Người Việt ở Đức hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang lánh nạn: Trong hoạn nạn càng ấm tình người

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Bây giờ việc tiếp theo hơi khó một chút là cần phải có những người bảo lãnh - bảo lãnh ở đây là bảo lãnh công ăn việc làm và chỗ ở"
Trong số các nước tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine do tình hình chiến sự, thì CHLB Đức là điểm tạm lánh được đa số người Việt tìm đến. Đại sứ quán cũng như cộng đồng người Việt tại CHLB Đức đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người Việt từ Ukraine đến nơi này. Khác với hoạt động tập trung như ở một số nước khác, tại CHLB Đức có rất nhiều các nhóm nhỏ hoạt động thiện nguyện, kết nối với nhau theo địa phương cư trú. Đây là những thông tin được chị Võ Thiên Nga, kinh doanh và cũng làm báo tự do tại Dresden, CHLB Đức cho biết trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV5.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
Người Việt ở Đức hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang lánh nạn: Trong hoạn nạn càng ấm tình người - ảnh 1Chị Võ Thiên Nga
PV: Xin chào chị Võ Thiên Nga! Là một người mà cũng tham gia làm báo cho cộng đồng người Việt Nam tại Đức, hẳn là chị cũng nắm được nhiều thông tin về tình hình người Việt tại đây. Xin chị cho biết hoạt động hỗ trợ người Việt từ Ukraine đến Dresden nói riêng và đến nước Đức nói chung thì được bắt đầu từ khi nào và như thế nào?
Chị Võ Thiên Nga: Xin kính chào thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời gian vừa qua khi chiến sự xảy ra, ở Đức ngay lập tức các hội đoàn và cá nhân cũng như Đại sứ quán Việt Nam đều cùng chung tay. Họ đều hướng dẫn cho bà con làm thế nào có thể sang được Đức một cách an toàn, theo con đường nào và các thiện nguyện viên thì có thể đón họ ở đâu. Rất nhiều trang mạng hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang và họ hướng dẫn rất cụ thể, trong đó có danh sách tên tuổi những người thiện nguyện viên, điện thoại rất đầy đủ. Trong đấy người ta có thể liên kết từ hội này sang hội khác vì ngày nay internet có thể giúp chúng ta làm việc đấy rất đơn giản.
Ở Đức đúng là có nhiều hội nhóm, các hội tôn giáo hoạt động rất tích cực, ví dụ như hội tin lành, hội công giáo hoặc là hội của những Phật tử các chùa chẳng hạn, cũng có những nhóm hỗ trợ người Việt ở từng thành phố, chủ yếu người ta lấy tên của từng bang hoặc từng thành phố, ở trên các trang như là hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang Dresden chẳng hạn, hoặc là Berlin hoặc là Franfurk ... như thế để người muốn được giúp đỡ người ta có thể phân biệt được dễ dàng hơn.
Đại sứ quán cũng đến các vùng có bà con mình đến đông, như những trại tiếp nhận đầu tiên là ở Berlin chẳng hạn rất đông người Việt, sứ quán cũng có xuống thăm hỏi và giải thích cho bà con. Còn nếu ai muốn về hoặc mất giấy tờ thì liên lạc với đại sứ quán.
PV: Riêng về những hoạt động thiện nguyện chính của các chị đã thực hiện tại Dresden thì như thế nào?
Chị Võ Thiên Nga: Lúc ban đầu mấy chị em làm cũng không thành lập nhóm vì lúc đấy ít người đến. Sau này người Việt đến thành phố nhiều hơn, tôi mới lập ra một nhóm hỗ trợ người Việt từ Ukraine đến thành phố Dresden và đặt  tên là Mái ấm tình thương. Rất nhiều anh chị em chung tay giúp đỡ, trong đó anh Hoàng Thanh An thì tiếp xúc với thành phố, nhận tin tức từ thành phố, chị Nguyễn Thị Lương phụ trách về vấn đề chung về hậu cần, giúp đỡ bà con về y tế hoặc là giao tiếp với bà con ở trong trại - nhưng vì trại thì có nhiều nơi nên bà con cần cái gì lại gọi cho người này người khác, nên cũng không tập trung vào một nơi, nhưng phân công chính là như thế. Còn tôi thì phụ trách điều tiết, mọi người hỏi han gì, cần gì ở đâu thì mình kết nối cho họ. Người thì nấu ăn như gia đình chị Dung Hùng, nấu ăn để mời bà con...Hoặc một số người nữa đi dịch, đặc biệt có em An là người đầu tiên đón những người Việt từ Ukraine sang, không quen biết gì cả nhưng mà đã đưa các bạn về nhà ăn ở một thời gian và giúp đỡ rất nhiệt tình...  Tóm lại rất nhiều thành viên  nên cũng không thể kể hết được.
