Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Dự án 8 là một dự án chuyên biệt về giới, thúc đẩy và đảm bảo phụ nữ các dân tộc tại Việt Nam được tiếp cận và thụ hưởng các thành quả trong quá trình phát triển.

Thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án tập trung vào vấn đề thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS. Trong đó, dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) là một trong những dự án đặc biệt.

Ngày 14/10/2021, Chính phủ chính thức phê duyệt Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là 1 trong 10 dự án lớn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án đang được thực hiện tại 50 tỉnh, thành phố.

Dự án 8 - Dự án chuyên biệt về giới đầu tiên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Dự án 8 là một dự án chuyên biệt về giới, thúc đẩy và đảm bảo phụ nữ các dân tộc tại Việt Nam được tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội và thành quả như nhau trong quá trình phát triển, đặc biệt giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ DTTS trong Chương trình Mục tiêu quốc gia. Đây là lần đầu tiên có một dự án riêng biệt, đặc thù về giới được Quốc hội thông qua và được Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện với một quy mô và nguồn lực đầu tư rất lớn. Về đối tượng thụ hưởng cụ thể của dự án, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban điều hành Dự án 8, cho biết: “Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái là người đồng bào DTTS ở các xã và thôn đặc biệt khó khăn, trong đó, đặc biệt ưu tiên trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngoài ra còn có các nạn nhân của nạn mua bán người, bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, phụ nữ di cư, phụ nữ lao động không an toàn hay phụ nữ lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật… Đây là những nhóm đối tượng rất cần có sự quan tâm, chăm lo cụ thể và có những cơ chế chính sách chuyên biệt để hỗ trợ, giúp đỡ họ có những điều kiện và môi trường phát triển tốt nhất”.

Dự án đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án 8 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động, mô hình khác được lồng ghép giới một cách hiệu quả và bền vững tại vùng đồng bào DTTS nói chung, cũng như tạo cơ hội để phụ nữ và trẻ em DTTS nói riêng, tiếp cận và tham gia chương trình. Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết: “Chúng tôi còn có những chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cấp vốn tạo sinh kế cho chị em phụ nữ, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Qua những hoạt động này, chị em phụ nữ không chỉ phát triển kinh tế mà còn có thể giao lưu, có những nhận thức tốt hơn về quyền của mình”.

Chuyển biến tích cực từ các chương trình về bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vùng đồng bào DTTS và miền núi có dân số chiếm 14,3% dân số cả nước. Những năm qua, với những chính sách và hành động cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS. Nổi bật là tỷ lệ cán bộ, công chức nữ trong đó có cán bộ, công chức nữ là người dân tộc thiểu số tham gia trong khu vực công tại các địa phương ngày càng tăng. Theo số liệu của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tính đến năm 2023, trong các vùng kinh tế - xã hội, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị cao nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đến vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng với việc thực hiệu Luật Bình đẳng giới phần nào đã đem đến những quyền lợi và cơ hội mới cho phụ nữ, trẻ em gái DTTS. Chị Sùng Y Thanh, dân tộc Mông, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Ngày xưa, các bà, các mẹ chỉ ở nhà chăm con, làm nương rẫy. Nhưng bây giờ, nhiều phụ nữ đã có nghề riêng, bản thân tôi đã tự chủ tài chính. Gia đình tôi rất bình đẳng”.

Em A Râl Thị Hương My, dân tộc Gia Rai, học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi đã cho em biết thêm nhiều kiến thức, giúp em thay đổi suy nghĩ về những tập tục lạc hậu, như: hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Ở tuổi chúng em phải được đi học, không phải lấy chồng”.

Bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, là mục tiêu phát triển của Việt Nam. Cùng với các chương trình hành động, chiến lược quốc gia liên quan đến bình đẳng giới, Dự án 8 đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thực hiện tại các địa phương sẽ góp phần để Việt Nam hoàn thành mục tiêu này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu