Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine: còn nhiều thách thức và cần nhiều nỗ lực

Bá Thi
Chia sẻ

(VOV5) - Một tuần sau tuyên bố rút quân của Nga khỏi một số khu vực biên giới với Ukraine, không khí căng thẳng vẫn bao trùm dọc tuyến biên giới giữa hai quốc gia láng giềng từng cùng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Thực tế này cho thấy để có thể hạ nhiệt căng thẳng và đi đến giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng, tất cả các bên cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua những thách thức hiện hữu.   

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Động thái ngay lập tức vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ của cả Ukraine và phương Tây. Bầu không khí căng thẳng vốn chưa hề lắng dịu tại các khu vực biên giới Nga-Ukraine trong suốt 4 tháng qua, tiếp tục bị đẩy cao lên.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine: còn nhiều thách thức và cần nhiều nỗ lực - ảnh 1 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đi thăm lực lượng quân đội đang đóng quân ở khu vực xung đột Donbass. Ảnh: REUTERS

Phương Tây gia tăng áp lực với Nga

Phản ứng trước động thái của Nga, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới về thương mại và tài chính đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine mà Nga đã quyết định công nhận độc lập. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ đáp trả một cách nhanh chóng và dứt khoát, cùng với các đồng minh và đối tác của mình.

Cùng ngày, tại các điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo phản ứng với quyết định của Nga công nhận hai khu vực Donetsk và Luhansk, đồng thời thảo luận về cách mà phương Tây sẽ tiếp tục điều phối phản ứng trong các bước đi tiếp theo. Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cáo buộc rằng hành động của Nga vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Moscow ký kết.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, Mỹ và các đồng minh còn đề nghị tiến hành cuộc họp bất thường Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để thảo luận việc Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở Ukraine.

Theo các nhà phân tích quốc tế, các phản ứng tức thì và quyết liệt của phương Tây cho thấy sức ép lên nước Nga sẽ còn tiếp tục gia tăng. Đáng lo ngại hơn, những động thái này đang làm lu mờ một số tín hiệu tích cực mà các hoạt động ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã mang lại trong thời gian qua. Trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bước đầu đã thuyết phục được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga chấp thuận đề xuất tiến hành cuộc hội đàm thượng đỉnh để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Nhưng giờ đây, nhiệm vụ hạ nhiệt căng thẳng càng trở nên thách thức và khó khăn hơn.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine: còn nhiều thách thức và cần nhiều nỗ lực - ảnh 2 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 14/2/2022. Ông kêu gọi các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Xinhua

Cần nhiều nỗ lực và duy trì đối thoại

Trong tuyên bố mới nhất phản ứng về diễn biến này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ, Tổng thư ký Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan tập trung nỗ lực vào việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, ngăn chặn tất cả các hành động có thể làm leo thang căng thẳng ở Ukraine, đồng thời ưu tiên thúc đẩy các kênh ngoại giao để xử lý vấn đề một cách hòa bình. Trước đó, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng lên tiếng kêu gọi các bên tiếp tục duy trì đối thoại và tiếp xúc ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.

Về phần mình, giới chức Nga cũng khẳng định tiếp tục theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề. Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo sẽ vẫn gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 24/2 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) như kế hoạch đã định.

Nhiều nhà phân tích có chung nhận định rằng, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, đều không có lợi cho hòa bình và sự ổn định của cả khu vực và thế giới. Với thực tế hiện nay, đối thoại vẫn là biện pháp duy nhất và tốt nhất để xử lý cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu