Sức ép sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Theo dõi tình hình quốc tế những ngày qua có thể thấy thỏa thuận hạt nhân Iran đang đức trước sức ép phải sửa đổi ngày một lớn. 

Khác với những lần bóng gió trước đây, ngày 12/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt thời hạn cụ thể phải sửa đổi thỏa thuận lịch sử này theo hướng mà Mỹ cho là hợp lý hơn. Tất nhiên áp lực của Mỹ vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế song bối cảnh này cũng cho thấy các nước liên quan cần tính đến những bước đi sắp tới nếu không muốn thỏa thuận bị đổ vỡ. 

Sức ép sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 1

Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền Trung Iran. - Nguồn: AP/TTXVN

Sau 12 năm thương lượng và đàm phán nước rút căng thẳng, thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran đạt được tháng 7/2015. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc nước cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Thỏa thuận JCPOA được cho là một kết quả thành công nhất của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhưng đến phiên người kế nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã tìm mọi cách để gạt bỏ tất cả.

Ý đồ đằng sau sức ép sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran

Một điều dễ thấy rằng, trong số 7 quốc gia tham gia đàm phán và ký thỏa thuận hạt nhân Iran (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Iran), chỉ có duy nhất Hoa Kỳ đòi sửa đổi. 

Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã cho rằng JCPOA là “một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất” mà ông từng chứng kiến. Ông cảnh báo văn kiện này sẽ không thể ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Washington cũng không hài lòng việc Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc can thiệp vào Yemen, Syria và cung cấp vũ khí cho Hezbollah…mặc dù  ông Donald Trump không đưa ra được bằng chứng.

Sức ép sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 2Kỹ thuật viên Iran làm việc tại cơ sở nghiên cứu hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía Nam. - Nguồn: AFP/TTXVN 

Do vậy, từ khi nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng không ngừng tìm mọi lý lẽ để phủ nhận những giá trị mà JCPOA mang lại. Washington không lấy lý do Iran vi phạm các điều khoản của JCPOA, mà cho rằng, cần phải thương lượng lại các điều khoản của JCPOA. Nếu không, phía Mỹ sẽ từ chối tham gia thỏa thuận này.

Với mục tiêu ép bằng được phải sửa đổi JCPOA nên bất chấp việc Iran được các nước châu Âu và IAEA ghi nhận là thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong JCPOA nhưng tháng 7/2017, ông Trump vẫn ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran. 3 tháng sau đó, Tổng thống Mỹ cũng từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận và đẩy quyền quyết định sang cho Quốc hội nước này.

Rõ ràng Mỹ đang tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Song điều gì đã khiến Washington phớt lờ mọi phản đối của các quốc gia từng cùng đặt bút ký bản thỏa thuận lịch sử này vào năm 2015 ?.  Lý do vì ngoài lợi ích của Mỹ, thực chất đòi hỏi của ông Trump là nhằm gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông, làm yên lòng hai đồng minh khu vực của Mỹ là Israel và Saudi Arabia, vốn quan ngại Iran có kế hoạch mở một hành lang qua lãnh thổ Iraq tới Syria đe dọa an ninh của họ. Vì thế nên sau bất kỳ động thái nào của Tổng thống Trump về JCPOA, các đồng minh khu vực của Mỹ, nhất là Israel luôn lên tiếng ủng hộ.

Ngoài ra, một lý do nữa cũng được đề cập đến là ông Trump cần thực hiện những lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử. Và bây giờ là thời điểm thích hợp.

Liệu có sửa đổi

Thời gian ngắn trước mắt có lẽ việc sửa đổi khó diễn ra song về lâu dài không ai dám chắc điều này. Sở dĩ nói vậy vì đến thời điểm này, 6 quốc gia tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn giữ lập trường không cần sửa đổi thỏa thuận. Họ hiểu những giá trị mà bản thỏa thuận lịch sử này mang lại trong việc hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran. Và những tuyên bố nhằm phá vỡ việc thực thi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) chỉ làm gia tăng sự bi quan và bất ổn.

Ngoài ra, sự sụp đổ thỏa thuận này sẽ gây hại cho các cuộc đối thoại với CHDCND Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và tác động tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của trên thế giới.

Trước mắt là vậy song về lâu dài, chắc chắn Washington sẽ tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa để buộc phải sửa đổi thỏa thuận. Đó có thể là tăng cường những điều luật chống Tehran, thông qua đạo luật minh bạch yêu cầu công khai tài chính của các quan chức hàng đầu Iran...

Cách đây hơn 2 năm, khi đặt bút ký vào thỏa thuận hạt nhân Iran, đại diện của các quốc gia đã từng hi vọng nó sẽ giúp khép lại một trong số hồ sơ hạt nhân phức tạp nhất trên thế giới, tương tự như hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Song những gì diễn ra trên thực tế lại đang cho thấy ký là 1 chuyện, còn các bên cùng tuân thủ lại là 1 chuyện khác.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu