Khủng hoảng Nga-Ukraine: Kiên trì nỗ lực tái lập sự ổn định

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp tại Belarus nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến sự cùng các vấn đề liên quan khác.

Bất chấp tình hình chiến sự vẫn tiếp diễn, các nỗ lực ngoại giao kiên trì nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine vẫn liên tục được thúc đẩy. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế khẳng định, đối thoại và tiếp xúc ngoại giao vẫn là con đường tốt nhất để chấm dứt bạo lực, tái lập hòa bình tại Ukraine.

Ngày 28/2, Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp tại Belarus nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến sự cùng các vấn đề liên quan khác. Đây được coi là nỗ lực lực đáng chú ý nhất mở ra hy vọng sớm hạ nhiệt các cuộc giao tranh kéo dài một tuần qua tại Ukraine, tạo điều kiện cho các bên thúc đẩy giải pháp chính trị.

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Kiên trì nỗ lực tái lập sự ổn định - ảnh 1Khủng hoảng Nga-Ukraine: Kiên trì nỗ lực tái lập sự ổn định

Đối thoại Belarus được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt

Cuộc đối thoại tại thành phố Gomel nằm cách biên giới Belarus-Ukraine khoảng vài km, là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Ukraine, bao gồm việc tấn công hàng loạt thành phố chiến lược, trong đó có thủ đô Kiev. Giao tranh ác liệt được ghi nhận tại nhiều khu vực khác nhau với con số thương vong ngày càng tăng. Một ngày trước khi đối thoại diễn ra, biên giới Belarus-Ukrainera lệnh sẵn sàng chiến đấu ở mức cao đối với lực lượng răn đe của nước này, trong đó có lực lượng hạt nhân chiến lược.

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Kiên trì nỗ lực tái lập sự ổn định - ảnh 2Đoàn đàm phán của Ukraine tới địa điểm đàm phán bằng trực thăng. Ảnh: TASS

Phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga, các nước phương Tây liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Moscow, bao việc phong tỏa tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin, dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và châu Âu, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu). Liên minh châu ÂU (EU) cũng áp đặt lệnh cấm bay đến Nga, trong khi Ukraine đệ đơn kiện lên tòa án Công lý quốc tế ở The Hague (Hà Lan). Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tiếp tăng cường nhân lực và khí tài chiến đấu đến khu vực sườn Đông của tổ chức này, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ vũ khí cho các lực lượng Ukraine. Trong đó, ngày 27/2 vừa qua, EU thông báo quyết định chi 500 triệu USD để các nước thành viên mua và chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Với bối cảnh căng thẳng này, cuộc đàm phán tại Belarus ngày 28/2 dù chưa đạt được kết quả cụ thể nào về chấm dứt chiến sự, song vẫn được xem là một tín hiệu tích cực khi hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại trong thời gian tới nhằm tìm ra giải pháp. Dự kiến, lần đàm phán tiếp theo sẽ sớm được tổ chức tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan.  

Cộng đồng quốc tế mong muốn chấm dứt chiến sự, đem lại ổn định cho Ukraine

Cùng ngày đàm phán Nga-Ukraine diễn ra tại Belarus, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành phiên họp bất thường đặc biệt về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các bên lập tức chấm dứt chiến sự, tiến hành đàm phán và đảm bảo an toàn cho người dân. Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hối thúc các bên trong cuộc xung đột tại Ukraine giảm leo thang và kiềm chế. Người phát ngôn này nêu rõ, Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giảm leo thang tình hình cũng như xử lý cuộc khủng hoảng về mặt chính trị. Trước đó, trong một phát biểu đặc biệt hôm 27/2 từ Vatican, Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi chấm dứt chiến sự và tái lập hòa bình tại Ukraine. Giáo hoàng kêu gọi người dân toàn thế giới cùng cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 2/3.  

Chấm dứt chiến sự và tạo sự ổn định cho Ukraine cũng chính là khẩu hiệu nổi bật trong hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra tại cả Mỹ và châu Âu những ngày qua. Nhiều chính khách và học giả trực tiếp tham gia, ủng hộ các cuộc biểu tình có chung khuyến cáo rằng, đối thoại và đàm phán ngoại giao vẫn là con đường đúng đắn và tốt nhất để chấm dứt chiến sự, giải quyết khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu