Nhen hy vọng tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Dù tình hình chiến sự vẫn rất đáng lo ngại nhưng vài ngày qua trên mặt trận ngoại giao đã có những chỉ dấu cho thấy Nga và Ukraine muốn thoát khỏi cuộc xung đột. 

Nga và Ukraine đang tiến hành vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến sau 3 vòng đàm phán trực tiếp. Dù chưa đạt được một lệnh ngừng bắn, rút quân, nhưng việc hai bên liên tục đàm phán, đồng thời phát đi một số tuyên bố tích cực, đã làm nhen lên hy vọng tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng Moscow - Kiev.

Nhen hy vọng tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine - ảnh 1Nga-Ukraine bước vào vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến trong ngày 14/3. Nguồn: TASS

Trước thềm vòng đàm phán mới bắt đầu ngày 14/3 cố vấn của tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết mục tiêu của vòng đàm phán lần này là tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, rút quân và đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, hai bên vẫn đang tiếp tục làm việc khẩn trương để làm rõ các định nghĩa chung.

Đây là vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Ba cuộc đàm phán trước đó được tổ chức tại Belarus theo hình thức trực tiếp. Ngoại trưởng hai nước cũng gặp nhau hôm 10/3 để tìm giải pháp tháo gỡ xung đột.

Nhen hy vọng tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine - ảnh 2Ông Mykhailo Podolyak đăng ảnh về cuộc đàm phán trực tuyến giữa các quan chức Ukraine với các quan chức Nga ngày 14/3. Ảnh: Twitter ông Mykhailo Podolyak

Thực tế trên thực địa và lập trường của các bên

Trong các cuộc xung đột gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những cuộc xung đột khó đoán định nhất bởi thông tin bị nhiễu loạn và khó kiểm chứng từ cả hai phía. Sở dĩ có tình trạng trên vì cùng diễn biến giao tranh ác liệt trên chiến trường thì cả hai phía, một bên là Nga và bên kia là Ukraine, Mỹ và phương Tây, cũng đang ra sức tiến hành cuộc chiến truyền thông. Tuy nhiên, sự thật không thể phủ nhận là cả hai phía đều có tổn thất và thương vong.

Bởi vậy, dư luận thực sự lo lắng khi các cuộc đàm phán vừa qua chưa tạo được bất kỳ bước đột phá thực chất nào ngoài một số thỏa thuận ngừng bắn giúp mở hành lang nhân đạo và sơ tán người dân Ukraine.

Theo các chuyên gia nhận định, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả đàm phán. Thứ nhất, đó là lập trường của các bên liên quan còn khác xa nhau. Nga kiên quyết nước này chỉ dừng chiến dịch khi Ukraine sửa hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, không gia nhập bất cứ liên minh nào, thừa nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa do lực lượng ly khai lập ra ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Ukraine cho rằng đây là "tối hậu thư" buộc họ "đầu hàng", Ukraine chỉ chấp nhận đàm phán khi không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết" nào. Cùng với đó, trong nội bộ mỗi nước, ý chí của lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Putin được 71% người dân Nga ủng hộ, còn ông Zelensky được sự ủng hộ của trên 90% dân Ukraine. Cuối cùng, bối cảnh khu vực và quốc tế, ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây cũng làm cho chiến sự khó hạ nhiệt.

Tuy nhiên, dù lập trường còn khác xa nhau nhưng giờ đây, các bên trong cuộc xung đột đều gánh chịu thiệt hại ở những mức độ khác nhau, đều mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này thông qua thương lượng và đàm phán tích cực ở mọi cấp. Việc hai bên liên tiếp đàm phán chính là minh chứng cho điều này.

Những thông điệp tích cực

Dù tình hình chiến sự vẫn rất đáng lo ngại nhưng vài ngày qua trên mặt trận ngoại giao đã có những chỉ dấu cho thấy Nga và Ukraine muốn thoát khỏi cuộc xung đột. Nếu khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mục tiêu chính là "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" Ukraine, thì nay trong các thông điệp gần nhất, điện Kremli tuyên bố Tổng thống V.Putin không quan tâm đến việc thay đổi chính quyền Kiev. Điều này cho thấy Moscow chưa hẳn muốn kéo dài chiến sự.

Ở chiều ngược lại, phía Ukraine cũng đưa ra những tín hiệu sẵn sàng đối thoại với Nga về những vấn đề nhạy cảm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dù khẳng định không đầu hàng, nhưng ông cho biết Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga về tình trạng Crimea, khu vực ly khai và khả năng không gia nhập NATO. Ông Zelensky tuyên bố cách duy nhất để thoát khỏi chiến sự là lãnh đạo cao nhất của hai bên phải cùng ngồi đàm phán. 

Rõ ràng, theo các nhà phân tích, lập trường của hai bên đều đã có sự thay đổi theo chiều hướng thực tế hơn. Điều lý tưởng nhất mà cộng đồng quốc tế hy vọng là các bên đạt được giải pháp thông qua thương lượng. Các điều kiện đưa ra được các bên lắng nghe và đáp ứng, tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn được thiết lập và thực thi trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu