Sudan vẫn chìm trong vòng xoáy bạo lực sau 1 năm xung đột

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Đáng ngại hơn, khủng hoảng tại Sudan đang lan sang các nước láng giềng khác vốn cũng đang rất khó khăn. 

Ngày 15/04 năm nay là tròn 1 năm nổ ra cuộc xung đột tại Sudan. Sau 1 năm, quốc gia Đông Phi này vẫn đang chìm trong vòng xoáy bạo lực, đẩy hàng triệu người vào thảm cảnh nhân đạo trong khi triển vọng về một giải pháp hòa bình vẫn hoàn toàn bế tắc.

Cuộc xung đột tại Sudan bùng phát ngày 15/04 năm ngoái, khi quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát quốc gia Đông Phi. Tình trạng đối đầu từ thủ đô Khartoum nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương khác của đất nước.

Thảm cảnh nhân đạo

Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai lực lượng từng là đồng minh đẩy Sudan vào tình thế hỗn loạn, khi nền kinh tế và các thiết chế nhà nước trên bờ vực sụp đổ. Theo các số liệu của Liên hiệp quốc, cuộc xung đột trong 1 năm qua tại Sudan đã cướp đi sinh mạng của gần 15.000 ngàn người và khiến hàng trăm ngàn người khác bị thương. Hơn 8,5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó khoảng 1,8 triệu người đã phải chạy sang các quốc gia láng giềng của Sudan. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hệ thống y tế ở Sudan đang sụp đổ, do thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên y tế cũng như thuốc men, vaccine, thiết bị và các vật tư y tế. Khoảng 70-80% cơ sở y tế ở Sudan không còn hoạt động do các cuộc giao tranh. Một số bang không nhận được vật tư y tế nào trong suốt 1 năm qua.

Sudan vẫn chìm trong vòng xoáy bạo lực sau 1 năm xung đột - ảnh 1Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Khartoum, Sudan, ngày 1/5/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nghiêm trọng hơn, cuộc xung đột đẩy Sudan vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Hôm 29/3, Hệ thống phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ ước tính có gần 5 triệu người Sudan bị suy dinh dưỡng nặng, trong đó có 3,6 triệu là trẻ em dưới 5 tuổi và 1,2 triệu phụ nữ mang thai và cho con bú. IPC nhấn mạnh nếu các hành động thù địch không chấm dứt ngay lập tức và đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ nhân đạo, khoảng 1/2 dân Sudan có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cấp tính ở mức độ tồi tệ nhất trong giai đoạn từ tháng 4-5. Theo Justin Brady, Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo (OCHA) của LHQ tại Sudan, thảm cảnh đặc biệt đáng báo động đối với trẻ em:“Cuộc chiến này đặc biệt khắc nghiệt đối với trẻ em. Ước tính có khoảng 730.000 trẻ em đang phải chịu đựng nạn suy dinh dưỡng trầm trọng. Nếu không có các hỗ trợ khẩn cấp, hơn 200.000 trẻ em có thể thiệt mạng vì nạn đói trong những tuần và những tháng tới”.

Sudan vẫn chìm trong vòng xoáy bạo lực sau 1 năm xung đột - ảnh 2

Người tị nạn Sudan tại một bệnh viện ở Adre, Chad. Ảnh: Reuter

Dù tình trạng nhân đạo liên tục xói mòn, các hoạt động cứu trợ tại Sudan gặp rất nhiều thách thức, bởi xung đột tại Sudan diễn biến phức tạp, tình trạng quan liêu, cát cứ lan tràn, đồng thời cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến việc phân phối hàng cứu trợ bị cản trở. Đáng ngại hơn, khủng hoảng tại Sudan đang lan sang các nước láng giềng khác vốn cũng đang rất khó khăn. Michael Dunford, Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình lương thực LHQ (WFP), cho biết:“Người tị nạn Sudan tràn sang Chad và Nam Sudan, hai quốc gia vốn đã trong tình trạng hết sức bất ổn. Nam Sudan hiện đã phải tiếp nhận hơn 600.000 người tị nạn Sudan trong khi 75% dân số nước này cần trợ giúp nhân đạo. Vì thế, WFP và các tổ chức khác không thể nào đáp ứng được tất cả nhu cầu”.

 Cuộc xung đột bị lãng quên

Bất chấp thảm cảnh nhân đạo tại Sudan, việc cứu trợ thường dân tại quốc gia Đông Phi vẫn vấp phải sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế. Theo LHQ, các cơ quan nhân đạo của tổ chức này cần ít nhất 2,7 tỷ USD trong năm nay để cung cấp lương thực, vật tư y tế và các nhu cầu khác cho 24 triệu dân Sudan, tương đương gần 1/2 dân số quốc gia này (51 triệu). Tuy nhiên, con số do OCHA đưa ra cho thấy tính đến hết tháng 3 năm nay, các nhà tài trợ mới cam kết cung cấp 145 triệu USD cho Sudan, tức chỉ khoảng 5% nhu cầu. Theo Christos Christou, Chủ tịch tổ chức “Bác sĩ không biên giới” (MSF), sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế với Sudan gây sốc và không thể chấp nhận nổi bởi Sudan đang trải qua thảm cảnh nhân đạo lớn nhất thế giới.

Trong lúc này, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp chấm dứt xung đột và xây dựng giải pháp chính trị cho Sudan vẫn rơi vào bế tắc. Trong cuộc họp mới nhất của Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ về tình hình tại Sudan hồi đầu tháng 3, các bên không đề ra được một giải pháp khả thi nào trong thời gian tới, ngoài những lời kêu gọi các bên tham gia xung đột ngừng bắn. Đáng chú ý, một số quốc gia tiếp tục chỉ trích lẫn nhau về việc can dự vào xung đột tại Sudan và khiến tình hình thêm phức tạp. Sự bế tắc này buộc Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, phải lên tiếng cảnh báo:Cuộc xung đột đang gây ra hậu quả thảm khốc cho người dân Sudan, làm tổn hại sự thống nhất của quốc gia này. Hiện đang có nguy cơ nghiêm trọng về việc xung đột này cho thể châm ngòi cho bất ổn khu vực, với những hệ lụy to lớn, trải dài từ Sahel tới vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ”.

Trước mắt, xung đột tại Sudan đang đe dọa trực tiếp đến quan hệ giữa nước này với Nam Sudan, quốc gia chia cắt từ Sudan hơn 1 thập kỷ trước. Không chỉ khiến Nam Sudan chịu áp lực lớn từ dòng người tị nạn, cuộc xung đột tại Sudan còn khiến bất ổn gia tăng tại biên giới giữa hai quốc gia, đồng thời hủy hoại các hoạt động hợp tác kinh tế, trong đó có đường ống dầu mỏ từ Nam Sudan chạy qua lãnh thổ Sudan ra cảng Sudan ở Biển Đỏ. Giới quan sát cảnh báo nếu xung đột tại Sudan kéo dài, hai quốc gia có thể trở lại tình trạng thù địch như những năm trước đây, đẩy khu vực vào một sự hỗn loạn mới trầm trọng hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu