Chỉ tính trong quý 1 năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của du lịch sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công bố đầu tháng 4, trong quý 1 năm nay khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phục hồi hoàn toàn
Với lượng khách quốc tế này, du lịch Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, thậm chí tăng 3,2% so với quý 1 năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trải đều trong cả 3 tháng đầu năm, mỗi tháng đều trên 1,5 triệu lượt.
Quang cảnh Vịnh Hạ Long. Ảnh: VOV |
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến Klook Việt Nam, du khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng mà chi tiêu cũng tăng trung bình trên 13%, chỉ số cho thấy du khách quốc tế đang sẵn sàng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm và hoạt động du lịch tại Việt Nam. Hiện tại, 5 thị trường hàng đầu đưa du khách quốc tế đến Việt Nam, gồm: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông và Philippine. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sự tăng trưởng du khách quốc tế ấn tượng nhất đến từ các thị trường mới nổi. Theo Klook, khách Indonesia dẫn đầu với mức tăng trưởng nhu cầu du lịch đến Việt Nam gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đài Loan (Trung Quốc) theo sau với mức tăng trưởng gấp 5 lần và châu Âu xếp vị trí thứ 3 với mức tăng trưởng gấp 4 lần. Những con số này cho thấy, Việt Nam đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, từ những du khách ngắn ngày đến những người muốn ở lại lâu dài tại Việt Nam.
Một số du khách quốc tế chia sẻ: “Tôi đến Đà Nẵng bất cứ khi nào có thể. Đà Nẵng có những bãi biển đẹp, nhiều hoạt động, có cộng đồng nước ngoài năng động, có thể làm rất nhiều việc, như: tập yoga, đi chơi đêm, thưởng thức nhạc sống, nhiều địa danh, thành phố đẹp, con người rất dễ mến, thời tiết tuyệt vời”.
“Tôi lớn lên ở Australia và New Zealand và toàn bộ thế giới quan của tôi là về các giá trị phương Tây. Khi mới đến Việt Nam, tôi bị sốc văn hóa nhưng khi đã ở đây một thời gian, thế giới quan của tôi về các giá trị hay cách nhìn đã thay đổi, bởi người Việt Nam thực sự rất dễ mến, thân thiện, rộng lượng và chân thành”.
“Thực sự là tôi rất ấn tượng với Việt Nam. Tôi mới đến Thành phố Hồ Chí Minh và chưa có cơ hội đi thăm các nơi khác nhưng rất ấn tượng với cách mọi thứ được phát triển tại đây. Tất nhiên tôi cũng được nghe nói rất nhiều về sự tử tế của người Việt Nam và tôi thực sự đã được tự trải nghiệm điều đó”.
Nâng cao đẳng cấp ngành du lịch
Việc du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong quý 1 năm nay được xem là thành quả của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm mà ngành du lịch Việt Nam triển khai trong thời gian qua.
Du khách nước ngoài tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: VOV |
Thống kê của Klook cho thấy, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, du khách quốc tế đến Việt Nam đang đến nhiều hơn với các điểm đến mới, như: các tổ hợp vui chơi, giải trí, các công viên chủ đề (Sun World, Vin Wonders, Vinpearl Safari, công viên chủ đề Ấn tượng Hội An…) hay các tour, tuyến mới, như: tour ngày tham quan Vịnh Hạ Long bằng du thuyền 5 sao Cozy Bay Premium; tour ngày Khu di tích Địa đạo Củ Chi và Đồng bằng sông Cửu Long từ TP Hồ Chí Minh… Đặc biệt, du lịch bằng tàu biển cao cấp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ đầu năm nay, đã có gần 20 chuyến tàu biển đưa gần 20.000 lượt khách cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để tham quan Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, khoảng 15 chuyến tàu đưa hàng chục ngàn khách đến Nha Trang… Tập đoàn Royal Caribbean đánh giá Việt Nam là 1 trong 3 nơi yêu thích nhất của du khách tàu biển quốc tế tại Đông Nam Á.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều này cho thấy du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh về chất: “Không chỉ về con số, chúng ta thấy du lịch Việt Nam đang chuyển mình sang một trạng thái mới, ở chất lượng và đẳng cấp cao hơn, thu hút lượng du khách chất lượng cao, nhờ những sản phẩm du lịch cao cấp và đa dạng”.
Nhằm củng cố sự dịch chuyển mạnh về chất này, ngành du lịch Việt Nam năm nay tiến hành nhiều chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch lớn tại nhiều thị trường trọng điểm du lịch, đổi mới hình thức quảng bá thông qua trình diễn văn hóa, điện ảnh, tổ chức nhiều “Ngày Việt Nam” tại các quốc gia…
Ngoài ra, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mới đây trang web vietnam.travel quảng bá du lịch của Cục đã vượt qua Thái Lan và nhiều quốc gia trong khu vực, do đó việc truyền thông trên nền tảng số và chuyển đổi số trong ngành du lịch sẽ là 1 ưu tiên lớn trong thời gian tới, nhằm đưa du lịch Việt Nam đạt, thậm chí vượt mục tiêu đón 18 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay