Xuất phát từ hàng loạt vấn đề phức tạp và kéo dài, thế giới trong năm 2022 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Bên cạnh những tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc cũng như hàng loạt điểm nóng trên hầu khắp các châu lục, tiếp tục là những trở ngại lớn cần vượt qua để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ quan ngại rằng tình hình toàn cầu hiện nay đang trở nên hỗn loạn và khó dự đoán hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Và trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy, cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc đang gia tăng trong năm 2022. Trong khi đó, hàng loạt điểm nóng mới xuất hiện hoặc tiếp tục diễn biến phức tạp tại hầu khắp các khu vực, tạo thêm thách thức cho các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/01/2022. Ảnh: AP/ Robert Bumsted |
Một năm nhiều thách thức với nhiều điểm nóng
Không chỉ còn là dự báo, quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có thêm những diễn biến không có lợi cho việc hạ nhiệt căng thẳng ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022. Hai bên áp đặt các lệnh cấm bay qua lại với nhau, đồng thời tiến hành nhiều động thái trên thực địa liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đài Bắc-Trung Hoa…, bổ sung thêm vào hàng loạt “hồ sơ nóng” đang tồn tại giữa hai bên trên hầu hết các mặt trận, từ tranh chấp thương mại, tranh cãi nhân quyền, cho đến cáo buộc tấn công mạng…
Sát cạnh Trung Quốc, cục diện trên bán đảo Triều Tiên cũng đang diễn biến căng thẳng sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên kéo dài từ năm ngoái đến đầu năm nay. Tại châu Âu, lo ngại an ninh liên quan tới một số quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết như Ukraine, Armenia, Kazakstan…, vẫn chưa được hóa giải.
Nga và phương Tây liên tiếp đưa ra những cảnh báo cứng rắn nhằm vào nhau, đẩy cao bầu không khí đối đầu. Còn tại châu Phi, trong khi hàng loạt điểm nóng cố hữu như Mali, Yemen, Lybia, Sudan, Nam Sudan… còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì lại vừa bùng phát thêm điểm nóng mới là Burkina Faso. Ngày 24/1, quân đội nước này bất ngờ bắt giữ Tổng thống và tuyên bố đình chỉ Hiến pháp.
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Ảnh: GettyImages |
Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, tạo thêm thách thức và áp lực đối với nỗ lực khôi phục kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bước sang năm thứ 3, đại dịch chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ sớm kết thúc. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/1 cảnh báo Omicron không phải là điểm kết thúc của Covid-19, nhấn mạnh rằng "nguy cơ xuất hiện những chủng virus Sars-CoV-2 lây lan mạnh hơn và có độc tính cao hơn vẫn rất thực tế".
Đối thoại và hợp tác vì một thế giới tốt đẹp hơn
Theo giới phân tích, với hàng loạt thách thức nghiêm trọng đó, thế giới cần nỗ lực nhiều hơn trong năm 2022 để vượt qua và hướng tới một cục diện hòa bình, thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, đối thoại và hợp tác thực chất vẫn được đánh giá là chìa khóa để xử lý khủng hoảng.
Ngày 21/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã hối thúc Mỹ và Trung Quốc tiến hành đối thoại về thương mại và công nghệ để tránh gây ra sự phân cực trên thị trường và nền kinh tế thế giới. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, thế giới cần đặt chế độ khẩn cấp và giải quyết triệt để các thách thức báo động hiện nay bằng cách đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để đảm bảo phục hồi công bằng, giải quyết khủng hoảng khí hậu, đặt con người vào trung tâm của thế giới kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến, đồng thời mang lại hòa bình bền vững.
Trước đó, trong thông điệp chào năm mới 2022, Tổng thư ký António Guterres cũng kêu gọi các quốc gia và toàn thế giới hành động “trên tinh thần đối thoại, thỏa hiệp và hòa giải mới vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng”.