Chúng tôi có viết tâm thư kêu gọi bà con giúp đỡ, nhiều người giúp về thực phẩm, người thì quần áo, giầy dép, người thì giúp tiền. Nói chung cũng có một số tiền không nhiều lắm, nhưng mà tạm thời có một số tài chính nho nhỏ có thể tiếp tục giúp đỡ bà con. Nhưng ban đầu thì ví dụ như nấu ăn mọi người cũng bỏ tiền túi ra thôi.
PV: Vâng có thể thấy là hết những khó khăn do dịch bệnh covid 19 gây ra rồi lại đến tình hình chiến sự, nhưng càng trong những khó khăn ấy dường như lại càng thấy sáng hơn tình cảm giữa người Việt với nhau, cái nghĩa đồng bào, cái sự đùm bọc trong hoạn nạn?
Chị Võ Thiên Nga: Người Việt ở đâu thì cũng rất bận rộn. Nhưng khi có việc cần người ta vẫn tìm cách sắp xếp để dành thời gian giúp đỡ người khác. Lúc ban đầu mọi người đến thực sự rất là thương vì người ta đi một quãng đường rất dài, có khi 3 - 4 ngày, có khi cả tuần mới đến nơi. Mọi người thường lắm. Mời ăn ở hoặc là đưa ra trại nghỉ ngơi, ngày hôm sau lại đón mọi người ra ăn cơm.
Có một gia đình mang theo 3 con chó. Người đi đã khó, còn mang theo chó nữa, mà đi tàu với quãng đường rất dài như thế. Và khi vào trại thì người chỉ làm thủ tục khoảng 20 phút thôi, nhưng mà riêng 3 chú chó này phải mất hơn hai tiếng đồng hồ. Trời rất lạnh phải đứng ngoài đường cả người đi dịch lẫn người nhập trại cũng như ba chú chó cưng. Đấy là một ấn tượng rất đặc biệt.
Thực ra nói đến chuyện đón người Việt ở Ukraine sang thì có rất nhiều tình tiết và rất nhiều cảm xúc. Bởi vì họ phải bỏ lại tất cả những gì thân thuộc nhất, đáng kể là gần như tài sản, môi trường cuộc sống gắn bó rất lâu và chạy loạn như thế. Gần như ai cũng cũng cảm thương. Cho nên khi họ đến, ngoài tình cảm của người đồng hương thì rất đặc biệt ở chỗ cũng cảm thông với những mất mát của họ, nên mọi người dốc lòng giúp đỡ. Mặc dù hiện tại ở châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng thì tình hình giá cả, xăng dầu... tất cả tăng rất cao. Mọi thứ rất khó khăn vì đã hơn hai năm rồi dịch bệnh như thế. Tuy nhiên mọi người gần như đã quên hết những việc ấy đi để giúp đỡ bà con, rất mong muốn cho bà con được ổn định cuộc sống ở Đức.
PV: Với quan sát của chị cũng như với kinh nghiệm của người đang thực hiện công việc thiện nguyện này thì chị thấy vấn đề sắp tới người Việt từ Ukraina sang Đức lánh nạn sẽ cần phải quan tâm tới điều gì?
Chị Võ Thiên Nga: Bây giờ việc tiếp theo hơi khó một chút là cần phải có những người bảo lãnh - bảo lãnh ở đây là bảo lãnh công ăn việc làm và chỗ ở, thì họ mới có thể nhanh chóng có việc làm, ổn định được. Những cái đấy cần thời gian.
Luật lần này gọi là Luật 24 - tị nạn chiến tranh hay Luật khẩn cấp, họ sẽ cấp giấy tờ cho phải có được định danh. Sau đấy nếu muốn nhanh thì phải có người bảo lãnh - họ đến Sở Ngoại kiều báo sẽ làm được nhanh hơn là cứ ngồi trong trại chờ. Bởi vì rất đông người Ukraine sang, mỗi một ngày đã mười mấy ngàn người, hàng chục chuyến tàu.
Bà con có nhiều người cũng chưa hiểu hết vấn đề. Ví dụ như những người làm thiện nguyện như bọn tôi tìm được những nơi ở có thể là tạm ổn nhưng lại xa thành phố. Bản thân người Việt ở Đức, hay người Đức nói chung bây giờ đi thuê nhà ở thành phố đã rất khó khăn. Nhưng bà con thì lại có mong muốn là người Việt quen biết được ở gần nhau hoặc là ở thành phố để tiện công việc làm ăn cũng như con cái đi học hành. Mong muốn ấy cũng chính đáng thôi. Nhưng mà  sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn chị Võ Thiên Nga về cuộc trò chuyện này

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu