Thượng đỉnh NATO tìm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo NATO chính thức gặp nhau kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ngày 24/3, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO đã khai mạc tại Brussels, Bỉ. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hội nghị thượng đỉnh bao gồm Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 và Liên minh châu Âu (EU), có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nội dung trọng tâm của các Hội nghị lần này nhằm tìm ra giải pháp cho những leo thang căng thẳng tại Ukraine.

Đây là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo NATO chính thức gặp nhau kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Khẳng định lập trường của NATO

Tuyên bố chung của NATO sau Hội nghị nêu rõ sự đoàn kết và kiên quyết chống lại chiến dịch của Nga, viện trợ cho chính phủ và nhân dân Ukraine, cũng như bảo vệ an ninh của tất cả các đồng minh. Các nhà lãnh đạo NATO cũng đồng ý thành lập thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Hungary, Romania, và Slovakia. Điều này nâng tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO, từ biển Baltic đến biển Đen, lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO. NATO đã gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký khối liên minh quân sự này, ông Jens Stoltenberg, thêm một năm cho đến ngày 30/9/2023.

Thượng đỉnh NATO tìm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine - ảnh 1Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh tập thể trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 24/3. Ảnh: AFP

Về việc tăng khả năng phòng thủ ở sườn Đông, Tổng thư ký NATO J.Stoltenberg khẳng định NATO đã kích hoạt các nội dung phòng thủ hạt nhân, phóng xạ, sinh học và hóa học. Đồng thời, các đồng minh cũng đang tự tăng cường triển khai phòng thủ hạt nhân, sinh học và hóa học để củng cố cho các nhóm chiến đấu hiện có và mới bổ sung.

Theo Tổng thư ký Stoltenberg, NATO cũng sẽ triển khai thêm nhiều máy bay và tăng cường khả năng phòng thủ đất đối không tích hợp ở sườn Đông. Các nhóm tàu chiến, tàu ngầm với số lượng lớn cũng như các tàu chiến đấu sẽ sẵn sàng mọi lúc. Các thành viên NATO nhất trí sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và mở rộng hỗ trợ Ukraine bằng cách trang bị cho quốc gia này các thiết bị quân sự đáng kể, bao gồm hệ thống phòng không, máy bay không người lái và hệ thống phòng không xe tăng hiệu quả, cùng với hỗ trợ tài chính đáng kể.

Tuyên bố chung của tổ chức quân sự hàng đầu Châu Âu cũng khẳng định NATO đoàn kết để duy trì liên minh vững mạnh và đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, lập trường của NATO là sẽ không triển khai lực lượng ở Ukraine, mà thực hiện trách nhiệm đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa, để không gây thêm nguy hiểm và tàn phá.

Thượng đỉnh NATO tìm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine - ảnh 2Chiến sự Ukraine nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Maxar.

Thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại Ukraine

Đến nay, tròn 1 tháng Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev dù chưa đạt được thỏa thuận chấm dứt giao tranh, tuy nhiên, đã có những tiến triển nhất định. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông không còn thúc ép việc Ukraine trở thành thành viên NATO và sẵn sàng “thỏa hiệp” về tình trạng của hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận là độc lập ngay trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2. Cùng với đó, Nga và Ukraine nhất trí thiết lập 7 hành lang nhân đạo. Kể từ khi các hành lang nhân đạo được thiết lập, khoảng 300.000 dân thường đã được sơ tán khỏi khu vực chiến sự. Trong khi, theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, 3,6 triệu người Ukraine đã rời đất nước lánh nạn tại các quốc gia láng giềng.

Theo ước tính, hiện EU đã tiếp nhận số người tị nạn nhiều hơn cả số lượng của 2 năm 2015 và 2016 cộng lại, thời điểm mà xung đột ở Syria đã gây ra làn sóng người di cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi đến châu Âu. Ba Lan, Romania, Hungary và Slovakia là 4 quốc gia thành viên EU có biên giới với Ukraine về phía đông tiếp nhận số người Ukraine đi lánh nạn nhiều hơn cả. Theo Ủy viên Nội vụ EU, tất cả người tị nạn Ukraine đều được phép đi qua biên giới các nước thành viên EU. Khối này cũng đã quyết định cho phép người Ukraine đi sơ tán được làm việc, cho con em đi học, nhận nhà ở và hưởng phúc lợi xã hội một cách nhanh chóng trong khối.

Cho đến thời điểm này, dù chưa đạt được một lệnh ngừng bắn nhưng Nga và Ukraine vẫn luôn thể hiện quan điểm sẵn sàng cho các cuộc đàm phán. Thêm vào đó, việc NATO và Mỹ đều khẳng định lập trường không triển khai lực lượng ở Ukraine đã phần nào đem đến hy vọng cuộc xung đột sẽ không chìm sâu vào vòng xoáy nguy hiểm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu