Chiến sự tiếp diễn tại Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục bị đẩy lên cao. Trong đó, phương Tây liên tiếp đưa ra cáo buộc mới nhằm vào Nga, đồng thời áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt bổ sung. Về phần mình, Nga vẫn thể hiện lập trường cứng rắn, nhưng khẳng định cánh cửa đối thoại luôn rộng mở.
Ngay sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng tại miền Đông Ukraine hôm 22/2 và phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay đối với Moscow. Mới nhất là loạt biện pháp trừng phạt liên quan đến cáo buộc quân đội Nga giết hại dân thường ở thị trấn Bucha, phía Tây Bắc thủ đô Kiev của Ukraine hồi đầu tháng này, dù Moscow nhiều lần bác bỏ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phương Tây gia tăng trừng phạt và gây áp lực lên Nga
Bất chấp giải thích của Nga về cáo buộc giết hại dân thường ở thị trấn Bucha là do chiến dịch truyền thông thù địch tung tin giả chống Moscow thực hiện, trong tuần đầu tiên của tháng 4, hàng loạt quốc gia châu Âu đã ra lệnh trục xuất gần 150 nhà ngoại giao Nga ra khỏi lãnh thổ của mình. Trong đó, ngày 5/4, Italy, Tây Ban Nha và Đan Mạch trục xuất 70 nhà ngoại giao Nga. Một ngày trước đó (hôm 4/4), Đức ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao và Pháp trục xuất 40 đại diện ngoại giao của Nga.
Trên thực tế, phương Tây bắt đầu trục xuất nhà ngoại giao Nga từ trước khi có cáo buộc về Bucha. Cụ thể, các nước Bỉ, Hà Lan và Ireland đã trục xuất 40 nhân viên Bộ Ngoại giao Nga hôm 29/3. Sớm hơn nữa, ngày 3/3, Ba Lan đã trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp, đồng thời đóng băng tài khoản của đại sứ quán Nga, động thái bị Moscow cáo buộc là vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Việc trục xuất đại diện ngoại giao Nga của các nước châu Âu thực tế là sự bổ sung các biện pháp trừng phạt mà phương Tây tiến hành chống Moscow từ ngày 24/2 khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ước tính đến cuối tháng 3 vừa qua, phương Tây đã áp đặt tổng cộng hơn 5 nghìn biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, khiến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới tính đến thời điểm này.
Không chỉ có vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 6/4 còn tuyên bố NATO sẽ hoan nghênh hai nước trung lập Phần Lan và Thụy Điển nếu họ quyết định xin gia nhập tổ chức này. Đây được xem là tuyên bố có tính chất gây gia tăng xung đột với Nga vì Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga và nước này đã trở thành nước trung lập từ năm 1948 thông qua hiệp ước hữu nghị ký với Liên Xô (nay là Nga).
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS |
Hành động của Nga và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng của một số nước phương Tây
Trước áp lực liên tiếp từ phương Tây, Chính phủ Nga tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn và thống nhất. Trả lời kênh truyền hình Pháp LCI ngày 6/4, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Moscow không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao, nếu các nước phương Tây tiếp tục trục xuất nhà ngoại giao Nga. Ông Dmitry Peskov mô tả các hành động của phương Tây nhằm vào Nga thời gian qua là “hành động thù địch”, nhấn mạnh rằng các hành động đó “đe dọa việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao”. Mặc dù vậy, Phát ngôn viên Điện Kremlin cũng đồng thời khẳng định rằng việc duy trì quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, là cần thiết.
Theo giới phân tích quốc tế, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao Nga-phương Tây là diễn biến nguy hiểm vì hệ lụy của nó là rất phức tạp và khó lường, hoàn toàn không có lợi cho cục diện ổn định toàn cầu. Do đó, một số quốc gia thành viên NATO, điển hình là Thổ Nhỹ Kỳ và Hungary, đang tích cực đóng vai trò cầu nối xử lý khủng hoảng, giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Theo đó, Thổ Nhỹ Kỳ đã đứng ra làm trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul hôm 29/3 vừa qua và hiện đang tiếp tục nỗ lực cho vai trò này. Trong khi đó, với tư cách là thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO, Hungary mới đây đã đề xuất tổ chức cuộc họp 4 bên gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine tại Pudapest để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu khác cũng vẫn đang tiếp tục duy trì đối thoại và hợp tác kinh tế với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bất chấp áp lực từ một số quốc gia khác. Có thể thấy, việc áp đặt trừng phạt hay đẩy cao căng thẳng hoàn toàn không thể lấn át nhu cầu hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.