiki, FoodMap…Và với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Azumua.com, nông sản Việt Nam đang từng bước chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước và dần vươn ra thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu