Việt Nam nỗ lực, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Các Bộ, ngành, địa phương và ngư dân Việt Nam quyết tâm hành động để thực hiện khuyến nghị IUU của EC và hướng đến một nghề cá phát triển bền vững.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU - Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).  Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn gỡ “thẻ vàng” IUU phải tăng cường tuyên truyền giải quyết được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời thực hiện các giải pháp nuôi biển, phát triển nghề cá bền vững.

Việt Nam nỗ lực, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU - ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Kiên Giang trong chuyến đi kiểm tra tình hình thực hiện khuyến nghị của EC tại Kiên Giang ngày 26/6 mới đây. Ảnh: VOV

Quyết tâm cao khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC để thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng”, các địa phương ven biển của Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động theo Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó tập trung vào quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.

Nỗ lực từ phía các địa phương

Với số lượng tàu cá (9.800 chiếc) lớn nhất cả nước, tỉnh Kiên Giang đã phát hành thư kêu gọi các chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn, tích cực hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của EC.

Tại hai cảng cá trên địa bàn, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, kiên quyết không cho tàu tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo các giấy tờ quy định, thiết bị giám sát hành trình. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân. Đây được xem là một trong những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trợ lực để ngư dân vươn khơi bám biển.

Phát biểu tại Kiên Giang trong chuyến đi kiểm tra tình hình thực hiện khuyến nghị của EC tại Kiên Giang ngày 26/6 mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá: Tôi rất chia sẻ với địa phương đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Nhưng tôi mong muốn các đồng chí và bà con còn thời gian khoảng 3 tháng nữa để phấn đấu từ đây đến đó không có tàu nào bị nước ngoài bắt nữa. Các địa phương cùng cố gắng làm việc này thì khả năng sẽ gỡ được thẻ vàng”. 

Tại Bến Tre, Chi cục Thủy sản của địa phương đã và đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi 24/24 giờ hệ  thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá trong tỉnh, thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền, để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay số lượng tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.631 tàu, đạt 95% kế hoạch, số 5% còn lại chưa lắp thiết bị giám sát hành trình là tàu cá nằm bờ, không hoạt động.

Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh đã thành lập 3 chốt liên ngành trên biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá, triển khai các đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU:“Xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo khuyến cáo của EC, Sở cũng đã chỉ đạo thanh tra đột xuất các cảng cá, cơ sở thu mua chế biến khi có kết luận sơ bộ sẽ tham mưu tỉnh sớm báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn. Sở cũng đã tham mưu tỉnh kiện toàn lại các Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp không khai báo, đến nay tỉnh đã bổ sung thêm các trạm bờ để theo dõi tàu thuyền khai thác trên biển”.

Tuyên truyền thay đổi nhận thức về khai thác hải sản bền vững

Trong đợt cao điểm ra quân phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng tuyến biển của tỉnh Thanh Hoá phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức hàng trăm buổi ra quân tuyên truyền, kiểm tra các tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ. Hoạt động này góp phần thay đổi nhận thức khai thác hải sản của ngư dân. Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Hải Thanh, Thị xã Nghi Sơn, cho hay: “Trong những năm qua, lực lượng biên phòng, Ban quản lý cảng cá đã phối hợp rất tốt với phường, đến từng gia đình chủ nghề, từng thuyền trưởng, từng tàu thuyền để tổ chức tuyên truyền động viên bà con thực hiện IUU một cách triệt để nhất. Trong thời gian cao điểm, tàu thuyền phường Hải Thanh chúng tôi đều cam kết không đánh bắt bất hợp pháp”.

Việt Nam nỗ lực, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: VOV

Mới đây trong buổi làm việc với các đơn vị trong ngành thủy sản về thúc đẩy kế hoạch chống khai thác IUU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc nuôi biển và nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác hải sản bền vững trong việc thực hiện khuyến nghị IUU.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc phát triển nuôi biển là để hướng đến giảm đánh bắt, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, phải kiên trì trong tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân về nuôi biển và bảo vệ tài nguyên thủy hải sản, khai thác bền vững tài nguyên của biển. Đồng thời tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến thức trong chuyển đổi nghề và vai trò của nuôi biển trong giải quyết vấn đề khai thác IUU cho ngư dân: “Phải kiên trì truyền thông nâng cao nhận thức để thay đổi từ chính nông dân, ngư dân. Cách tiếp cận bây giờ từ dưới lên trên, muốn làm được điều này thì chính quyền, ngành chuyên môn, Chi cục Thủy sản ở địa phương, phải nâng cao nhận thức, phát huy tính năng động từ cộng đồng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức ngay từ ngư dân, nông dân”.

Dự kiến, tháng 10 năm nay, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Lần kiểm tra tới đây có tính chất rất quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương và ngư dân, những người đang trực tiếp khai thác, đánh bắt hằng ngày trên vùng biển Việt Nam, đã và đang quyết tâm hành động để thực hiện khuyến nghị IUU của EC và hướng đến một nghề cá phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu