Xung đột Nga-Ukraine: vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Một số ý kiến lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể leo thang phức tạp hơn vì sự bế tắc trong đàm phán cùng những hành động can thiệp thiếu thiện chí từ bên ngoài.  

Bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao quốc tế đã được thúc đẩy, Nga và Ukraine vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để thực hiện việc ngừng bắn. Một số ý kiến lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể leo thang phức tạp hơn vì sự bế tắc trong đàm phán cùng những hành động can thiệp thiếu thiện chí từ bên ngoài.  

Hơn một tháng rưỡi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/2), cục diện chiến trường tại Ukraine hiện đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều dư luận mong chờ nhất là một lệnh ngừng bắn thì vẫn chưa đạt được. Sau nhiều vòng đàm phán với sự tham gia và trung gian của một số quốc gia như Thổ Nhỳ Kỳ, Belarus…, Nga và Ukraine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để ngừng bắn. Trong khi đàm phán tiếp tục bế tắc, nhiều nước phương Tây không ngừng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, đồng thời đưa thêm nhiều loại vũ khí sát thương vào chiến trường Ukraine. Thực tế này khiến dư luận lo ngại tình hình chiến sự có thể còn leo thang phức tạp hơn trong những ngày tới.  

Chiến sự leo thang

Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo chiến hạm mạnh nhất của Hạm đội Biển Đen là Soái hạm Moskva đã bị sự cố sau khi xảy ra một vụ cháy nổ kho đạn trên tàu. Trước đó, thị trưởng thành phố Odessa của Ukraine là ông Maksym Marchenko thông báo rằng cuộc tấn công bằng tên lửa Neptune của lực lượng Ukraine đã gây hư hại cho chiến hạm Nga. Tuy nhiên, chưa có nguồn tin độc lập chính thức nào xác nhận thông tin này.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 14/4, Ủy ban điều tra của Nga cáo buộc hai trực thăng chiến đấu của Ukraine đã xâm phạm không phận, tấn công các khu dân cư ở khu vực biên giới miền tây nước Nga và gây ra một số thương vong. Mặc dù phía Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này, song một số ý kiến lo ngại đây có thể là bước leo thang nguy hiểm mới trong cuộc xung đột hiện nay.

Xung đột Nga-Ukraine: vẫn chưa tìm được tiếng nói chung  - ảnh 1Kỳ hạm Moska của Hạm đội Biển Đen (Nga). Ảnh: RT

Trong bối cảnh đó, phương Tây tiếp tục tăng cường viện trợ năng lực chiến đấu cho Ukraine. Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Lầu Năm Góc sẽ gửi 800 triệu USD viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, bao gồm pháo, xe bọc thép và máy bay trực thăng. Tuần trước, Nhà Trắng cũng thông báo đã cung cấp hơn 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine từ khi chiến sự xảy ra. Các lô vũ khí cung cấp cho Ukraine bao gồm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, cùng nhiều đạn dược và áo giáp. Không chỉ có vậy, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 14/4 còn tuyên bố rằng CIA đã, đang chia sẻ thông tin tình báo giúp Ukraine .

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt cũng đã cung cấp thêm nhiều vũ khí và khí tài chiến đấu cho Ukraine trong thời gian qua, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sự hỗ trợ này. Song song với sự hỗ trợ này, phương Tây cũng đồng thời áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt bổ sung hà khắc nhằm vào Nga.

Duy trì đối thoại và thúc đẩy giải pháp ngoại giao

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phương Tây đều ủng hộ hay hành động theo hướng đi đó. Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đối thoại với Nga nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Đầu tuần này, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã có chuyến thăm đáng chú ý tới Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Áo Nehammer tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho các cuộc đàm phán Nga-Ukraine tại Istanbul do Thổ Nhỹ Kỳ bảo trợ. Trong bối cảnh phương Tây tỏ ra lúng túng và thiếu thống nhất trong chiến lược đối phó Nga, chuyến thăm của Thủ tướng Áo được nhiều nhà phân tích và một số lãnh đạo châu Âu kỳ vọng có thể giúp tạo ra cầu nối giữa Nga và Ukraine, đồng thời duy trì sự liên lạc cần thiết giữa EU và Nga.

Xung đột Nga-Ukraine: vẫn chưa tìm được tiếng nói chung  - ảnh 2Tên lửa chống tăng di động FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ảnh: AFP

Còn tại Pháp, một trong hai ứng cử viên đã lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là bà Marine Le Pen ngày 13/4 tuyên bố rằng, khi cuộc xung đột tại Ukraine kết thúc, bà sẽ đề xuất cải thiện mối quan hệ giữa NATO và Nga. Theo đó, bà  sẽ đề xuất các mối liên hệ gần gũi hơn giữa NATO và Nga và đó nên là đề xuất nối lại mối quan hệ hữu nghị chiến lược giữa hai bên.

Ngoài châu Âu, nhiều quốc gia và thực thể quốc tế cũng liên tục hối thúc các bên đối thoại xử lý khủng hoảng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 13/4 kêu gọi Nga, Ukraine và các bên liên quan duy trì và tăng cường đối thoại nhằm chấm dứt chiến sự. Tương tự, từ Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 11/4 nêu rõ đối thoại là biện pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Theo quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phương Tây nên thúc đẩy hòa bình bằng các bước đi thiết thực, thay vì cố sử dụng biện pháp trừng phạt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu