Một năm nhiều sóng gió trong quan hệ Mỹ-Trung

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ vẫn được kiểm soát khi cả hai bên đều thể hiện rõ nhu cầu đối thoại và hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực nhất định.    

Không ngoài lo ngại của nhiều nhà phân tích, quan hệ giữa hai cường quốc và cũng là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục chứng kiến nhiều sóng gió trong năm 2021.
Thế nhưng, trạng thái căng thẳng dù chưa được hóa giải, thậm chí có thời điểm còn bị đẩy lên cao, song tổng thể quan hệ vẫn được kiểm soát khi cả hai bên đều thể hiện rõ nhu cầu đối thoại và hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực nhất định.    

Với việc ông Joe Biden đắc cử và trở thành Tổng thống mới của Mỹ (nhậm chức ngày 20/1/2021), đã có không ít kỳ vọng về khả năng quan hệ Mỹ-Trung sẽ được cải thiện, ít nhất là bớt căng thẳng hơn so thời kỳ Tổng thống Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ (2016-2020). Tuy nhiên, thực tế là trong suốt năm 2021, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Thế đối đầu và cạnh tranh chiến lược gay gắt tiếp tục được duy trì trên hầu hết các mặt trận ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ… Trong một số lĩnh vực và ở một số thời điểm, đối đầu giữa hai bên thậm chí còn gay gắt và quyết liệt hơn so với thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà bình luận quốc tế phân tích, cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Tiếp tục đối đầu và cạnh tranh quyết liệt

Quan điểm cứng rắn với Trung Quốc được Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ngay trong những tuyên bố đầu tiên sau khi nhậm chức. Theo đó, người đứng đầu nước Mỹ xác định Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”. Trên quan điểm này, Mỹ tiến hành hàng loạt hành động tập hợp lực lượng đáng chú ý trong suốt năm 2021 như xúc tiến chiến lược “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn (B3W)” nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác giữa nhóm Bộ tứ QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia); thành lập Liên minh hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS)... Mỹ cũng tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế đối với các tập đoàn viễn thông và công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc; tăng cường kiểm soát xuất khẩu phần mềm và linh kiện cho các công ty Trung Quốc; đưa vào danh sách đen hàng loạt công ty công nghệ và thậm chí tước giấy phép hoạt động của một số nhà mạng quốc doanh Trung Quốc, đồng thời yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ rút vốn khỏi các liên doanh với Trung Quốc... Bên cạnh đó, Mỹ cũng chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc không tuân thủ cam kết về thương mại cũng như trong các vấn đề liên liên quan đến nhân quyền, Đài Bắc-Trung Hoa…

Một năm nhiều sóng gió trong quan hệ Mỹ-Trung - ảnh 1Không ngoài lo ngại của nhiều nhà phân tích, quan hệ giữa hai cường quốc và cũng là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục chứng kiến nhiều sóng gió trong năm 2021. Ảnh minh họa: Shutterstock

Trước các động thái của Mỹ, Trung Quốc luôn thể hiện lập trường cứng rắn, phản ứng quyết liệt, nhiều lần chỉ trích chính quyền Mỹ có hành động và những phát ngôn có tính khiêu khích và áp đặt. Đồng thời, Bắc Kinh không ngừng tiến hành các bước đi nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh và củng cố vị thế quốc tế. Đơn cử, tháng 6/2021, Trung Quốc thông qua Đạo luật chống trừng phạt nước ngoài, qua đó tạo nền tảng pháp lý để đáp trả các đòn trừng phạt. Và để nhanh chóng bắt kịp năng lực khoa học và công nghệ với Mỹ, Trung Quốc không chỉ đẩy mạnh Chiến lược “Made in China 2025” với trọng tâm là các ngành công nghệ cao, mà còn khởi xướng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm nhân rộng mô hình kỹ thuật số ra toàn cầu, giúp nước này dẫn đầu về những công nghệ mới nổi. Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm cao trong việc chạy đua phát triển chip tiên tiến và chất bán dẫn, các công nghệ cốt lõi khác và các công nghệ mới nổi để trở thành "một siêu cường công nghệ tự lực cánh sinh”.

Những ngày cuối năm 2021, căng thẳng quan hệ hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao với những tranh cãi gay gắt xung quanh việc Mỹ quyết định không cử quan chức tham gia Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Trong tranh cãi này, Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington “chính trị hóa” vấn đề thể thao.  

Duy trì đối thoại và xu thế hợp tác

Tuy nhiên, song hành với thế đối đầu và cạnh tranh gay gắt trên hầu hết các mặt trận, xu thế đối thoại và hợp tác Mỹ-Trung vẫn được cả hai bên duy trì trong suốt năm 2021. Minh chứng rõ ràng nhất là việc hai bên đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp cao, trong đó có đối thoại Alaska (Mỹ) hồi tháng 3, đối thoại Thiên Tân (Trung Quốc) hồi cuối tháng 7 và đặc biệt là hội đàm thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11. Việc các cuộc đối thoại cấp cao liên tiếp được tổ chức dù kết quả chưa đạt được đột phá, giúp cho hai bên giữ vững quỹ đạo quan hệ song phương, không để những tranh cãi và mâu thuẫn vượt khỏi tầm kiểm soát. Quan trọng hơn, nó cho thấy cả hai bên vẫn có nhu cầu đối thoại và hoàn toàn có thể ngồi lại đối thoại với nhau để xử lý các mâu thuẫn, bất đồng.   

Một năm nhiều sóng gió trong quan hệ Mỹ-Trung - ảnh 2Hội đàm thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11.  Ảnh: REUTERS

Không chỉ có vậy, về quan hệ kinh tế, dù tranh chấp thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt đồng thời bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song hoạt động giao thương Mỹ-Trung vẫn diễn ra sôi động trong năm 2021 với kim ngạch thương mại từ tháng 1-7 đạt cao hơn tới 40% so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế này cho thấy ràng buộc lợi ích kinh tế giữa hai nước chưa thể bị phá vỡ bởi bất đồng chính trị. Bên cạnh đó, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26) ở Glasgow (Anh), hai nước đã ra tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, cho thấy hai bên vẫn có những lĩnh vực nhất định có thể hợp tác với nhau.

Bởi vậy, theo đánh giá chung của các nhà phân tích hai nước cũng như quốc tế, quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới sẽ tiếp tục vận động theo xu thế vừa đối đầu và cạnh tranh quyết liệt, vừa tiếp tục đối thoại và hợp tác trong những lĩnh lực có thể, vì lợi ích cốt lõi của mỗi bên và sự ổn định chung của cục diện quan hệ quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu