Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu phiên họp. Ảnh: VOV |
Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu hơn 3,8 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 20,2 tỷ USD. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và những tháng còn lại của năm nay, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Thủ tướng yêu cầu củng cố và phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và quyết tâm vực dậy công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và tháo gỡ các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: VOV |
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng:
Thứ nhất, về đầu tư: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, mục tiêu quốc gia; tích cực, chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
Thứ hai, về xuất khẩu: giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, song song với tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước.
Thứ ba, về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ: cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; Chú trọng phát triển lĩnh vực văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và tăng cường công tác thông tin, truyền thông.