Mỹ và Trung Quốc nỗ lực tìm tiếng nói chung

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Sự khác biệt quan điểm thể hiện ở việc hai bên nhìn nhận cách thức tổ chức các cuộc hội đàm.

Tuần này, một trong những sự kiện ngoại giao quốc tế nổi bật là chuyến thăm thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) kéo dài hai ngày (25-26/7) của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được cho là ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua, chuyến thăm được kỳ vọng có thể giúp khai thông tình trạng bế tắc, mở ra triển vọng cải thiện quan hệ trong thời gian tới.

Mỹ và Trung Quốc nỗ lực tìm tiếng nói chung - ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc ở Thiên Tân hôm 26/7. Ảnh: Reuters.

Chuyến thăm Thiên Tân của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ đến Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay (20/1/2021). Đáng nói hơn, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực, từ ngoại giao cho đến khoa học công nghệ, trong đó gay gắt nhất là lĩnh vực thương mại. Bởi vậy, không ít ý kiến kỳ vọng chuyến thăm có thể giúp “phá băng” tình trạng quan hệ đang được cho là “ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên” giữa hai nước. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong khá nhiều vấn đề.

Mỹ và Trung Quốc nỗ lực tìm tiếng nói chung - ảnh 2Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân ngày 26/7. Ảnh: Politico

Chưa tìm được tiếng nói chung

Trọng tâm chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman là hai cuộc hội đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong. Thế nhưng, cũng tương tự như diễn biến tại cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung ở Alaska (Mỹ) hồi tháng 3 năm nay, các cuộc gặp gỡ tại Thiên Tân tiếp tục diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.

Sau các cuộc hội đàm, báo giới Trung Quốc trích dẫn một số tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Tạ Phong với nội dung chỉ trích Mỹ gay gắt. Cụ thể, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng đối nghịch giữa hai cường quốc, cáo buộc Mỹ tiến hành "ngoại giao cưỡng ép" và cảnh báo Mỹ ngừng can thiệp vào các vấn đề như Đài Loan, Tân Cương. Bắc Kinh cũng đưa ra hai danh sách những hành động mà Washington cần thực hiện, bao gồm việc hủy các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc, dỡ lệnh cấm thị thực với sinh viên, không gây khó khăn cho các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ và mở lại các Viện Khổng Tử.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Thứ trưởng Sherman đã nêu ra một số vấn đề nhân quyền gồm Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, đồng thời bày tỏ lo ngại về hành vi của Bắc Kinh trong không gian mạng, ở eo biển Đài Loan, trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, phía Mỹ cũng đề cập cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc Covid-19 mà Trung Quốc giữ quan điểm phản đối.

Không chỉ có vậy, sự khác biệt quan điểm còn thể hiện ở việc hai bên nhìn nhận cách thức tổ chức các cuộc hội đàm. Cụ thể, Bắc Kinh đề cao cuộc đối thoại đồng cấp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong. Trong khi đó, Washington nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp giữa bà Sherman và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Theo giới phân tích, những khác biệt quan điểm từ cách tiếp cận về mặt nghi thức cho đến nội dung bàn luận trong các cuộc gặp gỡ cho thấy, việc tìm được tiếng nói chung giữa hai bên còn khoảng cách lớn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cơ hội cho khả năng cải thiện quan hệ hai nước, không còn tồn tại.  

Coi trọng đối thoại

Dù thể hiện quan điểm cứng rắn với nhau, song cả Mỹ và Trung Quốc vẫn dành chỗ cho những ngôn từ cho thấy “hai bên vẫn có thể và có nhu cầu đối thoại với nhau”. 

Về phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bình luận: quan chức hai bên đã thảo luận cách đặt ra các điều khoản để quản lý có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong đó, Thứ trưởng Sherman nêu rõ Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai nước, nhưng không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Đặc biệt, Thứ trưởng Sherman cho rằng quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, nên Mỹ sẵn sàng tiếp tục có các cuộc tiếp xúc cũng như đối thoại cởi mở và thẳng thắn với Trung Quốc. Bản thân việc Thứ trưởng Sherman đến Trung Quốc đã có thể coi là một thông điệp cho nhu cầu đối thoại này của Mỹ.

Còn với phía Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, Ngoại trưởng Vương Nghị đánh giá chuyến thăm của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ là một phần của các cuộc tiếp xúc và đối thoại song phương, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xóa bỏ hiểu lầm thông qua các cuộc đối thoại liên tục. Hơn thế, việc cả Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Tạ Phong cùng đón tiếp và hội đàm với Thứ trưởng Sherman, phần nào cho thấy sự coi trọng của Bắc Kinh trong việc đối thoại với Mỹ. 

Như vậy, có thể thấy rằng, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn đang coi trọng và có nhu cầu đối thoại với đối phương, nỗ lực tìm tiếng nói chung. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để tin rằng quan hệ Mỹ-Trung vẫn có thể được cải thiện trong thời gian tới, dù quy mô, mức độ và tiến độ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rất khó đoán định.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu