Kinh tế thế giới năm 2021: phục hồi trong thách thức

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan (Mỹ) Bruce Kasman đánh giá đây là “chênh lệch lớn chưa từng có” trong 20-25 năm qua.

Bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới trong năm 2021 đã cơ bản thoát khỏi nguy cơ suy thoái, nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, do sự xuất hiện liên tiếp của các biến chủng mới như Delta, Omicron… cùng hàng loạt hệ lụy khác như sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tình trạng lạm phát…, phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt thách thức lớn, thiếu tính ổn định cũng như sự đồng đều. 

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố tại hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hồi trung tuần tháng 10/2021, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 5,9%. Dù thấp hơn so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7, song mức tăng trưởng dự kiến 5,9% của năm 2021 vẫn được coi là bước chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới, nhất là khi so với mức tăng trưởng âm 4,4% của năm 2020.

Kinh tế thế giới năm 2021: phục hồi trong thách thức - ảnh 1Tình hình lạm phát tại Mỹ (xanh dương), Eurozone (xám), G20 (Cam) và Brazil (xanh lá).
Nguồn: WSJ

Chuyển biến tích cực

Động lực lớn nhất của kinh tế thế giới năm 2021 là giai đoạn đầu năm khi hàng loạt quốc gia quyết định mở cửa, khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế theo chiến lược phòng chống dịch bệnh mới là “thích ứng linh hoạt” trên cơ sở tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Theo số liệu của IHS Markit (công ty quốc tế chuyên thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI)), GDP thực tế của thế giới trong quý II/2021 vượt mức của quý IV/2019, tức giai đoạn trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là kinh tế thế giới chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng trở lại. Còn trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) đưa ra hồi tháng 7, cả IMF và WB cùng nhận định nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi từ suy thoái với “tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây”. 

Đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới chủ yếu nhờ các đầu tàu Mỹ, Trung Quốc, EU. Cụ thể, với việc triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ cùng tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ được ví như “lò xo” bật trở lại mạnh mẽ với tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong 70 năm qua. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ có thể tăng trưởng 6% trong năm 2021. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá phục hồi nhanh hơn dự kiến, có thể đạt tăng trưởng ở mức 5%. Tương tự, nhờ kiểm soát dịch, Trung Quốc vẫn tăng trưởng ổn định và chính phủ nước này dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 sẽ vượt mục tiêu 6%, trong khi OECD cho rằng chỉ số này của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ là 8,5%. 

Kinh tế thế giới năm 2021: phục hồi trong thách thức - ảnh 2Tháng 3/2021, tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez (Ai Cập) gần một tuần. Hơn 360 tàu mắc kẹt cùng số hàng hóa trị giá 3-9,6 tỷ USD. Ảnh: AP

Mặc dù đà phục hồi có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm khi các làn sóng dịch mới khiến nhiều nước trì hoãn kế hoạch mở cửa, song có thể khẳng định về tổng thể, kinh tế thế giới đã có bước chuyển biến rất tích cực. Ngoài mức tăng trưởng GDP gần 6% theo dự báo của IMF, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 10,7% năm 2021, trái ngược hoàn toàn với mức suy giảm lên tới 8% năm 2020.

Thách thức và triển vọng

Tuy nhiên, với sự xuất hiện biến thể mới của virus Sars-CoV-2, đặc biệt là chủng Omicron giai đoạn cuối năm 2021, cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và mức lạm phát tăng mạnh, phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới còn thách thức lớn. 

Trước hết, đó là sự không đồng đều trong tốc độ phục hồi và tăng trưởng giữa các nước và khu vực. Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan (Mỹ) Bruce Kasman đánh giá đây là “chênh lệch lớn chưa từng có” trong 20-25 năm qua. Báo cáo của các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh chênh lệch trong tốc độ phục hồi chủ yếu liên quan đến mức độ bao phủ vaccine. Theo thống kê của trang mạng Our World in Data, tính đến đầu tháng 12, có 55% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, nhưng tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ đạt 6,2%, tạo ra nguy cơ về những đợt bùng phát mới.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong suốt năm 2021. Trong tuyên bố ngày 6/12, Tổng Giám đốc IMF Georgieva nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với nhiều biến thể mới xuất hiện và nguy cơ lạm phát gia tăng.

Trước các thách thức, nhưng các tổ chức tài chính toàn cầu tin rằng, kinh tế thế giới năm 2022 sẽ khởi sắc. Trong một thông báo ngày 8/12, Marko Kolanovic, trưởng nhóm chiến lược gia thị trường toàn cầu của Ngân hàng JPMorgan, đánh giá "2022 sẽ là năm phục hồi toàn cầu, đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế và các nền kinh tế sẽ thích ứng linh hoạt thực tế”. Còn tại báo cáo thường niên công bố ngày 26/12, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, nhận định: bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ cao hơn so với mức trước đại dịch và lần đầu tiên đạt mức 100.000 tỷ USD.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu